Viêm ống dẫn trứng là bệnh lý phụ khoa nguy hiểm có khả năng cao dẫn đến vô sinh ở nữ giới nếu không được phát hiện và điều trị. Khi bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới.
Menu xem nhanh:
1. Viêm ống dẫn trứng là bệnh gì?
Ống dẫn trứng hay còn gọi là vòi trứng là bộ phận nối giữa buồng tử cung và buồng trứng, cũng là nơi trứng gặp tinh trùng. Vòi trứng cũng là nơi vận chuyển trứng đến tử cung.
Ống dẫn trứng bị viêm là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vòi trứng gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng trứng và tinh trùng và cản trở trực tiếp tới quá trình thụ thai. Vòi trứng bị viêm cần được điều trị ngay khi có bất cứ dấu hiệu khác thường, bởi đây cũng là một trong những dấu hiệu làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
2. 5 nguyên nhân gây bệnh phổ biến
Bệnh viêm nhiễm ống dẫn trứng có thể do nhiều tác nhân gây ra nhưng có 5 nguyên nhân phổ biến nhất như sau:
2.1. Viêm ống dẫn trứng do lây qua đường tình dục
Quan hệ tình dục là thời điểm mà các loại vi khuẩn, nấm có hại dễ dàng thâm nhập sâu vào âm đạo. Vì thế khi quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn, quan hệ tình dục trong khi bị hành kinh, quan hệ với các đối tượng có bệnh truyền nhiễm như giang mai, lậu, mụn rộp sinh dục, sùi mào gà, Chalmydia,… dễ gây tổn thương và nhiễm trùng vòi trứng. Cụ thể, một số loại vi khuẩn, virus có hại như song cầu khuẩn lậu Gonocoque của bệnh lậu, vi khuẩn Chlamydia trachomatis do lây từ cơ quan sinh dục nam sang cơ quan sinh dục nữ, di chuyển vào vòi trứng gây ra tình trạng viêm nhiễm.
2.2. Nhiễm khuẩn qua các bệnh viêm nhiễm từ cơ quan xung quanh
Khi chị em mắc một số căn bệnh phụ khoa khác như viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm cổ tử cung,… nếu không phát hiện và điều trị đúng cách, để tình trạng các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào vòi trứng dễ gây ra viêm nhiễm.
2.3. Do làm các thủ thuật ở bộ phận sinh dục
Nếu chị em phụ nữ từng thực hiện các thủ thuật ở bộ phận sinh dục như đặt vòng, phẫu thuật vùng tiểu khung,… cũng có khả năng cao khiến vòi trứng bị viêm nhiễm. Quá trình phẫu thuật hoặc tiểu phẫu nếu không được xử lý đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây nhiễm đến ống dẫn trứng. Vì vậy, đối với các tiểu phẫu và phẫu thuật đều cần thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn.
2.4. Viêm ống dẫn trứng do vệ sinh vùng kín không đúng cách
Vào thời kỳ hành kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục không vệ sinh đúng cách sẽ tạo môi trường cho các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào sâu bên trong vòi trứng gây nên tình trạng viêm nhiễm.
2.5. Do hệ quả của phá thai
Phá thai quá nhiều lần hoặc phá thai không đảm bảo an toàn sẽ dễ gây tổn thương cho cơ quan sinh sản của nữ giới. Vì lý do bất khả kháng, cần đến các cơ sở uy tín để nhận được sự tư vấn và xử lý từ bác sĩ có chuyên môn.
3. Viêm ống dẫn trứng có thực sự nguy hiểm không?
Vòi trứng bị viêm tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới. Viêm ống dẫn trứng không được điều trị sớm có thể gây các biến chứng sau:
- Tình trạng viêm nhiễm lan rộng: khi vòi trứng bị viêm nhiễm lâu ngày sẽ có nguy cơ lan sang các cơ quan lân cận như tử cung hoặc buồng trứng gây khó khăn trong điều trị.
- Áp xe phần phụ: Viêm vòi trứng hoàn toàn có khả năng phát triển thành áp xe phần phụ. Hệ quả xấu nhất là biến chứng dẫn đến viêm phúc mạc chậu, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong.
- Mang thai ngoài tử cung: Khi vòi trứng bị thu hẹp hoặc tắc do viêm nhiễm, khả năng cao trứng đã được thụ tinh không thể xâm nhập vào tử cung mà sẽ làm tổ ở một vị trí khác trong ổ bụng. Tình trạng chửa ngoài tử cung sẽ cần được can thiệp ngay của các bác sĩ có chuyên môn.
- Gây vô sinh hiếm muộn: Nếu để tình trạng kéo dài quá lâu khiến ống dẫn trứng bị tắc dẫn đến việc thụ thai gặp khó khăn. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu bị viêm vòi trứng lặp lại nhiều lần.
4. Điều trị vòi trứng bị viêm như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân, sau khi thăm khám bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng cho từng đối tượng. Hiện nay, hai phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất là nội khoa và ngoại khoa.
4.1. Phương pháp điều trị nội khoa
Trong giai đoạn bệnh nhân phát hiện sớm và bệnh tình vẫn chưa diễn biến xấu, chưa có biến chứng thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng viêm. Đồng thời, người bệnh có thể được chỉ định kết hợp các loại vitamin và các chất kích thích lên da non để tiêu diệt vi khuẩn để loại bỏ viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh phát triển.
4.2. Phương pháp điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp bệnh viêm vòi trứng ở giai đoạn nặng, xuất hiện mủ thì bắt buộc phải tiến hành can thiệp ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ kết hợp dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn đồng thời sử dụng các thủ thuật loại bỏ sự viêm nhiễm. Tình huống xấu nhất khi ống dẫn trứng không có khả năng phục hồi, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần bị viêm hoặc toàn bộ vòi trứng.
5. Cách phòng ngừa căn bệnh ống dẫn trứng bị viêm
- Một trong những cách phòng tránh bệnh viêm vòi trứng đơn giản nhất đó là vệ sinh sạch sẽ vùng kín, nhất là trong những ngày hành kinh.
- Trong trường hợp chưa sẵn sàng để có em bé hoặc đã sinh đủ con, chị em nên thực hiện tốt các phương pháp tránh thai an toàn, tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt nên tránh nạo hút thai không đảm bảo, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh quan hệ tình dục bừa bãi. Đặc biệt chị em nên giữ vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Thực hiện khám sức khỏe và khám phụ khoa định kỳ tại các cơ sở có uy tín. Khi có dấu hiệu của bệnh phụ khoa như: đau bụng dưới, đau lưng, ra nhiều khí hư âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, tiểu gắt, giao hợp đau… cần đến gặp bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Viêm nhiễm vòi trứng là căn bệnh nguy hiểm đến khả năng làm mẹ của người phụ nữ nếu không được điều trị kịp thời. Chị em phụ nữ nên chủ động khám phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bệnh sớm và có phương án xử lý ngăn chặn biến chứng không đáng có.