Tắc ống dẫn trứng là một căn bệnh làm không ít các chị em cảm thấy lo lắng, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Vậy, đâu là dấu hiệu tắc ống dẫn trứng, nguyên nhân và cách xử lý là gì. Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Thu Cúc.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu tắc ống dẫn trứng
1.1. Tìm hiểu ống dẫn trứng
Thông thường, mỗi phụ nữ sẽ có hai ống dẫn trứng. Ống dẫn trứng (còn được gọi là vòi trứng) là một bộ phận nằm trong khoang bụng của phụ nữ. Ống dẫn trứng có cấu tạo hình ống, rỗng ruột, nối buồng trứng với buồng tử cung.
Đây chính là “đường đi” của trứng và tinh trùng, đồng thời cũng là nơi mà trứng sẽ gặp tinh trùng, diễn ra thụ tinh. Do đó, nếu chị em nào bị tắc ống dẫn trứng sẽ gây cản trở quá trình di chuyển của trứng và tinh trùng, cũng như làm giảm cơ hội mang thai.
1.2. Tắc vòi trứng là gì?
Tắc vòi trứng là hiện tượng vòi trứng bị dính hoặc bị chít hẹp đường dẫn. Đây là bệnh lý phổ biến ở nhiều phụ nữ nhưng rất ít người quan tâm và hiểu kỹ về nó. Khi bị tắc, vòi trứng sẽ có hình dáng như một sợi dây cước bị rối.
1.3.Dấu hiệu tắc ống dẫn trứng
Nhận biết được dấu hiệu gây tắc ống dẫn trứng sẽ giúp các chị em phụ nữ có biện pháp xử lý kịp thời. Thông thường, hiện tượng tắc ống dẫn trứng sẽ có những biểu hiện sau:
– Đau quặn vùng bụng dưới, đau lưng với nhiều cấp độ khác nhau. Tùy vào mức độ của bệnh mà các cơn đau có thể xảy ra lâu hay ngắn. Tuy nhiên, cơn đau bụng sẽ nặng hơn vào những ngày hành kinh.
– Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ quá dài hoặc quá ngắn, lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít, máu kinh có màu bất thường… Bởi khi vòi trứng bị tắc sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng của buồng trứng và tử cung. Đồng thời tắc vòi trứng cũng gây ảnh hưởng tới sự lưu thông của máu kinh, gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
– Khó thụ thai do trứng và tinh trùng bị cản trở, khó gặp nhau để thụ tinh.
– Bên cạnh đó, chị em bị tắc vòi trứng còn phải đối mặt với những hiện tượng như: tiểu nhiều lần, dịch âm đạo bất thường, đau rát khi quan hệ, chức năng tiêu hóa bị rối loạn, thường xuyên mệt mỏi…
2. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Bao gồm những nguyên nhân như:
– Phụ nữ có thói quen quan hệ tình dục thiếu an toàn, quan hệ tình dục với những người có bệnh xã hội, bệnh lây nhiễm, khiến vi khuẩn tấn công vào bộ phận sinh dục, gây tắc vòi trứng.
– Các chị em vệ sinh vùng kín chưa đúng cách như thủ rửa quá sâu, sử dụng dung dịch vệ sinh chứa nhiều chất tẩy rửa… làm mất cân bằng pH trong âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và xâm nhập. Từ đó, các chị em có nguy cơ đối mặt với các bệnh phụ khoa như viêm tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm vùng chậu… Sau đó, vi khuẩn dễ dàng lây ngược lên và làm hẹp vòi trứng.
– Nạo phá thai hoặc đã từng thực hiện phẫu thuật gây tổn thương tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm. Nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài, không được điều trị kịp thời sẽ sinh mủ và dẫn đến tắc dính vòi trứng.
– Sự xuất hiện của các khối u trong vòi trứng cũng khiến vòi trứng bị tắc nghẽn.
– Một số trường hợp là do bẩm sinh, cụ thể là các bé gái sinh ra đã bị tắc vòi trứng.
3. Các phương pháp giúp điều trị tắc vòi trứng
Rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến việc tắc vòi trứng có điều trị được không. Bởi đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng vô sinh ở phụ nữ, nặng hơn là chửa ngoài tử cung. Vậy tắc vòi trứng có điều trị được không và điều trị như thế nào?
Dựa vào những dấu hiệu tắc vòi trứng, ta có thể hiểu việc điều trị tắc vòi trứng chính là làm thông vòi trứng, giúp tăng khả năng trứng được gặp tinh trùng. Từ đó giúp tăng cơ hội mang thai cho các chị em phụ nữ.
Tùy vào tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ và những nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh. Hiện này, phần lớn các bác sĩ đều sử dụng các phương pháp ngoại khoa và nội khoa.
– Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp được các bác sĩ chỉ định nếu người bệnh bị tắc vòi trứng do viêm nhiễm. Bác sĩ sẽ kê thuốc tiêu viêm để loại bỏ vi khuẩn và mủ nhọt trong vòi trứng.
– Điều trị ngoại khoa: Nếu phương pháp nội khoa không có tác dụng, các bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa (như phẫu thuật nội soi, mổ thông tắc vòi trứng hoặc cắt nối vòi trứng…).
4. Lưu ý khi bị tắc vòi trứng?
Để phòng ngừa hoặc hạn chế bệnh trở nên trầm trọng, các bác sĩ khuyên người bệnh nên lưu ý một vài vấn đề sau:
– Vệ sinh vùng kín sạch và đúng cách, nhất là sau khi quan hệ tình dục, trong ngày kinh nguyệt, sau sinh nở hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật ở vùng kín…
– Cân đối chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Hạn chế sử dụng đồ ngọt, đồ cay nóng, chất kích thích… Thay vào đó là ưu tiên các loại rau quả để bổ sung vitamin, tăng cường hệ miễn dịch.
– Xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp nâng cao sức đề kháng. Một số bài tập phù hợp với các chị em phụ nữ bao gồm: Đi bộ, đạp xe, yoga…
– Quan hệ tình dục, an toàn, hạn chế quan hệ tình dục trong những ngày kinh nguyệt hoặc người đang mắc các bệnh lây nhiễm. Nếu quan hệ, cần có bao cao su.
– Khám phụ khoa thường xuyên để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dứt điểm các bệnh phụ khoa (nếu có), không cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập sâu bên trong.
– Đối với các chị em chưa muốn mang thai hoặc đã sinh đủ con, không muốn mang thai thêm nữa thì cần lưu ý những biện pháp tránh thai an toàn. Tránh mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến quyết định nạo phá thai, gây ảnh hưởng tới cả tâm lý và sức khỏe sinh sản.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tắc ống dẫn trứng, cũng như những dấu hiệu tắc ống dẫn trứng. Hy vọng các chị em phụ nữ sẽ hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó có ý thức quan tâm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân.