Chẩn đoán hình ảnh thận – tiết niệu là công cụ quan trọng giúp bác sĩ quan sát được cấu trúc và phát hiện tổn thương ở thận, niệu quản, bàng quang… thông qua các kỹ thuật như siêu âm, X-quang, CT, MRI. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp chẩn đoán phổ biến và khi nào nên thực hiện.
Menu xem nhanh:
1. Chẩn đoán hình ảnh thận – tiết niệu là gì?
1.1. Khái niệm
– Là tập hợp các phương pháp sử dụng máy móc hiện đại (như siêu âm, X-quang, CT, MRI…) để quan sát cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu, bao gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
– Mục tiêu chính là phát hiện sớm tổn thương, dị dạng, sỏi, khối u hoặc tình trạng viêm nhiễm trong hệ tiết niệu để có hướng điều trị kịp thời.
1.2. Vai trò của chẩn đoán hình ảnh thận – tiết niệu
– Hỗ trợ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu ra máu, đau lưng
– Giúp phát hiện sỏi thận – sỏi niệu quản, ứ nước thận, viêm bể thận
– Theo dõi suy thận, viêm đường tiết niệu, hoặc kiểm tra sau điều trị
– Đánh giá dị dạng bẩm sinh hệ niệu (nhất là ở trẻ em)
1.3. Các bộ phận được khảo sát
– Thận (kích thước, hình dạng, tổn thương, sỏi, khối u)
– Niệu quản (giãn, tắc, sỏi)
– Bàng quang (dày thành, u bàng quang, tồn dư nước tiểu)
– Niệu đạo (đặc biệt khi nghi ngờ tắc nghẽn, hẹp niệu đạo)

Nhiều bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến thận – tiết niệu được phát hiện thông qua chẩn đoán hình ảnh
2. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực thận – tiết niệu
Tùy vào triệu chứng và nghi ngờ bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau để khảo sát hệ tiết niệu. Dưới đây là những kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay, từ cơ bản đến chuyên sâu:
2.1. X-quang hệ tiết niệu (KUB)
– Chụp thận – niệu quản – bàng quang không chuẩn bị
– Phát hiện: Sỏi cản quang, đánh giá vị trí và kích thước sỏi
– Thường dùng phối hợp với siêu âm
2.2. UIV (Chụp niệu đồ tĩnh mạch)
– Chụp X-quang sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch
– Đánh giá: Đường bài xuất nước tiểu, dị dạng niệu quản, tắc nghẽn
– Có thể giúp phân biệt thận ứ nước do sỏi hay do nguyên nhân khác
2.3. CT Scan hệ tiết niệu (CT bụng – chậu)
– Ưu điểm: Hình ảnh chi tiết, đánh giá cả mô mềm và xương
– Phát hiện: Sỏi, u thận, thận ứ nước, chấn thương thận
– CT có tiêm thuốc cản quang giúp khảo sát mạch máu, phân biệt khối u lành – ác
2.4. MRI hệ tiết niệu
– Không dùng tia X, cho hình ảnh rõ ràng về mô mềm
– Thường chỉ định khi cần khảo sát dị tật bẩm sinh, khối u phức tạp hoặc khi CT không phù hợp (bệnh nhân dị ứng thuốc cản quang)
2.5. Siêu âm thận – hệ tiết niệu
– Ưu điểm: Nhanh, không xâm lấn, không dùng tia X
– Phát hiện: Sỏi thận – niệu quản, ứ nước thận, u thận, u bàng quang, đánh giá kích thước và hình thái thận
– Thường dùng đầu tiên trong khảo sát tiết niệu

