Bên cạnh thuốc hay các liệu pháp điều trị, dinh dưỡng cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với những người đang gặp các vấn đề về thận. Chính vì thế, khám dinh dưỡng cho người bệnh thận là việc làm rất cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh về thận thường gặp
Thận có vai trò giống như một bộ lọc, giúp loại bỏ các tạp chất, chất thải dư thừa từ máu và biến chúng thành nước tiểu. Không những thế, thận còn giúp cân bằng lượng muối, các khoáng chất như canxi, natri, kali, phospho trong máu để cơ thể hoạt động tốt nhất.
Tuy nhiên, vì một số lý do, thận của nhiều người bị tổn thương và suy giảm chức năng, gây ra một số bệnh lý nguy hiểm. Một số bệnh về thận phổ biến bao gồm:
1.1. Bệnh suy thận
Bệnh suy thận được chia thành hai loại là cấp tính và mãn tính:
– Suy thận cấp tính là hiện tượng chức năng của thận bị suy giảm đột ngột, có các dấu hiệu và biểu hiện giảm độ lọc cầu thận (GFR) rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do nhiễm trùng, mất nước nặng, ngộ độc cấp…
– Suy thận mãn tính là tình trạng thận bị suy giảm chức năng và khó có khả năng hồi phục. Tình trạng này xảy ra là do những đơn vị thận bị tổn thương cả về số lượng lẫn chức năng. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là viêm cầu thận, tiểu đường và tăng huyết áp.
1.2. Bệnh sỏi thận
Nguyên nhân gây bệnh là do nước tiểu bị kết tủa, tích tụ lâu ngày, hình thành sỏi thận. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, bệnh sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nghiêm trọng.
1.3. Bệnh viêm thận và viêm ống thận
Bệnh xảy ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc các loại thuốc, hoá chất. Bệnh chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính.
– Viêm thận cấp tính thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 12 – 15, nguyên nhân là do các ổ nhiễm khuẩn bội nhiễm, nhiễm liên cầu khuẩn hoặc cũng có thể do vệ sinh kém.
– Viêm thận mạn tính thường xảy ra ở người lớn tuổi với nguyên nhân hàng đầu là viêm thận cấp nhưng không được chữa trị triệt để.
1.4. Hội chứng thận hư
Thận hư là một rối loạn thường gặp ở thận, khiến cho lượng protein bài tiết qua nước tiểu bị dư thừa. Nguyên nhân của hội chứng này là do sự dư thừa nước trong máu và các mạch máu nhỏ trong thận bị phá huỷ, gây ra sưng (phù), nhất là ở bàn chân và mắt cá chân.
2. Những ai dễ mắc các bệnh về thận?
Các bệnh về thận có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào nếu không có chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có ít nhất một trong những đặc điểm sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
– Những người cao tuổi, đặc biệt là từ 65 tuổi trở lên;
– Những người đang mắc hoặc đã từng mắc một trong các bệnh lý: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, suy tim, gan mật… và các bệnh thận khác;
– Những người hút thuốc lá thường xuyên, hút lâu năm;
– Những người thừa cân, béo phì, có chỉ số BMI từ 24 trở lên;
– Những người có người thân trong gia đình (như là ông, bà, bố, mẹ, anh, chị…) đã và đang mắc các bệnh lý về thận;
– Những người có lối sinh hoạt thiếu khoa học: lười uống nước, thường xuyên nhịn tiểu, lạm dụng các loại thuốc (đặc biệt là kháng sinh liều cao)…
3. Triệu chứng của thận bị tổn thương
Giống như nhiều bệnh lý khác, những tổn thương ở thận trong giai đoạn đầu không có biểu hiện gì rõ rệt. Chỉ đến khi người bệnh nhận thấy những triệu chứng sau thì có thể thận đã bị tổn thương nghiêm trọng:
3.1. Nước tiểu có màu bất thường
Có lẽ nước tiểu đổi màu là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận thấy nhất khi thận có vấn đề bất thường. Nếu nước tiểu của người khoẻ mạnh bình thường mày vàng nhạt thì nước tiểu của những người bệnh thận sẽ có màu hồng, nâu, thậm chí có lẫn cả máu hoặc có bọt khí.
