Đo pH thực quản 24 giờ: Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Đo pH thực quản 24 giờ với sự hỗ trợ của máy đo pH trở kháng thực quản 24 giờ là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân dựa trên số cơn, tính chất của cơn trào ngược và đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả.

1. Giải thích phương pháp

1.1. Đo pH thực quản 24 giờ là gì?

Đo pH trở kháng thực quản trong 24 giờ là một xét nghiệm nhằm đánh giá độ pH hoặc lượng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản trong suốt 24 giờ. Xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản (GERD).

Đo pH thực quản 24 giờ với sự hỗ trợ của máy đo pH trở kháng thực quản 24 giờ

Đo pH thực quản 24 giờ với sự hỗ trợ của máy đo pH trở kháng thực quản 24 giờ

1.2. Trường hợp nào sử dụng phương pháp đo pH thực quản 24 giờ?

Các trường hợp nên thực hiện phương pháp đo pH trở kháng thực quản 24h

– Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lý trào ngược thực quản với các triệu chứng như ợ nóng, đau ngực, và ho khan kéo dài.

– Đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

– Bệnh nhân mắc GERD không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần với liệu pháp ức chế acid bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI).

– Chuẩn bị trước khi phẫu thuật chống trào ngược.

– Đánh giá các triệu chứng GERD không điển hình như đau ngực không rõ nguyên nhân, ho mạn tính, khàn tiếng,…

Các trường hợp cần cân nhắc khi đo pH trở kháng 24 giờ:

– Bệnh nhân có bệnh lý tai mũi họng gây khó khăn trong việc đặt ống thông qua mũi.

– Bệnh nhân có các vấn đề hẹp tắc thực quản.

– Bệnh nhân có tiền sử bệnh lý thực quản gây cản trở việc đặt catheter, tiền sử phẫu thuật cắt đoạn thực quản, nghi ngờ hoặc chẩn đoán ung thư thực quản, xuất huyết tiêu hóa trên, xơ gan (giãn tĩnh mạch).

– Đang mang thai.

– Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và hô hấp nghiêm trọng.

– Bệnh nhân có vấn đề tâm thần kinh không thể tuân thủ theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.

Cần lưu ý rằng quyết định đo pH thực quản 24h sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên sức khỏe và tình trạng bệnh.

2. Tìm hiểu các bước đo pH trở kháng thực quản 24 giờ

Đo pH trở kháng thực quản 24h sẽ bao gồm các bước chuẩn bị trước xét nghiệm, thao tác trong xét nghiệm và theo dõi sau khi hoàn thành.

3.1. Các bước và dụng cụ chuẩn bị cho đo pH trở kháng 24h

Để tiến hành xét nghiệm thực quản này, người thực hiện phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo đo pH 24 giờ (bao gồm bác sĩ được đào tạo và có giấy chứng nhận, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã qua huấn luyện).

Thiết bị và dụng cụ cần thiết bao gồm:

– Hệ thống máy đo pH trở kháng thực quản 24 giờ và máy tính có cài phần mềm hỗ trợ liên quan

– Máy đo trở kháng chuyên dụng xác định vị trí cơ thắt thực quản dưới.

– Vật dụng như thuốc gây tê, catheter và băng có lỗ.

Trước khi thực hiện xét nghiệm pH trở kháng thực quản 24 giờ, người bệnh cần ngưng sử dụng một số loại thuốc:

– Trước 1 ngày: Ngưng thuốc kháng acid (Phosphalugel, Varogel).

– Trước 3 ngày: Ngưng thuốc tăng nhu động (Domperidone, Metoclopramide, Itopride, Mosapride) và kháng H2 (Ranitidin, Famotidin).

– Trước 7 ngày: Ngưng thuốc ức chế bơm proton hoặc P-CAB.

– Nhịn ăn uống từ 4-6 giờ trước khi làm thủ thuật. Trong trường hợp đã nội soi dạ dày hoặc đại tràng trước đó, kỹ thuật viên sẽ tiến hành khi bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, sau khi ăn tối thiểu 1 giờ.

Ngoài ra, bệnh nhân cần chuẩn bị hồ sơ bệnh án và có phiếu chỉ định xét nghiệm phương pháp này.

3.2. Thực hiện đo pH thực quản 24 giờ như thế nào?

Các bước tiến hành sau khi được chuẩn bị diễn ra như sau:

Đặt ống thông:

– Bệnh nhân được xịt thuốc tê vào mũi để làm tê.

– Một ống thông mềm có gắn cảm biến đo pH và trở kháng được đưa qua mũi và vào thực quản.

– Cảm biến được đặt cách cơ thắt tâm vị (giữa thực quản và dạ dày) 5 cm.

– Ống thông được kết nối với một máy ghi nhỏ mà bệnh nhân sẽ mang theo bên mình trong suốt 24 giờ.

Ghi chép nhật ký:

– Bệnh nhân sẽ cần ghi chép nhật ký về các hoạt động, thời gian ăn uống, tư thế cơ thể và bất kỳ triệu chứng nào họ gặp phải trong 24 giờ.

– Thông tin này sẽ được so sánh với dữ liệu pH và trở kháng được ghi lại bởi máy ghi.

Một ống thông mềm có gắn cảm biến đo pH và trở kháng được đưa qua mũi và vào thực quản

Một ống thông mềm có gắn cảm biến đo pH và trở kháng được đưa qua mũi và vào thực quản

Tháo ống thông:

– Sau 24 giờ, ống thông được tháo ra khỏi mũi, bệnh nhân hoạt động bình thường ngay lập tức.

– Các dữ liệu sẽ được tải từ máy tính để xem xét và xác định sự thay đổi nồng độ acid trong khoảng thời gian 24 giờ. Trong trường hợp có bất kỳ bất thường nào, bác sĩ sẽ đưa ra thông báo và đưa ra những phương án điều trị phù hợp.

4. Một số lưu ý khi đo pH thực quản 24 giờ

Người bệnh khi thực hiện xét nghiệm đo pH trở kháng thực quản cần chú ý một số vấn đề  như sau:

– Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế về việc chuẩn bị cho quá trình đo và cách ghi chú thông tin để bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng của bạn.

– Trong quá trình theo dõi 24 giờ, cần ghi lại tất cả các hoạt động liên quan đến thói quen ăn uống, việc uống nước, thời gian nằm và thức dậy, cũng như bất kỳ triệu chứng nào như đau ngực, cảm giác nóng rát hoặc khó chịu trong vùng ngực hoặc họng.

– Tránh một số thực phẩm và đồ uống: Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng đến kết quả đo như rượu, cà phê, thực phẩm chua, thức ăn cay nồng và thuốc lá.

– Kỹ thuật đo pH 24 giờ là một phương pháp tương đối an toàn và hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như ho, đau, cảm giác vướng khi nuốt, khạc ra ít máu hoặc chảy máu mũi nhẹ do quá trình đặt và giữ catheter.

bệnh nhân sẽ mang theo bên mình trong suốt 24 giờ

Bệnh nhân sẽ mang theo bên mình trong suốt 24 giờ

5. Lựa chọn nơi thực hiện đo pH trở kháng thực quản 24h

Thu Cúc TCI là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng dịch vụ này để chẩn đoán GERD. Dịch vụ đo pH trở kháng thực quản 24 giờ tại Thu Cúc TCI được nhiều bệnh nhân đánh giá cao nhờ yếu tố độ chính xác cao “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán GERD, cung cấp thông tin chi tiết về tần suất, thời gian và mức độ trào ngược axit suốt 24 giờ, kể cả khi ngủ, giúp bác sĩ đánh giá chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, đo pH thực quản tại Thu Cúc TCI đảm bảo an toàn và ít xâm lấn, quy trình đơn giản với đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, trang thiết bị máy móc hiện đại, chăm sóc bệnh nhân chu đáo tận tình, giảm thiểu biến chứng.

Trên đây là những thông tin tổng quan về phương pháp đo pH thực quản 24 giờ, giúp bạn hiểu rõ về phương pháp cũng như quy trình thực hiện. Lưu ý luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo kết quả đo chính xác và có cái nhìn toàn diện về bệnh trạng của bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital