Nhiều chị em thắc mắc khi đang mang thai vào làm công ty có được hưởng chế độ thai sản không, câu trả lời là có nếu chị em đáp ứng đủ điều kiện theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
Đang mang thai vào làm công ty có được hưởng chế độ thai sản?
Có nhiều chị em thắc mắc, nếu đang mang thai vào làm công ty có được hưởng chế độ thai sản không? Vấn đề này đã được quy định rõ tại Điều 31 (Quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản) Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, theo đó:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Như vậy, với trường hợp mẹ bầu đang mang thai vào làm công ty nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Để hưởng chế độ thai sản, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ giải quyết như sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Trong trường hợp con chết sau khi sinh cần có thêm Giấy báo tử (bản sao) hoặc Giấy chứng tử (bản sao). Với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì lao động nữ có thể thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao)”.
Công ty phá sản thì có được hưởng chế độ thai sản không?
Như đã nói ở trên, để hưởng chế độ thai sản lao động nữ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Nếu đúng như vậy lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản. Trường hợp công ty phá sản, lao động nữ nộp hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thai sản tại cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi bạn cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).
Lao động nữ cần chuẩn bị hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Trong trường hợp con chết sau khi sinh cần có thêm Giấy báo tử (bản sao) hoặc Giấy chứng tử (bản sao). Với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì lao động nữ có thể thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao)”.
Lao động nữ có được hưởng chế độ thai sản khi công ty tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội?
Quy định về người được hưởng chế độ thai sản được nêu rõ tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đồng thời lao động nữ cần phải đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh. Nếu đáp đủ các điều kiện này thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản, việc công ty tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội không ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản
Về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, theo quy định tại Điều 34 (Thời gian hưởng chế độ khi sinh con) Luật bảo hiểm xã hội năm 2014: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”.
Để hưởng chế độ thai sản cũng như thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ cần đáp ứng đủ điều kiện như quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 .
Mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ
Mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm, tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể về vấn đề này, theo đó:
Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
- Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Hy vọng với những chia sẻ hữu ích này đã phần nào giúp mẹ bầu hiểu hơn về chế độ thai sản, và yên tâm “nằm ổ” chờ sinh “cục vàng” nhé!
Sản phụ khoa – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc