Sởi, quai bị và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Hiện nay, tiêm vắc xin là phương pháp giúp phòng ngừa bệnh từ sớm. Dù đem lại hiệu quả phòng bệnh, tuy nhiên cũng như các loại vắc xin khác, vắc xin sởi – quai bị – rubella có thể gây một số triệu chứng sau khi tiêm. Để nắm rõ về các triệu chứng và cách xử trí, hãy cùng tìm hiểu về các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin này trong bài viết dưới đây của TCI nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về các loại vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella
1.1. Vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella là gì?
Sởi, quai bị và rubella đều là những bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh. Bệnh có đặc tính lây lan nhanh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm về sau, thậm chí là tử vong. Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai nếu bị nhiễm bệnh có nguy cơ sinh non, hình thành dị tật bẩm sinh cho thai nhi hoặc thai lưu. Vì vậy, việc tiêm phòng sởi – quai bị – rubella cho người lớn và cho trẻ nhỏ là hết sức cần thiết. Vắc xin sởi – quai bị – rubella là vắc xin tam giá, giúp phòng cùng lúc 3 bệnh lây nhiễm: sởi, quai bị và rubella.
1.2. Các loại vắc xin sởi – quai bị – rubella phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella đó là: Vắc xin Priorix (Bỉ) và vắc xin MMR II (Mỹ). Cụ thể:
– Vắc xin Priorix: Đây là vắc xin được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Glaxosmithkline (GSK) – Bỉ. Vắc xin này có thể được tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, tăng khả năng bảo vệ trẻ lên đến 98% nếu tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, việc tiêm phòng vắc xin Priorix sớm cho trẻ giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong và giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus.
– Vắc xin MMR – II: Đây là vắc xin sống giảm động lực tạo miễn dịch chủ động được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Merck Sharp and Dohm (Mỹ). Vắc xin MMR – II hoạt động bằng cách giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus.
1.3. Phác đồ tiêm chủng cho vắc xin sởi – quai bị – rubella
Với vắc xin Priorix (Bỉ)
Phác đồ tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella cho trẻ em từ 9 tháng trở lên và người lớn bao gồm 2 mũi tiêm chính và 1 mũi nhắc lại. Cụ thể:
– Mũi tiêm 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2: Tiêm cách mũi số 1 từ 3 tới 6 tháng.
– Mũi tiêm 3 (mũi nhắc lại): 4 năm sau khi hoàn thành mũi 2.
Phác đồ tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella cho phụ nữ mang thai:
– Nếu đã từng tiêm 1 mũi vắc xin sởi – quai bị – rubella, chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin sởi – quai bị – rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
– Nếu chưa từng tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella, tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 4 tuần và đảm bảo hoàn thành 2 mũi tiêm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Với vắc xin MMR – II (Mỹ)
Phác đồ tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella cho trẻ em từ 12 tháng trở lên và người lớn bao gồm 1 mũi tiêm chính và 1 mũi nhắc lại.
– Mũi tiêm 1: Tiêm khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2 (mũi nhắc lại): 4 năm sau khi hoàn thành mũi 1.
Phác đồ tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella cho phụ nữ mang thai của vắc xin MMR – II tương tự với vắc xin Priorix (Bỉ).
2. Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella có thể gặp
Vắc xin sởi – quai bị – rubella là vắc xin được các chuyên gia y tế nghiên cứu có độ an toàn cao. Tuy nhiên cũng tương tự như các loại vắc xin phòng bệnh khác, vắc xin này sẽ gây tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào hệ miễn dịch và cơ địa mỗi người.
2.1. Triệu chứng sau khi tiêm vắc xin nhẹ, thường gặp
– Thường gặp: Cảm giác nóng rát hoặc đau nhói tại vị trí tiêm.
– Sốt hoặc xung quanh vị trí tiêm hoặc có thể xuất hiện ban đỏ nhẹ.
– Đau cơ, khớp: Thường thoáng qua và nhanh mất đi. Triệu chứng này hay xảy ra ở phụ nữ trưởng thành.
2.2. Triệu chứng sau khi tiêm vắc xin nghiêm trọng, hiếm gặp
– Cảm thấy chóng mặt, ù tai hoặc thay đổi thị lực sau khi tiêm vắc xin.
– Chai hoặc căng cứng tại vết tiêm, đau họng, khó chịu, ngất, dễ bị kích thích hoặc tình trạng viêm tuyến mang tai, buồn nôn và có thể bị tiêu chảy.
– Các phản ứng quá mẫn: Nổi mày đay hoặc khó thở, co thắt khí phế quản.
– Tổn thương nghiêm trọng hoặc nguy hiểm hơn là tử vong. Tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ.
Các tình huống này nếu gặp có thể xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm.
3. Chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella
Trước hết, sau khi tiêm vắc xin, mọi người cần ở lại cơ sở tiêm chủng theo dõi tối thiểu 30 phút để kịp thời xử trí nếu có hiện tượng sốc phản vệ. Khi về nhà cũng cần tiếp tục theo dõi các biểu hiện của cơ thể từ 1 đến 2 ngày. Ngoài ra cần chú ý:
– Không chạm, tì đè vào vị trí tiêm. Không chườm nóng, lạnh hay đắp lá thuốc vào vị trí tiêm.
– Đối với trẻ nhỏ khi bị sốt cần mặc thoáng mát cho trẻ, chườm mát để giảm nhiệt độ và cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng thuốc để hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu xuất hiện các triệu chứng lạ hoặc biểu hiện nặng là cần đi tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được chữa trị. Một số biểu hiện cần đi cấp cứu ngay đó là:
– Sốt cao kéo dài liên tục không hạ (sốt trên 40 độ C).
– Phát ban dày đặc toàn cơ thể.
– Tim đập nhanh, khó thở.
– Mệt mỏi, mất sức.
Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cung cấp các mũi tiêm sởi – quai bị – rubella với chất lượng đảm bảo, vắc xin được bảo quản trong tủ chuyên dụng. Khách hàng được khám sàng lọc miễn phí trước tiêm, kiểm tra kĩ liều lượng, xuất xứ vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút trước khi ra về.
Trên đây là những hiểu biết cần có nếu gặp các triệu chứng sau tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella. Mọi người nên chú ý để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng của mình nhé!