Ung thư máu còn được biết đến với cái tên “bệnh máu trắng”. Đây là căn bệnh ác tính có thể gây tử vong ở cả người lớn lẫn trẻ em. Để gia tăng tỉ lệ điều trị thành công, bệnh nhân nên để ý những dấu hiệu ung thư máu ngay từ sớm. Vậy những dấu hiệu đó là gì?
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về bệnh ung thư máu
1.1. Ung thư máu là gì?
Ung thư máu xuất hiện khi lượng bạch cầu trong cơ thể gia tăng một cách mất kiểm soát, làm cho nguồn dinh dưỡng cơ thể tạo ra không đủ để nuôi sống bạch cầu. Lúc này, bạch cầu sẽ ăn chính hồng cầu có trong máu. Trong khi đó, hồng cầu lại là thành phần vô cùng quan trọng, nếu hồng cầu bị phá hủy thì người bệnh sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu. Đây cũng là lý do khiến ung thư máu còn được gọi là bệnh máu trắng.
1.2. Phân loại ung thư máu
Ung thư máu thường được chia thành 3 nhóm bệnh sau:
Bệnh bạch cầu
Bạch cầu là thành phần có vai trò chống nhiễm trùng khẩn cấp, giúp hệ miễn dịch phản ứng ngay tức thì với các tác nhân gây hại xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng.
Khi mắc ung thư máu ở dạng bạch cầu cấp tính, cơ thể người bệnh đã sản xuất ra một lượng lớn tế bào máu trắng chưa trưởng thành. Những tế bào này làm tắc nghẽn tủy xương và ngăn tủy xương sản xuất ra các tế bào máu cần thiết khác để xây dựng được một hệ miễn dịch cân bằng cũng như một dòng máu khỏe mạnh. Đồng thời, khi số lượng bạch cầu tăng đột biến cũng gây nên sự thiếu hụt hồng cầu trong máu.
LyXmphoma
Một dạng khác có thể gặp phải của ung thư máu là Lymphoma. Căn bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ bạch huyết – cơ quan có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và tránh nhiễm trùng.
U lympho xuất hiện đồng nghĩa với việc các tế bào lympho trong cơ thể đang được sinh ra một cách mất kiểm soát. Tình trạng quá tải của các tế bào lympho này cũng làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Lymphoma có thể phát triển trong nhiều bộ phận của cơ thể như máu, hạch bạch huyết, tủy xương, lá lách,…
Đa u tủy
Đa u tủy xuất hiện khi các tế bào plasma tập trung với số lượng nhiều bất thường tại tủy xương. Đây là dạng ung thư máu ở các tế bào plasma, các tế bào này thường tồn tại trong tủy xương và có chức năng tạo ra kháng thể chống lại nhiễm trùng.
1.3. Nguyên nhân gây bệnh ung thư máu
Giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, nguyên nhân của ung thư máu cũng chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:
– Thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ khi làm việc hoặc từng điều trị xạ trị.
– Tiếp xúc với các hóa chất như benzene và formaldehyde khi làm việc.
– Bệnh nhân ung thư đã được điều trị bằng thuốc.
– Mắc một số bệnh về máu, bệnh do virus hoặc liên quan đến gen.
2. Cách nhận biết các dấu hiệu ung thư máu
Tùy thuộc từng loại ung thư máu, vị trí tổn thương cũng như đặc điểm của mỗi giai đoạn mà các triệu chứng bệnh sẽ biểu hiện khác nhau. Các dấu hiệu ung thư máu thường thấy nhất bao gồm:
Xuất hiện đốm màu trên da
Ung thư máu có thể làm sụt giảm lượng tiểu cầu trong máu, làm xuất hiện các đốm màu đỏ hoặc tím trên da.
Da dẻ xanh xao, cơ thể mệt mỏi
Tình trạng thiếu máu do giảm hồng cầu đột ngột khiến cơ thể người bệnh luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, mất sức. Đồng thời da dẻ cũng xanh xao vì thiếu hụt sự trao đổi dưỡng khí.
Đầu đau nhức
Thiếu máu cũng đồng nghĩa với việc não không nhận được đủ oxy, từ đó gây nên tình trạng đau nhức đầu dữ dội, đổ mồ hôi bất thường.
Chảy máu cam
Một dấu hiệu ung thư máu phổ biến khác là hiện tượng chảy máu cam. Thông thường, người bệnh không bị chảy quá nhiều máu. Trường hợp máu chảy nhiều và liên tục thì người bệnh nên đi khám ngay bởi đó có thể là dấu hiệu suy giảm tiểu cầu.
Sưng hạch bạch huyết
Bệnh nhân ung thư máu có thể gặp tình trạng dưới da nổi lên các hạch bạch huyết, tuy nhiên người bệnh không có cảm giác đau.
Đau xương
Xương đau nhức cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết nguy cơ mắc ung thư máu. Các cơn đau này có thể xuất hiện ở khớp đầu gối, xương cẳng chân, xương cánh tay hoặc lưng.
Đau vùng bụng
Trong trường hợp ung thư máu đã di căn đến gan và lá lách, các bộ phận này có thể bị sưng tấy và khiến người bệnh cảm thấy đau ở vùng bụng. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các vấn đề như đầy hơi, chán ăn, buồn nôn và nôn,…
Thường xuyên sốt cao
Ung thư máu giai đoạn muộn làm khả năng miễn dịch của bệnh nhân bị suy giảm trầm trọng, gây nên những cơn sốt cao liên tục và các vết thương bị nhiễm trùng cũng khó lành.
Ung thư máu tiến triển khá nhanh và phức tạp, đòi hỏi sự theo dõi sát sao cũng như phác đồ điều trị phù hợp. Do đó khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào trên đây, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được làm các xét nghiệm chẩn đoán càng sớm càng tốt.