Giác mạc là bộ phận quan trọng có vai trò quan trọng đối với thị lực của mỗi người. Ở mỗi người, đặc điểm của giác mạc có thể khác nhau. Có nhiều trường hợp đi khám được bác sĩ chẩn đoán là giác mạc mỏng và khá lo lắng về điều này. Vậy giác mạc mỏng là vấn đề như thế nào? Tình trạng giác mạc bị mỏng có phải là một dạng bệnh lý không? Cùng tìm hiểu về giác mạc mỏng qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Cấu tạo và đặc điểm của giác mạc mắt
Giác mạc là một bộ phận ở mắt mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều biết đến, nhưng không phải ai cũng hiểu nó có tác dụng và vai trò như thế nào. Định nghĩa một cách đơn giản, đây là 1 màng trong suốt nằm phía bên ngoài cùng, phía trước mắt. Nó và thủy tinh thể có tác dụng như thấu kính khúc xạ, để ánh sáng hội tụ lại trên võng mạc. Các tín hiệu ánh sáng tại đây sẽ được truyền đến não và xác nhận ảnh, từ đó chúng ta nhận thức được hình ảnh của sự vật.
Về mặt cấu tạo và thông số, giác mạc là một màng mỏng trong suốt, đặc tính dai và không có mạch máu. Nó có hình chỏm cầu với đường kính là khoảng 11 mm, bán kính độ cong khoảng 7,7 mm. thông thường chiều dày giác mạc ở trung tâm mỏng hơn ở vùng rìa xung quanh.
Không chỉ có vai trò giúp hội tụ ánh sáng, giác mạc còn giúp bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn, bụi bẩn từ bên ngoài, ngăn ngừa các bệnh lý về mắt và nếu vì 1 lý do nào đó giác mạc bị tổn thương, thị lực của mắt cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, giiác mạc còn có tác dụng mà ít khi được nhắc đến là tác dụng sàng lọc tia cực tím có hại cho mắt, ngăn chặn và hạn chế loại tia có hại này thâm nhập trực tiếp vào thủy tinh thể cũng như võng mạc mỏng manh phía sau.
2. Tình trạng giác mạc mỏng
2.1 Giác mạc mỏng là như thế nào?
Giác mạc của mỗi người có các chỉ số khác nhau, tuy nhiên đều nằm trong phạm vi nhất định. Giác mạc bình thường có độ dày khoảng 530 – 550 micromet. Do đó giác mạc có độ dày dưới 500 micromet sẽ được đánh giá là giác mạc mỏng. Nhưng để nói chính xác thì giác mạc mỏng vẫn chỉ là một đặc điểm chứ chưa được coi là bệnh lý nếu vẫn nằm trong mức quy định.
Đối với những người mắt chính thị, chỉ số này không quá quan trọng nhưng đối với những người mắc tật khúc xạ và có dự định phẫu thuật chữa trị thì đây lại trở thành một chỉ số quyết định. Biết được giác mạc dày hay mỏng, với chỉ số bao nhiêu sẽ giúp bác sĩ nhãn khoa đưa ra phương pháp phẫu thuật thị lực phù hợp nhất. Thông thường với những giác mạc có độ dày rất mỏng, dưới 460 micromet sẽ được tính là không đủ điều kiện phẫu thuật tật khúc xạ Lasik nhằm tránh khả năng tái cận và những rủi ro nghiêm trọng cho mắt sau này.
Ngược lại với tình trạng giác mạc mỏng, giác mạc dày lại hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thị lực, thậm chí đủ điều kiện để thực hiện bất cứ phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ nào mà bạn muốn nên bạn không cần lo lắng.
2.2 Phương pháp xác định giác mạc mỏng
Xác định độ dày giác mạc là một việc mà bạn không thể tự làm tại nhà. Để xác định giác mạc thuộc tình trạng nào, bạn cần đến các cơ sở khám mắt chuyên khoa, bệnh viện để được các bác sĩ đo đạc chính xác bằng những máy móc hiện đại, hạn chế tối đa sai số thông qua nhiều bước đo với:
– Máy chụp khúc xạ tự động: đo thông số khúc xạ và độ dày giác mạc trung bình của mắt.
– Máy đếm tế bào nội mô: đo độ dày vùng trung tâm giác mạc và số lượng tế bào nội mô.
– Máy chụp bản đồ giác mạc cho biết các thông tin về hình dạng, độ cong và độ dày của giác mạc chi tiết từ vùng rìa vào vùng trung tâm.
3. Giác mạc mỏng có gây ảnh hưởng đến thị lực không?
Độ dày, mỏng của giác mạc không quyết định việc giác mạc yếu hay không. Giác mạc chỉ yếu khi các yếu tố liên kết và bền vững của giác mạc gồm các sợi collagen xếp ngang song song. Những liên kết ngang này mới chính là yếu tố quyết định độ bền vững và ổn định của giác mạc. Nếu liên kết ngang yếu thì giác mạc yếu và ngược lại.
Giác mạc mỏng không yếu nhưng lại là nguyên nhân gây nên một số rủi ro đối với mắt. Nguyên nhân bởi mắt vốn là một khối cầu chứa đầy dịch và giác mạc là bộ phận bên ngoài cùng nên phải chịu áp lực rất lớn từ nội nhãn. Giác mạc càng mỏng khiến khả năng chịu lực kém đi, nếu độ mỏng dưới ngưỡng an toàn, áp lực từ nội nhãn có thể đẩy giác mạc lồi ra trước, gây nên một số nguy cơ không mong muốn.
3.1 Khả năng tái cận cao hơn mắt có giác mạc bình thường:
Nguy cơ tái cận là điều mà bất cứ người cận thị nào đã bỏ một số tiền lớn để phẫu thuật điều trị cận cũng đều không mong muốn. Mục tiêu của các cuộc phẫu thuật cận thị là sử dụng tia laser để giảm độ cong bề mặt giác mạc bằng cách làm mỏng nó đi, đưa hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc để người bệnh nhìn rõ mà không cần đeo kính. Nếu giác mạc bị áp lực nội nhãn đẩy cong và lồi trở lại thì việc phẫu thuật như trên sẽ trở nên vô nghĩa.
3.2 Hội chứng khô mắt:
Hội chứng này xảy ra vẫn bởi nguyên nhân áp lực nội nhãn khiến giác mạc mỏng cong hơn bình thường. Đối với mắt có độ cong giác mạc bình thường, nước mắt dễ dàng tạo nên 1 màng phim bao phủ toàn bộ bề mặt giác mạc và giữ cho đôi mắt luôn có độ ẩm và dễ chịu. Giác mạc mỏng sẽ có xu hướng cong nhiều hơn, nhất là tại vị trí mỏng nhất (thường là chính giữa khiến màng nước mắt khó có thể bao phủ toàn bộ, dẫn đến khô mắt.
Nếu khô mắt kéo dài, thị lực của người bệnh sẽ kém dần, khó nhìn và nhạy cảm hơn, dễ cay, cộm mắt.
3.3 Hiện tượng giãn lồi giác mạc:
Mặc dù ít đươc biết đến nhưng giãn lồi giác mạc được coi là hậu quả nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi giác mạc có độ mỏng dưới ngưỡng cho phép. Đây là tên gọi của tình trạng giác mạc có độ cong không đồng đều khiến cho ánh sáng đi qua đây bị khúc xạ theo nhiều hướng khiến hình ảnh não thu nhận được méo mó, mờ nhòe và làm thị lực không ổn định.
Đáng tiếc, hiện tại các chuyên gia nhãn khoa chưa tìm ra phương pháp can thiệp nào điều trị hiện tượng giãn lồi giác mạc; kể cả việc đeo kính cũng không cải thiện được tầm nhìn vì không có loại kính nào có các mảng có độ cận khác nhau trên cùng 1 mắt kính.
Hy vọng những thông tin trên phần nào đã giúp bạn có thêm thông tin về tình trạng giác mạc mỏng cũng như tầm quan trọng của nó đối với phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị. Bên cạnh đó, bạn nên đi khám và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhãn khoa để biết được tình trạng của mình và phương pháp phẫu thuật phù hợp nếu đang có dự đinh điều trị cận thị.