Cách nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Minh Hương

Bác sĩ Ung Bướu

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường có ít triệu chứng. Vì vậy bệnh thường được phát hiện muốn dẫn đến điều trị khó khăn, tiên lượng sống kém. Để nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm bạn cần nắm rõ kiến thức về căn bệnh này.

Menu xem nhanh:

1. Tổng quát ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm

Bệnh ung thư cổ tử cung sẽ được phản ánh chính xác thông qua khối u và tình trạng di căn, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, ở giai đoạn đầu (giai đoạn IA và giai đoạn IB) được đánh giá khi bệnh còn giới hạn ở cổ tử cung và chưa lan đến những mô hoặc cơ quan lân cận khác.

Đa số người bệnh khó có thể cảm nhận được ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này bởi kích thước khối u rất nhỏ và thường chỉ vô tình phát hiện khi khám sức khỏe hoặc bác sĩ soi dưới kính hiển vi.

Hầu hết người bệnh không biết bản thân bị ung thư cổ tử cung cho đến khi được chẩn đoán và giải phẫu bệnh. Những dấu hiệu trong giai đoạn này cũng không rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan và nhầm lẫn với bệnh phụ khoa thông thường.

khám sớm ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng nên người bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa

2. Phân biệt bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm

2.1 Phân loại bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Bệnh khi mới khởi phát có thể được chia thành: giai đoạn IA và IB trong đó:

Ở giai đoạn IA, sự phát triển của khối u nhỏ nên chỉ có thể được phát hiện khi quan sát dưới kính hiển vi với phân nhóm như sau:

– Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1 có độ sâu của tổn thương dưới 3mm

– Ung thư cổ tử cung giai đoạn IA2 có độ sâu của tổn thường từ 3 đến 5mm.

Ở giai đoạn IB, khối u đã phát triển về kích thước nhưng vẫn giới hạn ở cổ tử cung mà chưa di căn xa với 3 phân nhóm như sau:

– Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1 có độ sâu của tổn thương trên 5mm và rộng dưới 2cm

– Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB2 có độ sâu của tổn thương trên 5mm và rộng từ 2 đến 5cm

– Ung thư cổ tử cung giai đoạn IB3 có độ sâu của tổn thương trên 4cm.

2.2 Những dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu điển hình

Ung thư cổ tử cung thường diễn biến trong nhiều năm mà có thể không có triệu chứng rõ ràng nào, tuy nhiên, người bệnh có thể chủ động thăm khám khi thấy những dấu hiệu như sau kéo dài:

– Có dịch âm đạo và khí hư màu sắc bất thường, có mùi hôi, dịch âm đạo ra kèm máu

– Chảy máu âm đạo giữa chu kì kinh, sau mãn kinh hoặc sau quan hệ tình dục

– Có thể ra nhiều máu và kéo dài hơn so với bình thường.

Nếu tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng rõ ràng hơn như:

– Đi tiểu khó, đau, có thể lẫn máu ở nước tiểu

khó đi tiểu là biểu hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu

Khó đi tiểu, tiểu buốt hoặc lẫn máu có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung

– Gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đau hoặc xuất huyết từ trực tràng

– Đau lưng hoặc phù chân bất thường

– Đau ở khu vực chậu hoặc đau bụng dưới

– Cơ thể đuối sức, mệt mỏi không rõ nguyên do.

2.3 Chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung sớm như thế nào?

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung sớm là chìa khóa để phát hiện bệnh trước khi tiến triển nặng. Dưới đây là các phương pháp phổ biến:

– Xét nghiệm Pap smear (Papanicolaou test)

Cách thực hiện: Lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường.

Mục đích: Phát hiện sớm các thay đổi tiền ung thư (tân sinh trong biểu mô cổ tử cung) hoặc ung thư giai đoạn rất sớm.

Tần suất: Thường được khuyến nghị mỗi 3 năm cho phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi.

– Xét nghiệm HPV (Human Papillomavirus)

Cách thực hiện: Lấy mẫu dịch ở cổ tử cung để kiểm tra sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các chủng có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.

Mục đích: Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn của ung thư cổ tử cung do HPV, thậm chí trước khi có biểu hiện bất thường ở tế bào.

Tần suất: Có thể được kết hợp với Pap smear (xét nghiệm đồng thời) cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, mỗi 5 năm.

– Soi cổ tử cung (Colposcopy)

Cách thực hiện: Sử dụng một thiết bị có kính hiển vi (colposcope) để phóng to hình ảnh cổ tử cung, giúp bác sĩ quan sát kỹ các bất thường.

Mục đích: Khi có kết quả bất thường từ Pap smear hoặc xét nghiệm HPV, soi cổ tử cung sẽ được chỉ định để xác định chính xác hơn vị trí và mức độ tổn thương.

Chụp mri chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu

Chụp MRi có thể chẩn đoán và đánh giá bệnh ung thư cổ tử cung sớm

– Sinh thiết cổ tử cung (Cervical biopsy)

Cách thực hiện: Lấy mẫu mô từ cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các kỹ thuật sinh thiết có thể bao gồm:

Sinh thiết dạng chùm (Punch biopsy): Lấy một mẩu mô nhỏ.

Nạo kênh cổ tử cung (Endocervical curettage): Dùng dụng cụ để cạo mô từ kênh cổ tử cung.

Sinh thiết hình nón (Cone biopsy): Lấy một mẩu mô lớn hơn hình nón từ cổ tử cung.

Mục đích: Xác nhận sự hiện diện của tế bào ung thư hoặc tiền ung thư.

–  Xét nghiệm DNA HPV

Cách thực hiện: Phân tích mẫu cổ tử cung để phát hiện các thay đổi trong DNA của virus HPV, giúp nhận diện sớm các nguy cơ biến chứng thành ung thư.

– Siêu âm nội soi âm đạo (Transvaginal ultrasound)

Cách thực hiện: Sử dụng đầu dò siêu âm đặt vào âm đạo để tạo ra hình ảnh chi tiết của cổ tử cung.

Mục đích: Đánh giá các bất thường trong cấu trúc cổ tử cung, đặc biệt khi có nghi ngờ ung thư nhưng các xét nghiệm khác chưa đủ rõ ràng.

Việc kết hợp các phương pháp này sẽ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, cải thiện cơ hội điều trị thành công và giảm nguy cơ tử vong.

2.3 Các phương pháp xử lý tế bào ung thư cổ tử cung sớm

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh dựa trên đánh giá nhiều yếu tố gồm tuổi tác, giai đoạn và nguyện vọng sinh nở của bệnh nhân. Những phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung sớm bao gồm:

– Phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung: Thường được chỉ định với những bệnh nhân mắc bệnh trong giai đoạn IA1 và còn nguyện vọng sinh đẻ. Bác sĩ sẽ loại bỏ mô quanh cổ tử cung, nếu có tế bào ung thư ở diện cắt trong mạch máu, hạch bạch huyết hoặc khối u lớn thì cần điều trị bổ sung với các phương pháp khác.

– Phẫu thuật cắt cổ tử cung: Có thể loại bỏ cổ tử cung, phần trên âm đạo hoặc những cấu trúc và mô quanh cổ tử cung như hạch bạch huyết ở cùng chậu. Phương pháp này thường được chỉ định với giai đoạn IA2 và IB1 và người bệnh còn nguyện vọng sinh sản.

– Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Có thể cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần có thể kèm nạo vét hạch hoặc không, có thể cắt toàn phần với 2 phần phụ hoặc cắt tử cung triệt căn.

– Sinh thiết hạch cửa: Phương pháp này lấy bệnh phẩm từ hạch bạch huyết từ hạch gần nhất đến nơi ung thư có thể di căn tới sau đó đánh giá xem có chứa tế bào ác tính không. Từ đó đánh giá mức độ nạo vét hạch khi phẫu thuật.

– Xạ trị: Nếu người bệnh từ chối phẫu thuật hay không thể phẫu thuật có thể được chỉ định điều trị xạ trị hoặc điều trị khi tế bào ung thư sót lại sau mổ, ung thư xâm nhập mạch máu hoặc hạch bạch huyết. Xạ trị ngoài đơn thuần hay kết hợp xạ trị áp sát được chỉ định trong điều trị ung thư cổ tử cung.

– Hóa trị: Phương pháp có thể áp dụng nếu không thể phẫu thuật hoặc từ chối phẫu thuật, áp dụng cho giai đoạn IB2 trở lên.

Có thể thấy ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường khó phát hiện nhưng nếu được chẩn đoán sớm giúp việc điều trị dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém hơn. Do đó, mỗi người nên chủ động theo dõi sức khỏe phụ khoa để tránh nguy cơ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital