Thời điểm giao mùa, đau mắt đỏ xuất hiện nhiều, gây không ít lo lắng cho mọi người. Đau mắt đỏ không chỉ gây khó chịu mà còn có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Vậy đau mắt đỏ lây qua đường nào và làm sao để dự phòng bệnh lý nhãn khoa này hiệu quả? Bài viết sau của Thu Cúc TCI giải đáp các thắc mắc đó của bạn, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
1.1. Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc, là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến lớp màng mỏng, trong suốt bao phủ mặt trong mí mắt và lòng trắng nhãn cầu. Đau mắt đỏ xuất hiện khi kết mạc viêm do virus (có nhiều loại virus có thể gây đau mắt đỏ; tuy nhiên, chủ yếu vẫn là Adenovirus), gây ra các triệu chứng như đỏ, sưng, đau và có thể có hiện tượng tiết dịch từ mắt. Các triệu chứng của bệnh lý nhãn khoa này thường gây khó chịu nhưng hầu hết chúng đều không quá nghiêm trọng và có thể điều trị được.
Đau mắt đỏ có thể lây nhiễm qua nhiều phương thức khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ. Dưới đây là các phương thức lây nhiễm đau mắt đỏ phổ biến nhất:
– Tiếp xúc trực tiếp: Đau mắt đỏ có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hoặc giọt bắn mũi họng người bệnh.
– Tiếp xúc gián tiếp: Đồ đạc sinh hoạt như khăn mặt, kính, đồ chơi, điện thoại, bàn phím máy tính, tay nắm cửa có thể trở thành trung gian truyền đau mắt đỏ nếu chúng dính dịch tiết từ mắt hoặc giọt bắn mũi họng chứa vi khuẩn, virus. Người khỏe mạnh sờ/chạm vào chúng sau đó sờ/chạm vào mắt, có thể khởi phát đau mắt đỏ.
Hiện nay, vẫn còn nhiều người băn khoăn không biết một người khỏe mạnh có thể bị đau mắt đỏ hay không khi nhìn người bệnh. Với thông tin chi tiết các phương thức lây nhiễm đau mắt đỏ phía trên, có thể khẳng định chắc chắn, nếu chỉ nhìn người bệnh thì bạn không thể bị đau mắt đỏ.
1.2. Các dạng viêm kết mạc khác lây qua đường nào?
Ngoài đau mắt đỏ, viêm kết mạc còn nhiều dạng khác, mỗi dạng lại phát sinh do một nguyên nhân riêng biệt, như:
– Viêm kết mạc do vi khuẩn: Bên cạnh virus, vi khuẩn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm kết mạc. Trong đó, staphylococcus aureus là vi khuẩn gây viêm kết mạc phổ biến nhất.
– Viêm kết mạc do dị ứng: Dị ứng với phấn hoa, lông vật nuôi, bụi hoặc các chất kích ứng khác cũng có thể gây đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ loại này xuất hiện khi hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây dị ứng.
– Viêm kết mạc do kích ứng hóa học: Tiếp xúc với hóa chất như clo trong nước, khói thuốc lá hoặc các hóa chất công nghiệp có thể gây kích ứng và đau mắt đỏ.
– Viêm kết mạc do tác động môi trường: Gió và ánh sáng mặt trời mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây đau mắt đỏ.
– Viêm kết mạc do các nguyên nhân khác: Lạm dụng kính áp tròng cũng có thể gây đau mắt đỏ. Ngoài ra, các bệnh lý tự miễn cũng có thể dẫn đến đau mắt đỏ như một biến chứng
Tương tự đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus), viêm kết mạc do vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm, đặc biệt là trong điều kiện sống đông đúc hoặc vệ sinh kém. Tuy nhiên, đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch còn viêm kết mạc do vi khuẩn thì không. Trong trường hợp phát sinh do dị ứng, kích ứng hóa học, tác động môi trường hay do các nguyên nhân khác, viêm kết mạc không lây dù bạn tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với dịch tiết từ mắt, giọt bắn mũi, họng người bệnh.
2. Hướng dẫn dự phòng đau mắt đỏ
Để dự phòng đau mắt đỏ một cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
– Vệ sinh tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chạm vào mắt, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi trở về từ nơi công cộng. Sau đây là hướng dẫn cách rửa tay chi tiết: Làm ướt hai bàn tay dưới vòi nước chảy, thoa một lượng xà phòng vừa đủ lên hai lòng bàn tay. Xoa hai bàn tay vào nhau để tạo bọt, đảm bảo bọt có ở cả lòng bàn tay, kẽ ngón tay và móng tay. Chà xát lòng bàn tay, kẽ ngón tay, mu bàn tay, móng tay với nhau. Rửa sạch xà phòng dưới vòi nước chảy, dùng khăn giấy để lau khô tay hoàn toàn. Đóng vòi nước cũng bằng khăn giấy, tránh dùng tay trần để giảm nguy cơ tái nhiễm khuẩn sau khi rửa tay.
– Hạn chế sờ/chạm tay vào mắt: Hạn chế tối đa sờ/chạm tay vào mắt để ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập vào mắt qua tiếp xúc.
– Không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt với các thành viên trong gia đình: Không sử dụng chung khăn mặt, đồ trang điểm mắt hoặc bất kỳ đồ đạc sinh hoạt nào với người khác để ngăn chặn sự phát tán của đau mắt đỏ.
– Vệ sinh đồ đạc sinh hoạt thường xuyên: Vệ sinh các bề mặt và đồ đạc sinh hoạt bạn và gia đình thường xuyên tiếp xúc, như điện thoại di động, bàn phím máy tính, tay nắm cửa…
– Chú ý đến môi trường sống: Giữ môi trường sống sạch sẽ, đặc biệt trong mùa dịch hoặc khi một thành viên trong gia đình bị đau mắt đỏ.
– Sử dụng kính bảo hộ: Đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với bụi, hóa chất hoặc môi trường có khói và các chất kích ứng khác.
– Thận trọng trong đeo kính áp tròng: Nếu bạn đeo kính áp tròng, đảm bảo rằng bạn luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng và bảo quản kính áp tròng một cách cẩn thận.
– Thăm khám y tế định kỳ: Thăm khám mắt định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề về mắt.
Thông qua những hiểu biết về nguyên nhân và phương thức lây nhiễm đau mắt đỏ, cùng với việc áp dụng các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt, bạn có thể giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh lý nhãn khoa này. Chúc bạn luôn sở hữu một đôi mắt khỏe và đẹp.