Bên cạnh đó, nếu nhận thấy số lần đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc gặp khó khăn đi tiểu thì người bệnh cũng nên cẩn trọng vì đây cũng là một dấu hiệu báo hiệu thận không còn khoẻ mạnh.
3.2. Một số bộ phận trên cơ thể bị phù nề
Như đã chia sẻ, thận có vai trò hấp thụ toàn bộ chất lỏng và thực hiện loại bỏ các tạp chất ra khỏi cơ thể. Vậy nên, khi thận không được khoẻ mạnh, vai trò này sẽ không được đảm bảo. Điều này khiến cho các chất lỏng trong cơ thể bị dư thừa, tích tụ lại ở các bộ phận và gây ra sưng, phù.
3.3. Đau lưng
Đau lưng là biểu hiện điển hình của những bệnh nhân sỏi thận, đặc biệt là vùng thắt lưng. Những con đau xuất hiện đột ngột, khiến người bệnh có cảm giác như chuột rút, cực kỳ đau đớn. Nếu không mắc các bệnh xương khớp, không ngồi sai tư thế và không thường xuyên mang các vật nặng nhưng vẫn đau lưng thì người bệnh cần đi kiểm tra sức khoẻ và chức năng của thận.
3.4. Trong miệng có vị ure
Một trong những nguyên nhân khiến cho thận bị tổn thương là do nồng độ urê trong máu vượt quá mức cho phép. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy có vị urê trong miệng dù đã súc miệng hay vệ sinh răng. Không chỉ gây ra cảm giác buồn nôn mà hiện tượng này còn gây ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp, tuần hoàn và thậm chí là cả não bộ.
4. Các bệnh về thận có nguy hiểm không?
Khi chức năng của thận bị suy giảm, không chỉ có thận bị tổn thương mà các hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, người bệnh sẽ gặp phải các biến chứng khó lường như:
– Mất vị giác, chán ăn, gây suy nhược cơ thể, mệt mỏi, giảm năng suất học tập và lao động;
– Suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng về hô hấp và tiêu hoá;
– Nguy cơ viêm gan nếu người bệnh chạy thận nhân tạo;
– Rối loạn chuyển hoá glucose, protid, lipid máu;
– Hoạt động nội tiết của thận bị rối loạn, gây tụt canxi huyết, tăng phospho máu;
– Ứ đọng dịch trong cơ thể do thể tích tuần hoàn tăng lên;
– Natri tăng hoặc giảm;
– Tăng kali trong máu khi người bệnh bị suy thận ở giai đoạn cuối;
– Xuất huyết hoặc thiếu erythropoietin gây thiếu máu;
5. Có nên khám dinh dưỡng cho người bệnh thận?
5.1. Vai trò của khám dinh dưỡng cho người bệnh thận
Đối với người mắc bệnh thận, dinh dưỡng có vai trò quan trọng không kém gì các loại thuốc đặc trị hay các liệu pháp điều trị. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ mất vị giác, chán ăn, dẫn đến suy nhược cơ thể, càng khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh thận rất cần được khám dinh dưỡng để được các chuyên gia và các bác sĩ tư vấn, cũng như xây dựng một chế độ phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp sẽ giúp người bệnh:
– Khôi phục vị giác, tìm lại hứng thú trong việc ăn uống, giúp bồi bổ cơ thể;
– Cản trở tiến trình chuyển biến của bệnh, từ đó chức năng của các đơn vị thận được bảo tồn.
– Giúp các cơ quan khác của cơ thể không phải chịu ảnh hưởng từ các bệnh về thận, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
5.2. Khám dinh dưỡng cho người bệnh thận là khám những gì?
Tại nhiều trung tâm và phòng khám dinh dưỡng uy tín, người bệnh thận sẽ được trải qua quy trình với đầy đủ các bước:
– Thăm khám;
– Xét nghiệm;
– Chẩn đoán;
– Xây dựng thực đơn với khẩu phần ăn thích hợp;
– Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm và chế biến sao cho ngon miệng nhưng vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng;
Người bệnh đừng quên lựa chọn một địa chỉ khám dinh dưỡng uy tín để có được những lời khuyên và tư vấn thực đơn phù hợp giúp tăng hiệu quả điều trị!