Ung thư thực quản giai đoạn 3 tuy chưa di căn đến các cơ quan ở xa nhưng đã có khả năng xâm lấn các tạng lân cận. Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 3 như thế nào là quan tâm của nhiều người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 3
Ung thư thực quản là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến và được nhận định là bệnh ung thư có tiên lượng sống nghèo nàn bậc nhất. Bệnh thường khởi phát từ sự phát triển bất thường của các tế bào lót bên trong thực quản – ống cơ dài vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày.
Ung thư thực quản có 4 giai đoạn phát triển. Càng về giai đoạn sau, biểu hiện bệnh ung thư thực quản càng rõ. Để biết những biểu hiện ung thư thực quản giai đoạn III có thể gặp, cần phải biết rõ quá trình tiến triển bệnh giai đoạn này.
Ung thư thực quản giai đoạn 3 phát triển theo hướng:
- Ung thư xâm lấn lớp mạc quanh thực quản nhưng chưa xâm lấn vào các tạng lân cận, ung thư có di căn hạch vùng.
- Ung thư xâm lấn vào các tạng lân cận, có thể có hoặc chưa di căn hạch vùng nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
Những dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 3 có thể gặp là:
- Khó nuốt, nuốt đau
- Ợ hơi, ợ nóng
- Thường xuyên cảm thấy đau tức ngực
- Gầy, sút cân nhiều, da xanh
- Đau họng, đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai
- Rát họng hoặc ho kéo dài
- Nôn, ho ra máu…
2. Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 3 như thế nào?
Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 3 như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị là những phương pháp có thể được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn này.
- Phẫu thuật: thường được bác sĩ chỉ định khi ung thư chưa xâm lấn các tạng lân cận. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật khác nhau như phẫu thuật cắt thực quản mở ngực, cắt thực quản không mở ngực hay cắt thực quản nội soi. Bệnh nhân có thể được cắt bỏ khối u nhỏ, một phần thực quản, loại bỏ một phần thực quản và phần trên dạ dày…
- Xạ trị: sử dụng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể đến từ một máy bên ngoài cơ thể hoặc đặt bên trong cơ thể gần mô bệnh ung thư. Xạ trị kết hợp với hóa trị thường chỉ định cho bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật.
- Hóa trị: sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy hóa trị không có tác dụng triệt căn nhưng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh, kéo dài thời gian sống cho người bệnh…