Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Cũng như nhiều bệnh khác, nhận biết sớm dấu hiệu tiểu đường thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt nguy cơ và có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
Menu xem nhanh:
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian có thai, bệnh thường được chẩn đoán từ tuần thai thứ 24. Nguyên nhân chính gây ra tiểu đường thai kỳ là do hormone nhau thai sản xuất để giúp thai nhi phát triển đã ức chế insulin thực hiện chức năng của nó. Điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
Cụ thể:
- Đối với mẹ: Sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp, phù tay chân, tiền sản giật, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, khó sinh, sang chấn khi sinh, băng huyết sau sinh…
- Đối với thai nhi: Tăng nguy cơ dị tật thai, thai quá to trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết, vàng da, suy hô hấp…
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
1. Đi tiểu thường xuyên
Sự gia tăng của hormon HCG và áp lực lên bàng quang trong thai kỳ khiến các mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn bình thường. Nhưng đây cũng là một trong những dấu hiệu đầu tiên giúp mẹ nhận biết sớm bệnh tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là do khi lượng glucose quá cao trong máu, bắt buộc thận phải hoạt động hết công suất để xả ra ngoài theo đường nước tiểu. Điều này khiến cơ thể phải sản sinh nước tiểu nhiều hơn, từ đó mẹ bầu thường xuyên cảm thấy buồn tiểu. Do đó mẹ bầu hãy đi khám và làm xét nghiệm đường huyết nếu thường xuyên phải thức dậy và đi tiểu vào ban đêm.
2. Luôn cảm thấy khát nước
Nguyên nhân là bởi lượng đường trong máu tăng cao khiến mẹ bầu phải đi tiểu nhiều hơn và điều này sẽ khiến cơ thể bị mất nước, khô miệng, thường xuyên có cảm giác khát nước. Do đó mẹ bầu hãy cảnh giác khi có triệu chứng đi tiểu nhiều lần kèm theo cảm giác khô miệng, khát nước nhé.
3. Vùng kín bị viêm nhiễm
Khi bị tiểu đường thai kỳ mẹ bầu cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm vùng kín nhiều hơn bình thường. Bởi lượng đường huyết cao sẽ là môi trường thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của nấm cũng như các hệ vi sinh vật khác. Ngoài ra, bệnh tiểu đường thai kỳ còn gây tổn thương tới các tế bào mạch máu, làm giảm sức đề kháng của cơ thể và giảm số lượng các tế bào miễn dịch tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm âm đạo phát triển.
4. Mờ mắt trong thời gian ngắn
Khi có dấu hiệu mờ mắt trong thời gian ngắn thì có thể mẹ đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không còn khi cơ thể bắt đầu quen dần với sự gia tăng của lượng đường trong máu.
5. Ăn uống mất kiểm soát
Khi mang bầu mẹ sẽ cảm thấy đói và ăn uống nhiều hơn bình thường ở những tháng giữa và cuối thai kỳ. Nhưng nếu lúc nào mẹ cũng cảm thấy đói ngay cả khi vừa ăn xong thì rất có thể đây là dấu hiệu tiểu đường thai kỳ.
6. Luôn cảm thấy mệt mỏi
Nguyên nhân của tình trạng này là do insulin không chuyển hóa hết glucose thành năng lượng, khiến cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Vì thế mẹ bầu sẽ thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng, có cảm giác kiệt sức, chóng mặt.
Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
Theo các bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, để duy trì lượng đường huyết ổn định mẹ bầu cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều đường bột, tăng cường rau xanh, trái cây, đồng thời vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống và sinh hoạt, mẹ bầu cần thường xuyên thăm khám, thực hiện xét nghiệm đầy đủ và quản lý chặt chẽ thai kỳ nhằm hạn chế thấp nhất những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Với đội ngũ bác sĩ Sản khoa đầu ngành tận tâm, thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, rất nhiều mẹ bầu đã kịp thời được chẩn đoán bệnh lý tiểu đường thai kỳ và theo dõi sát sao giúp đảm bảo an toàn cho mẹ, bé trong suốt thai kỳ cũng như vượt cạn an toàn.