U não lành tính tuy không phải ung thư nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Nhận dấu hiệu u não lành tính để điều trị sớm sẽ giúp người bệnh tránh được những vấn đề nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. U não lành tính là gì?
U não lành tính là khối u phát triển ở trong não tuy nhiên không phải ung thư. Tốc độ phát triển của chúng tương đố chậm và không di căn. Nếu được loại bỏ tất cả khối u bằng phẫu thuật thì sẽ không tái phát. Tuy nhiên nếu u không được loại bỏ hoàn toàn thì vẫn có khả năng phát triển lại.
2. Các loại u não lành tính
Tùy theo các loại tế bào não bị ảnh hưởng mà khối u não được phân làm các loại khác nhau: Các loại u não lành tính phổ biến gồm:
– U thần kinh đệm – khối u của khởi phát ở thần kinh đệm (có vai trò giữ, hỗ trợ các tế bào và sợi thần kinh).
– U màng não – khối u xuất hiện ở phần màng bao bọc não.
– U dây thần kinh âm thanh – đây là khối u ở dây thần kinh âm thanh (tên gọi khác là u tế bào tiền đình).
– Craniopharyngiomas – khối u có vị trí ở gần đáy não. U này thường gặp ở trẻ em, thiếu niên, thanh niên.
– Hemangioblastomas – khối u ở mạch máu não hay còn được gọi là u nguyên bào mạch máu não, loại u não này thường hiếm gặp.
– U tuyến yên – là khối u xuất hiện ở tuyến yên (đây là tuyến nằm trên bề mặt dưới não và có kích thước nhỏ khoảng bằng hạt đậu).
Tùy theo tốc độ phát triển và lan rộng của khối u mà khối u não được phân loại theo cấp độ từ 1 – 4. U não lành tính thường thuộc cấp độ 1 và 2, tốc độ phát triển chậm và thường không có khả năng lan ra các bộ phận khác. U não lành tính thường được điều trị khỏi nhưng nếu kích thước khối u quá lớn vẫn có thể đe dọa sức khỏe người bệnh.
3. Dấu hiệu u não lành tính – Cách nhận biết
3.1 Đau đầu dấu hiệu u não điển hình
Theo thống kê có khoảng 1 nửa bệnh nhân u não gặp phải tình trạng đau đầu. Lý do là khối u tác động đến các tế bào thần kinh và mạch máu ở bên trong não. Tuy nhiên không phải cơn đau đầu nào cũng cảnh báo tình trạng u não. Ở người bệnh u não cơn đau đầu thường trầm trọng hơn so với các cơn đau đầu thông thường với 1 số đặc điểm như:
– Đau trầm trọng hơn vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy.
– Đau đầu kết hợp với cảm giác buồn nôn.
– Sử dụng thuốc giảm đau không có hiệu quả.
– Cơn đau tăng lên khi thay đổi vị trí, vận động hay ho.
3. 2 Động kinh – Cảnh giác tình trạng u não lành tính
Bệnh nhân bị u não cũng có thể gặp phải tình trạng động kinh tuy nhiên không phải tất cả các cơn động kinh đều liên quan đến u não. Nguyên nhân gây động kinh ở người bệnh u não là do khối u chèn ép vào các dây thần kinh tác động và gây nên tình trạng này.
3. 3 Thay đổi về tâm trạng, tính cách
Khi bị u não lành tính người bệnh cũng gặp phải tình trạng thay đổi tính cách, tâm trạng. Do khối u chèn ép ảnh hưởng chức năng não nên gây nên những thay đổi về tâm trạng bất thường không lý giải được. Ví dụ như 1 người đang vui vẻ bỗng trở nên dễ nổi cáu, kích động…Các triệu chứng này có thể xuất hiện sớm nhưng cũng có khi là hệ quả sau quá trình điều trị bệnh kéo dài.
3. 4 Suy giảm trí nhớ
Đây cũng là 1 trong những vấn đề điển hình mà người bị u não lành tính gặp phải. Các khối u ở não tác động và làm ảnh hưởng đến hoạt động của não gây nên tình trạng giảm trí nhớ, kém tập trung, lẫn lộn… Tuy nhiên việc trí nhớ bị suy giảm cũng có thể là dấu hiệu của tuổi tác hoặc 1 số vấn đề khác. Do đó cần đi khám để được chẩn đoán.
3. 5 Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức
Người bị bệnh u não thường cảm thấy mệt mỏi, yếu sức hơn so với bình thường. Cảm giác mệt mỏi và yếu toàn bộ cơ thể khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức. Người bệnh cũng thường ngủ nhiều, buồn ngủ vào ban ngày… khi có khối u não.
3. 6 Trầm cảm – dấu hiệu u não lành tính
Đây là dấu hiệu phổ biến gặp phải ở bệnh nhân u não lành tính. Dấu hiệu cho thấy tình trạng trầm cảm có thể kể đến như cảm giác buồn chán hơn so với bình thường , khó ngủ, mất ngủ kéo dài, cảm thấy mất hứng thú với ngay cả những thú vui trước đây, có ý nghĩ tự làm hại mình hoặc tự tử… Tuy nhiên trầm cảm cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác ngoài u não do đó cần kết hợp cùng các dấu hiệu khác hoặc đi khám để được chẩn đoán.
3.7 Buồn nôn và nôn
Buồn nôn, nôn là dấu hiệu u não lành tính phổ biến ngay ở giai đoạn sớm hoặc trong quá trình điều trị.
3. 8 Yếu liệt và tê bì
Người bệnh u não cũng có thể gặp phải tình trạng yếu cơ hoặc tê bì ở bàn tay bàn chân. Tuy nhiên cần kết hợp với các triệu chứng khác hoặc đi khám để phân biệt với 1 số bệnh khác.
4. Cách điều trị u não lành tính
Phẫu thuật: Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong điều trị u não lành tính. Tuy nhiên, ở 1 số trường hợp u lành tính nhưng nằm ở những vị trí khó thì thường chỉ có thể phẫu thuật cắt bỏ 1 phần khối u hoặc phẫu thuật với mục đích sinh thiết.
Xạ trị: Thường được sử dụng để tiêu diệt các tế bào còn sót lại sau phẫu thuật. Phương pháp này sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt các tế bào u.
Hóa trị: Hóa trị có thể sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật… Đây là phương pháp toàn thân, thời gian thực hiện cũng như loại thuốc sử dụng tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và mục đích điều trị.
U não lành tính có thể điều trị được tuy nhiên nếu để phát triển quá lớn có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên các dấu hiệu này cũng dễ bị nhầm lẫn với 1 số bệnh thông thường nên dễ bị bỏ qua. Do vậy hãy chú ý nhận biết các dấu hiệu u não lành tính để kịp thời đi khám và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.