Viêm tụy cấp là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Tìm hiểu về cơ chế viêm tụy cấp và nguyên tắc thực hiện điều trị bệnh giúp chủ động đối phó bệnh đúng cách, ngăn ngừa rủi ro biến chứng.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế gây viêm tụy cấp
Tuyến tụy làm nhiệm vụ tiết ra men tụy tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men tụy được tiết ra ban đầu đều ở thể không hoạt động và chúng chỉ được hoạt hóa khi tới tá tràng. Nhưng từ một số nguyên nhân nào đó khiến các men tụy bị hoạt hóa sớm ngay chính lòng ống tụy, gây ra hiện tượng tự hủy mô tụy và dẫn tới viêm tụy cấp.
Về cơ chế viêm tụy cấp sẽ dựa theo nguyên nhân gây bệnh. Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới viêm tụy cấp là uống nhiều rượu bia, mỡ máu cao và do có sỏi mật.
1.1. Cơ chế gây viêm tụy cấp do rượu bia
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nồng độ cồn trong máu cao lên sẽ làm gia tăng sản xuất enzyme tuyến tụy và còn làm tăng tính thấm ở ống tụy. Theo đó, men tụy sẽ tiếp xúc nhiều hơn với nhu mô tụy và kéo theo tình trạng tự tiêu hủy các tế bào tụy, khởi phát quá trình viêm tụy cấp. Bạn cần lưu ý rằng, mỗi lần bạn uống quá nhiều rượu bia thì đều có nguy cơ bị viêm tụy cấp.
1.2. Cơ chế gây viêm tụy cấp do mỡ máu tăng cao
Viêm tụy cấp do chỉ số mỡ máu triglyceride cao chiếm khoảng 7% các trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, khi nồng độ triglyceride vượt ngưỡng 1.000mg/dL (>11,3 mmol/L) sẽ dẫn tới viêm tụy cấp là cực kỳ cao, hoạt động theo 2 cơ chế sau:
– Triglyceride cao làm gia tăng nồng độ chylomicrons máu: Chylomicrons có kích thước lớn sẽ gây tắc nghẽn ở các mao mạch tụy và dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là gây ra hoại tử mô và toan hóa máu, đây chính là dấu hiệu viêm tụy cấp.
– Phân hủy triglyceride thành các axit béo tự do: Khi nồng độ chylomicron cao làm cho triglyceride tác dụng nhanh với men lipase của tụy và tạo thành các axit béo tự do với nồng độ cao. Khi đó, các tế bào tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc và hình thành các tổn thương tại chỗ gây ra viêm tụy cấp.
1.3. Cơ chế gây viêm tụy cấp do có sỏi mật
Sỏi ở ống mật chủ khi di chuyển có thể làm tắc ống mật. Dịch mật sẽ trào ngược vào bên trong ống tụy làm pH dịch tụy trở nên kiềm hóa giống với pH ở tá tràng. Khi đó các men tụy vô tình được kích hoạt sớm và hoạt động ngay tại ống tụy. Kết quả là các tế bào tuyến tụy bị phá hủy bởi chính dịch tụy tiết ra và dẫn đến viêm tụy cấp.
Bên cạnh 3 nguyên nhân chính kể trên thì viêm tụy cấp còn có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác và hoạt động theo cơ chế viêm tụy cấp riêng. Nhưng nhìn chung, viêm tụy cấp đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh nếu không được xử lý đúng cách kịp thời.
2. Chẩn đoán viêm tụy cấp
Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm tụy cấp, người bệnh cần thực hiện thăm khám lâm sàng với bác sĩ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh cần thiết theo chỉ định. Cụ thể:
– Khám lâm sàng: Đặc điểm cơn đau bụng cấp xuất phát từ vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng. Đi kèm đau bụng là tình trạng buồn nôn hoặc nôn ói nhiều, ấn thấy đau điểm sườn lưng trái. Cơn đau thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn hoặc người bệnh có uống rượu bia. Đồng thời, bác sĩ cũng khai thác về bệnh sử sỏi mật hoặc tiền sử đau bụng giun của người bệnh để phục vụ quá trình chẩn đoán.
– Xét nghiệm về định lượng men tụy: Định lượng men amylase trong máu thường cao hơn 3 lần, amylase nước tiểu thường cao hơn 500 UI/L.
– Làm các chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang ổ bụng, siêu âm bụng, chụp CT scan, MRI,… nhằm phát hiện tình trạng tụy phù nề tụy, tăng kích thước, hoại tử mô tuỵ nếu có, áp xe tụy, nang giả tụy hoặc tụ dịch quanh tuỵ,…
3. Điều trị viêm tụy cấp kịp thời
Việc điều trị viêm tụy cấp sẽ được thực hiện dựa theo nguyên tắc chung sau đây:
– Điều trị kết hợp cả nội khoa và ngoại khoa: Tiến hành điều trị hồi sức nội khoa (với những trường hợp nhẹ và nặng vừa phải) kết hợp theo dõi sát diễn tiến bệnh để chỉ định can thiệp ngoại khoa kịp thời vào thời điểm thích hợp.
– Để tuyến tụy nghỉ, giảm hoạt động tuyến tụy, tránh kích thích tụy bài tiết men bằng thuốc và bằng các phương pháp nuôi ăn hoặc truyền dịch.
– Điều trị nâng đỡ dinh dưỡng hỗ trợ toàn thân.
– Điều trị các biến chứng.
Ở các trường hợp viêm tụy cấp diễn tiến nặng, việc điều trị hồi sức là không đủ đáp ứng và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Lúc này, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ phần tụy hoại tử cũng như xử lý các biến chứng gặp phải. Quá trình điều trị viêm tụy cấp cần thực hiện theo đúng quy trình, được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi và có sự hỗ trợ bởi hệ thống máy móc hiện đại.
4. Phòng chống nguy cơ viêm tụy cấp
Không có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa cơ chế viêm tụy cấp và những biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, có thể dựa theo nguyên nhân viêm tụy cấp để lên phương án phòng chống bệnh hiệu quả. Cụ thể, để tuyến tụy luôn khỏe mạnh, bạn hãy lưu ý:
– Không nên uống nhiều bia rượu. Ở người bệnh đã có tiền sử viêm tụy cấp cần tránh uống rượu bia tuyệt đối.
– Luôn kiểm soát tốt cân nặng, không để bị béo phì hoặc thừa cân.
– Hạn chế việc ăn kiêng không khoa học, không được bỏ bữa, không nhịn ăn quá lâu.
– Hạn chế việc dung nạp chất béo, tránh các món ăn chiên rán, đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cân đối dưỡng chất cần thiết.
– Tập thể dục đều đặn, bạn hãy tạo thói quen tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 4-5 ngày mỗi tuần để tăng cường sức khỏe toàn diện.
– Thăm khám kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn bác sĩ khuyến cáo.
Viêm tụy cấp là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại mà người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan. Hiểu về cơ chế viêm tụy cấp, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc phòng bệnh và đối phó bệnh đúng cách.