Viêm phổi là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến và có thể gây tử vong cao cho trẻ dưới 5 tuổi nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Thông qua những dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em cha mẹ sẽ phát hiện sớm bệnh ở trẻ, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em
Thông thường khi bị viêm phổi, trẻ thường gặp các triệu chứng như:
– Thở nhanh: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi; Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ 2 tháng – 12 tháng tuổi; Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1-5 tuổi.
– Co lõm lồng ngực: Khi viêm phổi diễn tiến thành nặng, phổi sẽ ngày càng mất tính mềm mại có thể trở nên đặc cứng làm trẻ phải gắng sức nhiều để thở. Khi đó các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành – một loại cơ hô hấp ngăn đội ngực và bụng, phải tăng cường co bóp để bù đắp. Khi đó phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm vào khi trẻ hít vào.
Ngoài ra, dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em dễ nhận thấy là tình trạng bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì, khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.
Việc chẩn đoán bệnh viêm phổi trẻ em cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang phổi. Vì thế khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh viêm phổi, cha mẹ nên đưa bé tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ
Tùy vào mức độ và độ tuổi của trẻ mà có biện pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng nhất để trẻ có thể khỏi bệnh là trẻ cần phải được cho uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Khi được bác sĩ chỉ định, các bậc cha mẹ cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ về đơn thuốc, liều lượng và thời gian chữa trị bệnh.
Đối với các loại thuốc viên, cần tán nhỏ viên thuốc trước khi cho trẻ uống (có thể cho vào một ít nước và chờ vài phút, nước sẽ làm viên thuốc bở ra và dễ nghiền nhỏ hơn). Có thể pha thêm một ít đường, hoặc pha với một ít sữa, nước cháo để bé có thể uống dễ dàng hơn. Nếu trẻ ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho bé uống lại một liều khác.
Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh lạm dụng kháng sinh khi trẻ khi trẻ chỉ bị cảm ho thông thường. Nếu điều trị không đúng thuốc, không phù hợp với bệnh sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
Bên cạnh đó cần điều trị triệu chứng bệnh cho trẻ bằng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, điều trị khò khè…
Để có thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ phù hợp, cải thiện nhanh chóng các dấu hiệu bệnh, cha mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn, thăm khám và điều trị sớm.
Để dự phòng bệnh viêm phổi ở trẻ không tái phát hoặc tiến triển nặng hơn, cha mẹ nên chú ý tới chế độ chăm sóc và sinh hoạt của trẻ hàng ngày: Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh cho trẻ hít phải khói, bụi. Giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng cho trẻ ngày 2 lần, sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Giữ ấm cơ thể cho bé khi thời tiết chuyển mùa….