Các triệu chứng của viêm âm đạo sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có các biểu hiện khác nhau, thậm chí có thể không xuất hiện các triệu chứng. Vậy để hiểu hơn về viêm âm đạo và cách chăm sóc vùng kín đúng cách, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Viêm âm đạo – Bệnh phụ khoa phổ biến ở chị em phụ nữ
Viêm âm đạo là tình trạng ngứa ngáy, gây đau rát và có mùi hôi khi khí hư tiết ra, thường gặp ở hầu hết chị em phụ nữ, đặc biệt là ở trong độ tuổi sinh sản.
Viêm âm đạo gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tình dục và chức năng sinh sản của phụ nữ. Nếu không phát hiện để điều trị kịp thời, dứt điểm thì sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cổ tử cung, vô sinh…
Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm phụ khoa trong vòng 5 năm gần đây ở phụ nữ chiếm hơn 70%, trong đó chủ yếu là các bệnh viêm nhiễm âm hộ, âm đạo gây ra bởi vi khuẩn, nấm (chiếm trên 85% tổng số các bệnh viêm nhiễm phụ khoa).
1.1 Nguyên nhân nào khiến âm đạo phụ nữ bị viêm nhiễm
Các tác nhân gây viêm âm đạo chủ yếu đó là nấm Candida, trùng roi, tạp trùng hay một số loại virus, vi khuẩn gây nên bệnh xã hội khác như: xoắn khuẩn Lậu, Giang mai…
Trong đời sống sinh hoạt của chị em phụ nữ sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các tác nhân kể trên xâm nhập và phát triển gây ra tình trạng viêm âm đạo như:
– Dùng kháng sinh hoặc lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài.
– Thụt rửa âm đạo hoặc dùng thuốc đặt âm đạo kéo dài, dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để tắm rửa.
– Do những thay đổi trong thai kỳ hoặc các dụng cụ tránh thai không đảm bảo.
– Do bị bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc suy giảm miễn dịch.
1.2 Các triệu chứng thường gặp của viêm âm đạo
– Ngứa âm đạo: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm âm đạo. Cảm giác ngứa ngáy, kích thích hoặc rát ở khu vực âm đạo có thể xuất hiện. Đôi khi, ngứa còn có thể lan sang vùng xung quanh.
– Khô âm đạo kéo dài: Đây là dấu hiệu cảnh báo cho thấy âm đạo của bạn đang không được khỏe mạnh, càng về sau sẽ xuất hiện thêm các biểu hiện đau rát nghiêm trọng hơn.
– Đau khi quan hệ tình dục: Viêm âm đạo có thể gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu khi giao hợp. Đây là do các mô mềm và nhạy cảm ở vùng âm đạo bị viêm, gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu khi tiếp xúc.
– Khí hư từ âm đạo: Các bệnh nhiễm trùng âm đạo thường có mùi khí hư khá khó chịu. Nếu bạn cảm thấy có mùi khí hư từ âm đạo của mình, có thể đây là một triệu chứng của viêm âm đạo.
– Đau bụng dưới: Đây có thể là cảm giác đau nhẹ hoặc nặng ở bụng dưới hoặc đau lưng. Đau có thể xuất hiện trước khi kinh nguyệt hoặc trong quá trình kinh nguyệt.
– Phát ban ở vùng âm đạo: Viêm âm đạo có thể gây ra phát ban hoặc mẩn ngứa ở khu vực âm đạo, do kích thích của các vi khuẩn hoặc nấm gây ra.
– Tiểu khó: Cơ quan sinh dục nữ có cấu tạo sát với đường tiết niệu, do đó nếu âm đạo bị viêm nhiễm thì cũng dẫn đến tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát kèm theo đó là cảm giác đau rát ở vùng kín. Tiểu khó, tiểu buốt liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu, và đây cũng là dấu hiệu có thể nhiễm trùng âm đạo gây nên bởi vi khuẩn nhiễm nấm men.
– Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh: Xuất huyết âm đạo là tình trạng chảy máu nhưng chưa đến chu kỳ kinh nguyệt, nhất là sau khi quan hệ. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như: polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, âm đạo ra máu ngoài chu kỳ kinh cũng có thể do sử dụng thuốc tránh thai không đúng cách làm mất đi sự cân bằng độ pH và suy giảm nội tiết tố. Do đó, để chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này, bạn nên đi đến cơ sở y tế chuyên khoa.
1.3 Khi có các triệu chứng của viêm âm đạo thì cần làm gì?
Viêm âm đạo ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của chị em phụ nữ. Nếu không được phát hiện sớm cũng như chữa trị kịp thời sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nên các bệnh phụ khoa nguy hiểm. Vì thế, khi có các triệu chứng viêm âm đạo kể trên, chị em cần ngay lập tức xác định được nguyên nhân nào gây nên, từ đó có thể cải thiện và thay đổi cách chăm sóc vùng kín.
Nếu các triệu chứng viêm âm đạo đã rõ ràng và kéo dài trong vài ngày, không có dấu hiệu giảm đi thì việc cần làm là đi khám phụ khoa, các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả.
2. Một vài lưu ý quan trọng cho chị em khi chăm sóc vùng kín
Chị em phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh phụ khoa nếu thường xuyên nếu chăm sóc vùng kín đúng cách. Tham khảo một số lời khuyên dưới đây để bảo vệ vùng kín của mình luôn được khỏe mạnh chị em nhé.
– Giữ vệ sinh sạch sẽ trong kỳ hành kinh, trong thai kỳ và hậu sản, trước/ sau khi quan hệ tình dục.
– Không thụt rửa sâu âm đạo bởi sẽ dễ gây tổn thương và tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào
– Không sử dụng nguồn nước bẩn có nhiều vi sinh vật như: nước ao hồ, sông suối để tắm rửa, vệ sinh cá nhân.
– Tránh vệ sinh âm đạo bằng xà phòng, các dung dịch tẩy rửa mạnh
– Nên chọn quần lót chất liệu thông thoáng, tránh tình trạng ẩm ướt.
Ngoài ra, để tránh bệnh không nặng thêm, trong chế độ ăn uống cũng cần lưu ý những điều dưới đây:
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia bởi chúng làm cho bộ phận sinh dục của chị em trở nên nóng ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm sinh sôi.
– Thức ăn cay nóng cũng cần hạn chế vì chúng có thể làm tăng chất độc tích tụ trong cơ quan nội tạng, khiến cho nước tiểu trở nên đậm màu, hậu môn nóng rát, từ đó tạo môi trường cho vi khuẩn gây viêm nhiễm âm đạo phát triển.
– Những loại thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều đường cao cũng được xem là tác nhân khiến nhiệt độ ở bộ phận sinh dục cao hơn, làm tăng bài tiết ở âm đạo, cản trở đến việc điều trị.
Các triệu chứng của viêm âm đạo cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Thăm khám phụ khoa theo định kỳ 6 tháng/ lần là rất cần thiết để mỗi chị em phụ nữ bảo vệ sức khỏe nói chung cũng sức khỏe sinh sản nói riêng. Đồng thời, khi thăm khám phụ khoa chị em phụ nữ sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về cách phòng ngừa viêm âm đạo và cách bệnh phụ khoa khác một cách tốt nhất.