Gan nhiễm mỡ độ 2 là tình trạng các mô mỡ đã lan tỏa trên nhu mô gan, cơ hoành. Chúng tích tụ trên gan gây viêm và sẹo. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nên việc xử trí tình trạng gan nhiễm mỡ như thế nào phù hợp được nhiều người quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ độ 2
Gan nhiễm mỡ độ 2 là tình trạng mỡ trong gan với lượng mỡ chiếm 10-20% khối lượng gan. Đây là giai đoạn kế tiếp sau gan nhiễm mỡ độ 1. Nếu không được điều trị triệt để, gan nhiễm mỡ độ 2 sẽ phát triển dần thành gan nhiễm mỡ độ 3.
Ở giai đoạn 2 này, gan nhiễm mỡ cũng không gây ra bất cứ dấu hiệu gì. Người bệnh chỉ biết mình mắc bệnh khi tiến hành siêu âm gan.
Người bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 có thể nhận biết bệnh thông qua một số biểu hiện mơ hồ như chán ăn, mệt mỏi, ăn khó tiêu, khó chịu ở vùng bụng dưới xương sườn…
Nhiều người khi được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ độ 2 còn thờ ơ với bệnh vì cho rằng bệnh không mấy nguy hiểm, nhiều trường hợp không áp dụng phương pháp điều trị gì. Thế nhưng suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi gan nhiễm mỡ sẽ phát triển ngày càng nặng hơn, có thể tiến triển thành gan nhiễm mỡ độ 3. Ở mức độ nặng, gan nhiễm mỡ có thể gây biến chứng xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Chính vì thế, khi phát hiện bản thân mắc gan nhiễm mỡ, dù ở độ 1 hay độ 2, người bệnh cũng không nên chủ quan. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả cao.
2. Cách xử trí tình trạng gan nhiễm mỡ độ 2
Ở gan nhiễm mỡ độ 2, người bệnh có thể cần phải áp dụng các phương pháp điều trị như dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
- Điều trị bằng thuốc:
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị gan nhiễm mỡ nhằm mục đích kiểm soát mỡ trong gan. Tùy theo tình trạng, mức độ gan nhiễm mỡ và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như: choline, methionin, acid amin, các loại vitamin, lecithin, silymarin…
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng và đơn thuốc chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát và cải thiện sớm tình trạng gan nhiễm mỡ.
Lưu ý: Hiện chưa có một loại thuốc nào đặc trị bệnh gan nhiễm mỡ nên việc dùng thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát bệnh. Để tăng hiệu quả của quá trình điều trị, ngăn ngừa bệnh tiến triển, người bệnh cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
- Thay đổi chế độ ăn uống – sinh hoạt:
Để gan nhiễm mỡ không tiến triển nhanh và tái phát trở lại, người bệnh cần:
- Không uống rượu bia
- Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng…; hạn chế chất béo: ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá); ăn chất đạm vừa phải đúng với khả năng của gan.
- Bổ sung các thực phẩm có khả năng giảm mỡ trong gan như đậu Hà Lan, cà chua, ớt vàng, rau ngót, diếp cá…; tăng cường các loại trái cây tươi, đảm bảo cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì
- Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần để tăng cường sức khỏe, giúp loại bỏ lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám đúng hẹn để kiểm tra.
Gan nhiễm mỡ độ 2 có thể kiểm soát và loại bỏ được nếu người bệnh tuân thủ theo đúng phương pháp chữa trị của bác sĩ. Đồng thời áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại.