Chữa thoát vị bẹn bằng thuốc có hiệu quả không?

Thoát vị bẹn là một loại bệnh lý có tỷ lệ gặp ở nam giới cao hơn ở nữ. Bệnh đe dọa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên việc điều trị như thế nào được người bệnh rất quan tâm. Trong đó chữa thoát vị bẹn bằng thuốc là biện pháp được nhiều người nghĩ đến đầu tiên. Liệu phương pháp này có thể trị dứt điểm bệnh? Hãy cùng tìm hiểu ngay.

1. Tổng quan về bệnh

1.1. Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn là tình trạng mà tạng trong ổ bụng di chuyển và rời khỏi vị trí của mình tại một vị trí yếu của ống bẹn để đi xuống bìu. Đây là một trong những loại thoát vị thường gặp trong các thoát vị thành bụng.

Các tạng trong ổ bụng, điển hình nhất như ruột, có thể sà xuống bìu và bị chèn ép trong khối thoát vị, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Khi đó, việc cung cấp máu cho phần ruột bị kẹt tại khối thoát vị sẽ bị cản trở, gây nên thiếu máu cục bộ và nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử. Thời gian các biến chứng xảy ra là không thể dự đoán được.

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn nếu được phát hiện sớm có thể được điều trị dứt điểm một cách an toàn.

1.2. Triệu chứng của thoát vị bẹn

– Phình một hoặc cả hai bên háng, có thể phình to hơn khi ho, hoặc đứng lên và tự động biến mất khi nằm xuống. Với nam giới có thể thấy rõ bìu bị sưng đỏ.

– Người bệnh sẽ cảm giác thấy khó chịu hoặc đau, đặc biệt khi nâng vác vật nặng hoặc tập thể dục. Cơn đau có thể sẽ được cải thiện khi nghỉ ngơi.

– Cảm giác có khối đè nặng tạo áp lực ở bẹn.

1.3. Đối tượng có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn

– Người cao tuổi vì dễ có các cơ thành ổ bụng yếu

– Những người lao động hay làm việc nặng nhọc

– Người bị táo bón kéo dài do tạo áp lực thường xuyên lên ổ bụng cao

– Những người mắc các bệnh như tràn dịch tinh mạc, u nang thừng tinh,… sẽ có nguy cơ mắc thoát vị bẹn cao hơn những người bình thường.

Đối tượng cần chữa thoát vị bẹn

Người cao tuổi, người lao động quá sức là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

2. Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Thoát vị bẹn ở người lớn hầu như không mang đến những nguy hiểm nghiêm trọng và hoàn toàn có thể được chữa trị dứt điểm, nhưng nếu phát hiện và tiến hành điều trị muộn có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng của người bệnh.

Có thể kể đến loại biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất là thoát vị nghẹt. Biến chứng này có thể gây hoại tử ruột, mạc treo ruột. Đây là trường hợp mà các tạng (bao gồm ruột hoặc mạc treo của ruột) không thể di chuyển trở lại ổ bụng và bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc bị xoắn lại dẫn đến thiếu máu đến nuôi, nếu không can thiệp xử lý kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử và dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó,thoát vị kẹt cũng là loại biến chứng phổ biến thứ 2, do tạng thoát vị chui xuống nhưng không thể đẩy lên được vì bị dính vào túi thoát vị hoặc do tạng trong túi bị dính với nhau. Loại này thường gây ra cảm giác vướng víu, khó chịu và dễ bị chấn thương hơn.

Biến chứng thứ 3 là chấn thương thoát vị. Khối thoát vị kích thước lớn và di chuyển xuống tương đối thường xuyên, do những tác động từ bên ngoài gây ra những chấn thương nên bị dập, vỡ các tạng bên trong.

Chữa thoát vị bén tránh các biến chứng

Thoát vị bẹn nên được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

3. Điều trị thoát vị bẹn

3.1. Có thể chữa thoát vị bẹn bằng thuốc không?

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị dành cho bệnh thoát vị bẹn. Chính vì thế, thuốc hay cách gọi khác là điều trị nội khoa hoàn toàn không phải lựa chọn tối ưu nhất. Thuốc chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu chứ không thể xử lý các khối thoát vị. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất và cũng là tiêu chuẩn tuyệt đối cho bệnh lý thoát vị bẹn là phẫu thuật. Chỉ có phẫu thuật mới có thể đưa các tạng về vị trí bình thường, củng cố vững chắc thành bụng.

Tuy nhiên trước hết người bệnh cần được tiến hành thăm khám chi tiết, đánh giá tình trạng bệnh để bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác. Một số trường hợp người cao tuổi, người có bệnh lý nền phức tạp không thể phẫu thuật có thể được chỉ định sử dụng dải đeo túi thoát vị, mặc quần chật…

Khuynh hướng hiện nay được khuyến cáo là nên giải quyết càng sớm càng tốt và tốt nhất nên điều trị ngay khi phát hiện bệnh để đề phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy tới. Nghĩa là với mọi lứa tuổi (trừ trường hợp trẻ sinh non hoặc có bệnh lý nặng theo kèm) đều có thể thực hiện phẫu thuật chữa thoát vị bẹn.

3.2. Phẫu thuật nội soi chữa thoát vị bẹn

Trước kia, người bệnh thoát vị bẹn thường được chỉ định thực hiện phương pháp mổ mở truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phẫu thuật cao. Hiện nay, phẫu thuật nội soi cho thấy ưu điểm vượt trội hơn hẳn và trở thành phương pháp điều trị thoát vị bẹn phổ biến nhất. 

Mổ nội soi có độ chính xác cao cùng nhiều lợi điểm như ít xâm lấn, đường mổ nhỏ, ít đau hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít mất máu, đảm bảo tính thẩm mỹ và cải thiện hiệu quả điều trị.

Không chỉ vậy, nếu người bệnh thực hiện mổ nội soi thì thời gian mổ cũng như thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn hẳn so với mổ mở. Sau khi mổ nội soi thoát vị bẹn, thường chỉ sau khoảng 1 – 2 tuần, người bệnh đã có thể sinh hoạt bình thường trở lại. Đây là phương pháp điều trị tối ưu có tỷ lệ tái phát thấp và hiệu quả cao nhất.

Như vậy, có thể khẳng định rằng thuốc không thể chữa thoát vị bẹn dứt điểm hoàn toàn mà gần như việc thực hiện phẫu thuật sẽ là chỉ định bắt buộc. Người bệnh cần lựa chọn đơn vị y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giỏi giàu chuyên môn để nhanh chóng tiến hành phẫu thuật điều trị bệnh một cách tốt nhất tránh những rủi ro sau này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital