Viêm thực quản trào ngược là một tình trạng tiêu hóa phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, hay các bệnh lý đi kèm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng viêm thực quản trào ngược có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách cải thiện tình trạng viêm thực quản trào ngược hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các triệu chứng viêm thực quản trào ngược thường gặp
Viêm thực quản trào ngược là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở thực quản do axit từ dạ dày trào ngược lên. Thực quản là bộ phận quan trọng nối giữa miệng và dạ dày, có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn. Bình thường có một cơ vòng nằm ở cuối thực quản (cơ thắt thực quản dưới) giúp ngăn axit trào ngược. Khi cơ vòng này hoạt động không hiệu quả, axit dạ dày có thể trào lên, gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản.
Viêm thực quản do trào ngược thường biểu hiện các triệu chứng như:
– Ợ nóng (thường là cảm giác nóng rát sau xương ức).
– Trào ngược axit (cảm giác có chất lỏng chua hoặc đắng trào lên miệng).
– Khó nuốt, đau khi nuốt.
– Ho khan, khàn giọng hoặc đau rát mạn tính vùng họng.
– Triệu chứng nặng hơn vào ban đêm hoặc sau khi ăn.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh và chế độ ăn uống không phù hợp là yếu tố quan trọng thúc đẩy tình trạng trào ngược. Ngoài ra, thoát vị hoành, béo phì cũng có thể khiến axit dễ trào ngược lên thực quản.
2. Viêm thực quản do trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Viêm dạ dày thực quản do trào ngược (GERD) có thể trở nên nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ban đầu, bệnh có thể chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu, nhưng về lâu dài, nếu trào ngược liên tục xảy ra, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
2.1 Triệu chứng viêm dạ dày thực quản trào ngược gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Triệu chứng như ợ nóng, trào ngược axit, đau ngực hoặc ho kéo dài có thể làm người bệnh khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi. Người bệnh có thể tránh ăn uống nhiều loại thực phẩm, dẫn đến thiếu dinh dưỡng hoặc sụt cân.
2.2 Biến chứng tại thực quản
– Loét thực quản: Niêm mạc thực quản bị tổn thương liên tục bởi axit dẫn đến hình thành các vết loét gây đau, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
– Hẹp thực quản: Khi niêm mạc thực quản lành sau tổn thương, mô sẹo có thể hình thành, làm hẹp ống thực quản, dẫn đến khó nuốt, đặc biệt là với thức ăn đặc.
– Barrett thực quản: Tế bào niêm mạc thực quản bị biến đổi do kích thích lâu dài từ axit. Đây là một tình trạng tiền ung thư, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản.
– Nguy cơ ung thư thực quản: Ung thư thực quản (đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến) có thể phát triển từ Barrett thực quản nếu không điều trị sớm.
2.3 Biến chứng ở ngoài thực quản
Axit trào ngược có thể đi vào khí quản, gây viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, ho kéo dài hoặc hen suyễn. Hít phải axit dạ dày có thể gây viêm phổi do hít.
Ngoài ra, axit từ dạ dày có thể trào ngược lên hầu họng, làm hỏng men răng, gây ê buốt hoặc sâu răng.
3. Cách cải thiện triệu chứng viêm thực quản trào ngược
3.1. Thay đổi lối sống giúp cải thiện triệu chứng viêm, trào ngược
Lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng viêm thực quản trào ngược. Dưới đây là một số thói quen có thể giúp giảm triệu chứng viêm thực quản trào ngược:
– Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn no 3 bữa, bạn nên chia thành 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày.
– Tránh nằm ngay sau ăn: Đợi ít nhất 2-3 giờ trước khi nằm hoặc đi ngủ để tránh trào ngược.
– Giảm tiêu thụ thực phẩm kích thích: Hạn chế thực phẩm cay, chua, nước có ga và caffeine.
– Duy trì cân nặng hợp lý: Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày, cải thiện chứng trào ngược và tình trạng viêm thực quản.
3.2. Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng viêm dạ dày thực quản trào ngược
Các loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định nhằm giảm triệu chứng trào ngươc và tình trạng viêm thực quản. Người bệnh tuân thủ đơn thuốc và báo với bác sĩ nếu có bất thường khi sử dụng các loại thuốc sau:
– Thuốc kháng axit: Trung hòa axit trong dạ dày để giảm cảm giác nóng rát.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giảm sản xuất axit dạ dày, giúp niêm mạc thực quản lành nhanh hơn.
– Thuốc tăng cường cơ thắt thực quản dưới: Giúp ngăn ngừa axit trào ngược.
3.3. Can thiệp phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ
Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định để sửa chữa, tăng cường chức năng cơ thắt thực quản dưới, giúp giảm triệu chứng hiệu quả. Người bệnh cần hết sức thận trọng khi lựa chọn phẫu thuật vì phương pháp này có thể tiềm ẩn rủi ro.
4. Chẩn đoán viêm thực quản trào ngược – Cơ sở quan trọng để điều trị hiệu quả
Để cải thiện hiệu quả chứng viêm thực quản do trào ngược dạ dày, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân là rất cần thiết. Quá trình chẩn đoán thường bắt đầu bằng việc khai thác triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, đánh giá các yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc, uống rượu, căng thẳng… Sau đó, một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có thể được chỉ định như:
4.1. Nội soi dạ dày – thực quản
Đây là phương pháp thường được sử dụng đầu tiên để xác định viêm thực quản do trào ngược. Nhờ camera siêu nhỏ ở đầu ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp tổn thương ở niêm mạc thực quản (viêm, loét, xước, phù nề…), đánh giá mức độ tổn thương niêm mạc thực quản và các biến chứng như Barrett thực quản.
4.2. Đo pH thực quản 24 giờ
Đo pH thực quản 24 giờ là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán GERD khi triệu chứng không điển hình hoặc nội soi không phát hiện tổn thương. Thiết bị đo được đưa vào thực quản kết nối với một thiết bị đeo trên người trong 24 giờ để ghi lại sự thay đổi pH, giúp xác định tính chất, tần suất và mức độ trào ngược axit.
4.3. Đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM)
Phương pháp này giúp đánh giá chức năng cơ vòng dưới thực quản và nhu động thực quản nhờ vào ống nhỏ gắn cảm biến được đưa vào thực quản. Đo HRM đặc biệt hữu ích trong trường hợp cần loại trừ các nguyên nhân khác gây triệu chứng tương tự trào ngược, như rối loạn vận động thực quản, co thắt tâm vị.
4.4. Phương pháp điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI test)
Trong trường hợp nghi ngờ trào ngược, bệnh nhân có thể được dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và theo dõi trong 2 – 4 tuần. Nếu triệu chứng cải thiện rõ rệt, khả năng GERD là rất cao.
4.5 Các phương pháp khác
– Siêu âm, chụp CT: Thường dùng trong trường hợp nghi ngờ khối u hoặc các tổn thương ở gan, thận có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
– Sinh thiết thực quản: Trường hợp nghi ngờ Barrett thực quản hoặc ung thư, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm mô học.
Trong một số trường hợp, việc tầm soát biến chứng như hẹp thực quản, Barrett thực quản hoặc ung thư biểu mô thực quản… có thể được chỉ định.
Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý trào ngược và tiêu hóa tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI được chỉ định linh hoạt với thiết bị đồng bộ và tiên tiến. Nổi bật trong đó là phương pháp đo pH thực quản 24 giờ và HRM sử dụng máy móc nhập khẩu từ Mỹ với độ chính xác và an toàn vượt trội. Các công nghệ nội soi, siêu âm và chụp CT đa chiều đều sử dụng thiết bị hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tiêu hóa.
Viêm thực quản trào ngược là tình trạng bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Quan trọng nhất là duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Với sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại và đội ngũ chuyên gia giỏi tại các cơ sở như Thu Cúc TCI, việc điều trị viêm thực quản trào ngược sẽ đạt hiệu quả tối ưu, giúp người bệnh sớm lấy lại cuộc sống khỏe mạnh.