Quá trình vượt cạn đầy gian nan, vất vả, không thiếu những giọt mồ hôi, máu và nước mắt. Bởi vậy, sau khi sinh, sản phụ rất cần được chăm sóc thật tốt để có thể sớm phục hồi, tránh được nguy cơ bệnh hậu sản như băng huyết, nhiễm khuẩn, sản dịch hay tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu,… Tất cả những điều cần biết khi chăm sóc sản phụ sau đẻ thường sẽ được “bật mí” ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường cần chú ý những gì?
Sau khi sinh nở, người phụ nữ cần ít nhất là 6 tuần để cơ thể có thể phục hồi và dần ổn định trở lại. Lúc này, các cơ quan sinh dục cũng đang trở lại hoạt động, trạng thái bình thường, đặc biệt là tử cung. Bởi vậy, các mẹ bỉm sữa cần theo dõi rất kỹ cũng như chú ý chăm sóc một số cơ quan để sức khỏe sớm được cải thiện.
1.1. Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường, chú ý đến các chỉ số chức năng sống
Các chỉ số chức năng sống của con người luôn là những yếu tố được quan tâm, chú ý hàng đầu để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của người đó. Những chỉ số này bao gồm huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở, mạch,…
Dựa vào các chỉ số này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng phục hồi của các bà mẹ sau sinh thường. Đồng thời, thông qua đây, chị em cũng được tư vấn, hỗ trợ giải đáp, dặn dò một số vấn đề cần chú ý hơn như giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng, tâm lý,…
1.2. Theo dõi sự co giãn của tử cung và tình trạng ra sản dịch sau sinh
Sản dịch thường chỉ kéo dài từ 6 đến 7 ngày sau sinh. Sản dịch có màu như máu kinh, tuy nhiên sẽ nhạt dần khi sắp hết. Thông thường, phụ nữ đẻ thường sẽ gặp tình trạng sản dịch từ 2 đến 6 tuần sau sinh và có kinh nguyệt lại sau 4 tuần. Nếu sản dịch có mùi hôi, đỏ như máu mà không nhạt dần đi, chị em có dấu hiệu đau tức bụng, chứng tỏ sản dịch chưa bị đẩy ra hết khỏi tử cung và dẫn đến bế sản dịch. Đây là vấn đề nghiêm trọng, rất nguy hiểm nên các mẹ cần lưu ý tới cơ sở y tế thăm khám để được hỗ trợ kịp thời.
Để tránh sản dịch kéo dài, các mẹ bỉm nên lưu ý không làm việc quá sức trong thời gian phục hồi sau sinh.
Cũng do sản dịch chưa được đẩy ra hết, áp lực dồn tại tử cung, quá trình co bóp tử cung khiến nhiều chị em cảm thấy khó chịu, đau đớn. Lúc này, các mẹ bỉm có thể chườm lạnh hoặc dùng thuốc giảm đau để cải thiện.
1.3. Giữ vệ sinh tầng sinh môn
Phụ nữ sinh thường cần rạch tầng sinh môn. Vì vậy, sau sinh, chị em cần chú ý chăm sóc và thường xuyên vệ sinh kỹ vùng này để nhanh chóng phục hồi. Chị em cần đảm bảo vệ sinh vùng kín nhiều lần trong ngày bằng nước sạch (khoảng 3 lần).
Các bác sĩ chia sẻ bạn nên rửa từ trước ra sau một cách nhẹ nhàng, không thụt rửa, lau khô vùng kín và sử dụng băng vệ sinh để đảm bảo sạch sẽ, khô thoáng.
Nếu tầng sinh môn bị sưng hoặc đau, các mẹ bỉm có thể sử dụng chườm lạnh để giảm đau cho vết thương. Giữ vệ sinh đồ lót, quần áo mặc hàng ngày cũng là việc cần làm để giúp tầng sinh môn chóng lành lại.
1.4. Chăm sóc, vệ sinh vú
Sinh thường có lợi hơn sinh mổ ở chỗ sữa mẹ mau về. Vì vậy, mẹ có thể cho con bú sớm, giảm tình trạng tắc tia sữa và cải thiện sức khỏe cho bé. Các mẹ cần chăm cho con bú, tập cho bé ăn sữa mẹ theo cữ và điều chỉnh các tư thế để bé bú đúng, bú được nhiều.
Để đảm bảo chất lượng nguồn sữa cũng như tránh viêm tuyến vú, các mẹ cần vệ sinh kỹ núm vú trước và sau khi cho con bú. Nếu trẻ không bú hết, mẹ cần vắt hết sữa trong bầu vú ra để tránh sữa thừa, sữa đọng và vón cục gây tắc cũng như ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ ở lần cho bú tiếp.
1.5. Vệ sinh thân thể
Nhiều mẹ bỉm sữa có quan niệm kiêng tắm trong vòng ít nhất 1 tháng sau sinh. Thế nhưng, sau sinh là lúc mẹ cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm trùng đường sinh môn, viêm nhiễm phụ khoa hay viêm tuyến vú,…
Tùy vào tình trạng sức khỏe mà các mẹ bỉm có thể chọn tắm sau 1 hoặc 3 ngày sau sinh. Ngoài ra, các mẹ cũng nên lưu ý thay quần áo thường xuyên nếu sữa chảy ra hoặc ra mồ hôi nhiều. Phụ nữ sau sinh nên lựa chọn quần áo chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, thoáng mát và tốt nhất nên mặc đồ dài.
1.6. Tập vận động nhẹ nhàng
Việc vận động sớm sẽ giúp phụ nữ sau sinh hạn chế được những vấn đề về sản dịch. Ngoài ra, khi vận động thường xuyên, tử cung cũng co bóp tốt hơn, hạn chế tình trạng táo bón, bí tiểu, thuyên tắc tĩnh mạch,…
Đối với phụ nữ sinh thường, bạn chỉ cần nằm yên trong vài tiếng là có thể vận động nhẹ được. Ban đầu, chị em có thể chỉ cần đi lại nhẹ nhàng, tập hít thở. Sau đó một vài tuần, các mẹ có thể chuyển sang vận động với một số bài tập như đi bộ nhẹ, yoga cơ bản.
1.7. Chăm sóc sản phụ sau đẻ thường cần chú ý dinh dưỡng
Chăm sóc phụ nữ sau sinh không đơn giản chỉ gồm giữ vệ sinh, theo dõi những dấu hiệu của cơ thể mà còn phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Các mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng với 4 nhóm chất là đạm, chất béo, bột đường, vitamin.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên bổ sung vào thực đơn một số thực phẩm giúp lợi sữa như móng giò, gà tần thuốc bắc,… Hạn chế đồ ăn có nhiều chất đạm, nhiều dầu mỡ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dẫn tới đầy bụng, khó tiêu. Tránh xa trà, cà phê, rượu, bia, đồ ngọt,… và các loại đồ ăn cay nóng.
Uống nhiều nước cũng là một lưu ý cho các mẹ bỉm sau sinh. Đặc biệt, bạn nên uống nước ấm để hỗ trợ tuần hoàn máu, phục hồi nhanh các tổn thương và cũng giúp ích cho việc tăng tiết sữa.
1.8. Chăm sóc về tinh thần
Dù là sau sinh thường hay sinh mổ, các mẹ bỉm vẫn luôn cần được chia sẻ áp lực sau sinh cũng như động viên về tinh thần. Trầm cảm sau sinh, tắc sữa,… đều là những vấn đề nan giải mà bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn tránh xa.
2. Một số lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày cho phụ nữ sau đẻ thường
Ngoài những vấn đề được nhắc tới ở trên, các mẹ bỉm cũng cần chú ý một số điều trong sinh hoạt hàng ngày như:
– Cố gắng kiêng cữ, nghỉ ngơi nhiều trong 6 tuần sau sinh.
– Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng để tránh ảnh hưởng tới vết thương tầng sinh môn. Tốt nhất, chị em nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm.
– Chú ý về thời gian quan hệ tình dục. Tốt nhất chị em nên giữ gìn cẩn thận, sau 3 tháng kể từ khi sinh mới có thể bắt đầu quan hệ, tránh ảnh hưởng tới vết thương tầng sinh môn và quá trình phục hồi của tử cung.
– Ít nhất sau 2 năm, chị em mới nên mang thai lần tiếp theo. Trong thời gian này, bạn nên thăm khám phụ khoa định kỳ và nhờ bác sĩ tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp.
Việc thực hiện những lưu ý sau sinh nở là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc tự ý thức điều chỉnh thói quen, lối sống, hành vi sinh hoạt của bản thân, các mẹ bỉm cũng cần được người nhà, gia đình, chăm sóc, hỗ trợ, chú ý để sớm phục hồi sức khỏe nhanh nhất. Người nhà cũng có thể san sẻ bớt gánh nặng chăm sóc trẻ nhỏ với các mẹ bỉm để họ bớt đi áp lực về tâm lý sau sinh, có nhiều thời gian tự chăm sóc bản thân hơn.
Những thông tin tham khảo trên đây đã cung cấp một số kiến thức cần thiết cho các mẹ bỉm sữa về việc chăm sóc sản phụ sau đẻ thường. Đăng ký dịch vụ thai sản trọn gói tại Thu Cúc TCI, chị em sẽ được chăm sóc chu đáo trước, trong và sau sinh nở. Dịch vụ chiếu tia Plasma, kiểm tra sức khỏe mẹ và bé thường xuyên trong quá trình lưu viện sẽ giúp các mẹ nhanh chóng phục hồi, có những trải nghiệm tốt nhất. Bởi vậy, Thu Cúc TCI luôn là địa chỉ cung cấp dịch vụ sinh sản được nhiều phụ nữ đặt trọn niềm tin.