Khám tầm soát ung thư dạ dày là việc làm cần thiết để giúp cơ thể chúng ta luôn được khỏe mạnh. Bởi đa số các bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày đều không có dấu hiệu rõ ràng khi mới ở giai đoạn sớm. Từ đó, dẫn tới việc phát hiện bệnh muộn, gây khó khăn trong quá trình điều trị và tỷ lệ tử vong tăng cao.
Menu xem nhanh:
1.Tìm hiểu về tầm soát ung thư dạ dày
1.1.Tại sao cần khám tầm soát ung thư dạ dày?
Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển những khối u ác tính trong dạ dày, thường xuất phát từ niêm mạc dạ dày. Các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Tỉ lệ mắc ung thư dạ dày và tỉ lệ tử vong do các khối u di căn đến các bộ phận khác cao nhất trong các loại ung thư đường tiêu hóa.
Hoạt động tầm soát (sàng lọc) ung thư dạ dày chính là phát hiện ung thư trước khi nó có bất cứ triệu chứng nào. Qua đó, giúp bác sĩ phát hiện được ung thư ở giai đoạn ban đầu và bệnh được điều trị dễ dàng hơn so với giai đoạn muộn. Theo nghiên cứu cho thấy, ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng sống thêm sau phẫu thuật 5 năm là 80-90%, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng sống thêm sau phẫu thuật 5 năm chỉ còn khoảng 10-15%.
Bên cạnh đó, hơn 80% bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm không có biểu hiện rõ ràng hoặc triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày khác như: trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, …
1.2.Chủ động khám tầm soát ung thư dạ dày trước khi có triệu chứng
– Bạn cần lưu ý rằng, ở giai đoạn tiền ung thư, rất khó để chúng ta phát hiện được các triệu chứng của ung thư dạ dày do bệnh thường không biểu hiện nào quá rõ ràng.
– Chỉ đến khi khối u ác tính bắt đầu phát triển, dấu hiệu bệnh sẽ biểu hiện bệnh rõ ràng hơn như:
- Thường xuyên xuất hiện những cơn đau bất thường.
- Cảm thấy mệt mỏi, bị choáng và ngất.
- Ăn uống mất cảm giác ngon miệng, hay nôn ói.
- Bụng sưng bất thường sau khi ăn, khó nuốt, ợ nóng.
- Sụt cân bất thường, thiếu máu.
- Có máu trong phân khi đi đại tiện
- Chướng bụng sau bữa ăn.
- Đau bụng dưới, tiêu chảy, sốt…
2.Đối tượng nên đi khám tầm soát ung thư dạ dày?
- Hút thuốc lá: được xem là một trong những thói quen có hại mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì. Đây cũng có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.
- Nam giới trên 40 tuổi: Theo thống kê, trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% ở độ tuổi từ 40 trở lên. Đặc biệt, nam giới có tỉ lệ mắc cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ.
- Thói quen ăn uống: những người tiêu thụ thực phẩm được chế biến sẵn, thức ăn ngâm tẩm, muối, những món ăn chứa lượng muối cao thường có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống thanh đạm.
- Người mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa: ung thư dạ dạy thường gặp ở người đã mắc bệnh dạ dày từ trước, ví dụ như đã từng phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, hay bệnh nhiễm vi khuẩn HP.
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn từng có thành viên mắc bệnh ung thư, thì nguy cơ di truyền sang đời con cháu sẽ cao hơn.
- Bên cạnh đó, những người tăng sản/polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính,… cũng không thể chủ quan với căn bệnh ung thư này.
3. Các bước cơ bản khi tầm soát ung thư dạ dày
Nhìn chung, để thực hiện tầm soát ung thư dạ dày, khách hàng sẽ cần những bước khám như sau:
- Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước quan trọng và là bước đầu tiên trong sàng lọc ung thư dạ dày. Tại bước khám này, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe của bạn và gia đình, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải… nhằm đánh giá các nguy cơ mắc bệnh. Sau đó, bạn sẽ được tiến hành khám lâm sàng để phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
- Bước 2: Nội soi dạ dày
Tại bước khám này, bác sĩ đưa ống nội soi từ thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong dạ dày. Ưu điểm của phương pháp nội soi là cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành bước sinh thiết qua nội soi để có thể chẩn đoán mô bệnh học. Qua đó cho phép bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn.
Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được qua hình ảnh nội soi như: polyp, viêm teo, loét hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Ngoài ra, nội soi cũng có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn Helocobacter Pylori (một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày) hay không, nhờ đó hỗ trợ đắc lực giúp cho việc điều trị dự phòng.
Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển nhanh chóng, do đó trong tầm soát thì vai trò của nội soi dạ dày sẽ tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư cho người bệnh.
- Bước 3: Tiến hành chụp cắt lớp vi tính (CT)
Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định thêm bước chụp CT nếu cần thiết. Thông qua các hình ảnh chụp CT, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của các khối u đến những bộ phận xung quanh khác.
Hơn nữa, qua bước khám này, bác sĩ cũng có thể đánh giá tình hình bệnh nếu ung thư bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể như: ổ bụng, gan, hạch, ổ phúc mạc…
- Bước 4: Sinh thiết
Phương pháp này có thể được thực hiện ngay khi bác sĩ tiến hành nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó sẽ tiếp tục bước giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần có để chẩn đoán tế bào khối u đó của người bệnh có phải là ung thư hay không.
Ung thư dạ dày có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Bởi vậy, chúng ta hãy chủ động thực hiện tầm soát ung thư định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời nếu có bệnh.