Phình đại tràng là một bệnh bẩm sinh gặp ở tỷ lệ khoảng từ 1/4.000 – 1/5.000 trẻ sơ sinh. Cần phát hiện sớm những dấu hiệu phình đại tràng bẩm sinh để chữa trị kịp thời hiệu quả tránh biến chứng nguy hại đe dọa sức khỏe.
Menu xem nhanh:
Dấu hiệu phình đại tràng bẩm sinh
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh trong đó có yếu tố di truyền. Trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh thường có các dấu hiệu như:
Trẻ mới sinh bụng trướng căng, không đi phân su sau hơn 24 giờ, hoặc chỉ đại tiện khi dùng ống thông đưa vào hậu môn kích thích. Khi được kích thích hậu môn, trẻ ra rất nhiều phân.
Ngoài ra, do bụng trướng căng nên trẻ nôn nhiều. Ở trẻ lớn, bệnh thường được biểu hiện bởi tình trạng táo bón kéo dài nhiều năm xen kẽ những đợt tiêu chảy với tính chất đặc trưng là phân rất thối và có màu đen (do phân ứ đọng lâu ngày) và bụng trướng.
Trẻ luôn trong tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, không phải bất cứ trẻ nào sau khi sinh 24 giờ không đại tiện được đều là bị phình đại tràng bẩm sinh, vì trẻ đó bị dị dạng hậu môn bẩm sinh cũng không đại tiện được. Nhưng dù là trường hợp nào thì trẻ đều cần phải được phẫu thuật và điều trị sớm.
Điều trị phình đại tràng bẩm sinh
Phình đại tràng bẩm sinh là một bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt. Điều đáng báo động là rất ít trẻ được phát hiện bệnh và điều trị sớm, bởi người lớn thường chỉ nghĩ tình trạng khó đại tiện và đại tiện bất thường ở trẻ là do táo bón, do chế độ ăn không khoa học…
Hơn nữa, bệnh phình đại tràng bẩm sinh nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ, vì thế, khi thấy con mình có các dấu hiệu bất thường khi đại tiện, phụ huynh nên đưa con đi khám tiêu hóa càng sớm càng tốt.
Dù ở lứa tuổi nào thì tất cả những trường hợp trẻ được xác định mắc bệnh phình đại tràng đều có chỉ định phẫu thuật đại tràng. Tuy nhiên, thời điểm phẫu thuật tùy thuộc vào lúc phát hiện và mức độ nặng nhẹ của bệnh, có hay chưa có biến chứng, tình trạng chung của bệnh nhi mà có chỉ định mổ sớm ngay sau khi có chẩn đoán hay chuẩn bị săn sóc bệnh nhân một thời gian rồi mới mổ.