Chẩn đoán thận – tiết niệu bằng phương pháp siêu âm được áp dụng phổ biến
3. Khi nào cần chẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực thận – tiết niệu?
Hệ tiết niệu có vai trò quan trọng trong việc lọc máu, đào thải chất độc và điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, các bệnh lý tại đây thường diễn biến âm thầm và dễ bị bỏ qua. Việc thực hiện chẩn đoán hình ảnh đúng thời điểm sẽ giúp phát hiện sớm sỏi thận, viêm nhiễm, u bướu hoặc tổn thương chức năng thận – tiết niệu.
3.1. Bất thường về tiểu tiện
– Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm
– Tiểu ra máu hoặc nước tiểu sậm màu bất thường
– Cảm giác tiểu không hết, tiểu són, khó tiểu
3.2. Đau vùng lưng hoặc hông nghi do thận
– Đau âm ỉ hoặc dữ dội một bên hông lưng
– Đau lan xuống vùng bụng dưới, bẹn (nghi sỏi niệu quản)
– Đau lưng kèm sốt cao (cảnh báo viêm thận)
3.3. Khi nghi ngờ các bệnh lý cụ thể
– Sỏi thận, sỏi niệu quản
– Viêm bàng quang
– U thận, u bàng quang
– Thận đa nang, thận ứ nước
– Dị dạng bẩm sinh hệ tiết niệu (ở trẻ em)
3.4. Theo dõi điều trị hoặc kiểm tra sau phẫu thuật
– Sau tán sỏi, đặt stent niệu quản
– Theo dõi tiến triển bệnh thận mạn, suy thận
– Kiểm tra lại sau điều trị viêm tiết niệu
4. Quy trình chẩn đoán hình ảnh
Để việc chẩn đoán hình ảnh hệ tiết niệu đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần được thực hiện theo quy trình chuẩn, từ khâu tiếp nhận đến chụp chiếu, trả kết quả. Tùy vào phương pháp được chỉ định (siêu âm, X-quang, CT, MRI…), quy trình có thể khác nhau đôi chút. Dưới đây là các bước cơ bản trong quy trình chẩn đoán hình ảnh thận – tiết niệu:
Bước 1: Khám lâm sàng và chỉ định của bác sĩ
– Bác sĩ thăm khám tổng quát, hỏi triệu chứng
– Chỉ định phương pháp hình ảnh phù hợp tùy tình trạng: siêu âm, X-quang, CT, MRI…
Bước 2: Hướng dẫn chuẩn bị trước khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh thận – tiết niệu
– Với siêu âm: có thể yêu cầu nhịn tiểu để bàng quang căng
– Với CT hoặc MRI có thuốc cản quang: cần nhịn ăn vài giờ, xét nghiệm chức năng thận trước
– Người bệnh cần thông báo tiền sử dị ứng thuốc, bệnh lý nền (đái tháo đường, suy thận…)
Bước 3: Tiến hành chẩn đoán hình ảnh
– Người bệnh được đưa vào phòng chụp/ siêu âm
– Kỹ thuật viên hướng dẫn tư thế, giữ nguyên trong lúc chụp
– Toàn bộ quá trình thường kéo dài từ 5 – 30 phút tùy kỹ thuật
Bước 4: Bác sĩ trả kết quả và tư vấn điều
– Kết quả được gửi về bác sĩ lâm sàng
– Người bệnh nhận được tư vấn tiếp theo: theo dõi, điều trị nội khoa, can thiệp nếu cần
5. Lưu ý và đối tượng đặc biệt cần thận trọng
Mặc dù chẩn đoán hình ảnh là kỹ thuật an toàn và phổ biến, nhưng vẫn có những trường hợp cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo kết quả chính xác, đồng thời tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
5.1. Các lưu ý chung khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh hệ tiết niệu
– Tuân thủ hướng dẫn trước khi chụp/ siêu âm
– Kiểm tra chức năng thận trước khi tiêm thuốc cản quang
– Thông báo tiền sử bệnh với bác sĩ phụ trách
5.2. Các trường hợp đặc biệt
– Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ mang thai: Tránh các kỹ thuật dùng tia X (X quang, CT) vì có nguy cơ ảnh hưởng thai nhi. Thường ưu tiên siêu âm hoặc MRI không cản quang
– Trẻ em: Chỉ chụp phim khi thật sự cần thiết, cần điều chỉnh liều lượng tia và thuốc phù hợp với cân nặng, độ tuổi. Có thể cần gây mê nhẹ nếu trẻ không hợp tác khi chụp CT/ MRI
– Người già, người có bệnh mạn tính: Có nguy cơ suy giảm chức năng thận, dễ gặp tác dụng phụ khi tiêm thuốc cản quang. Cần theo dõi huyết áp, nhịp tim, tình trạng hô hấp trong và sau chụp.

Bác sĩ sẽ căn dặn bệnh nhân những lưu ý quan trọng về bệnh lý
Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý. Để bảo vệ sức khỏe hệ tiết niệu của bạn, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Đừng ngần ngại kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường vì sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu.