Khám thai định kỳ là cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé. Nếu không thể khám đầy đủ theo lịch từng tháng, mẹ bầu cũng không được bỏ qua các mốc khám thai quan trọng dưới đây.
Menu xem nhanh:
1.Vai trò của các mốc khám thai
Khám thai theo các mốc thai kỳ sẽ giúp mẹ theo dõi từng giai đoạn phát triển của bé. Ở từng giai đoạn này, em bé sẽ có những đặc điểm phát triển riêng. Song song với đó, các nguy cơ tiềm ẩn cũng sẽ có những giai đoạn biểu hiện đặc trưng tại một số mốc quan trọng. Chính vì vậy với các mốc khám thai nói chung và đặc biệt với những mốc khám thai quan trọng nói riêng mang ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của thai nhi:
- Theo dõi sức khỏe thai kỳ, đánh giá sự phát triển của bé thông qua các chỉ số siêu âm, xét nghiệm, chiều dài, cân nặng,…
- Kết quả thăm khám là cơ sở để mẹ bầu điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và chế độ nghỉ ngơi tốt hơn.
- Phát hiện sớm những bất thường trong sức khỏe của mẹ và bé để kịp thời xử lý.
- Sàng lọc một số dị tật bẩm sinh có thể xuất hiện ở trẻ. Một số sàng lọc sớm bệnh lý bẩm sinh chỉ được thực hiện chính xác và có ý nghĩa ở một số thời điểm trong thai kỳ. Vì thế mẹ bầu cần ghi nhớ những mốc khám này.
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ có thai kỳ được chăm sóc tốt, mẹ thực hiện khám thai đầy đủ có sức khỏe và cân nặng đạt chuẩn cao gấp 5 lần so với những trẻ không được thực hiện thăm khám đầy đủ từ trong bụng mẹ.
2.Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
Kể từ thời điểm xác định mang thai, mẹ bầu cần đi khám thai hàng tháng trong 6 tháng đầu. Vào ba tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ tăng tần suất thăm khám theo chỉ định của bác sĩ. Trong đó các mốc khám thai quan trọng dưới đây mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ:
Mốc khám thai từ tuần thứ 5 – 8
Đây là mốc thăm khám quan trọng đầu tiên mẹ không được bỏ qua. Trong khoảng từ tuần 5 – 8, mẹ cần thăm khám để chắn chắn đã mang thai. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra thai đã làm tổ trong tử cung hay chưa, mẹ mang đơn thai hay đa thai, đo kích thước túi ối, noãn hoàng. Từ tuần thứ 6, mẹ sẽ lần đầu tiên nghe được tim thai của bé. Nếu khoảng thời gian này mẹ chưa nghe được tim thai, bác sĩ sẽ hẹn mẹ tái khám vào các tuần sau.
Khi thai đã làm tổ trong tử cung, mẹ và bé sẽ được lập hồ sơ thai kỳ để theo dõi sức khỏe. Các thông tin quan trọng gồm: tiền sử sức khỏe của mẹ và thành viên trong gia đình, dự đoán ngày sinh,…
Mẹ bầu sau khi thăm khám lần đầu tiên này sẽ được các bác sĩ thông báo các mốc thăm khám tiếp theo. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn mẹ về chế độ sinh hoạt phù hợp nhất.
Mốc khám thai từ tuần 11 đến 13 – đo khoảng sáng sau gáy
Một trong các mốc khám thai quan trọng mẹ không thể bỏ qua là từ tuần thai 11 đến 13. Thông qua siêu âm, các bác sĩ sẽ khẳng định chính xác được mẹ mang thai đơn hay đa thai. Các cấu trúc quan trọng của cơ thể như tim thai, não sẽ được khảo sát chính xác để phát hiện những bất thường.
Mốc khám thai này còn là “thời điểm vàng” để đo chính xác độ mờ da gáy. Đây là thông số quan trọng để đánh giá nguy cơ mắc các hội chứng liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể (NST) ở trẻ như: hội chứng Down, hội chứng Pautau,… Cụ thể:
- Nếu khoảng sáng sau gáy nhỏ hơn 2,5 mm nguy cơ bất thường về NST thấp
- Khoảng sáng sau gáy từ 2,5 đến 3 mm xác suất các nguy cơ trên gia tăng.
- Khoảng sáng sau gáy trên 3mm thì nguy cơ đột biến nhiễm sắc là rất cao.
Ngoài ra, mẹ cần được thực hiện xét nghiệm Double Test để sàng lọc bệnh di truyền. Xét nghiệm này chỉ có ý nghĩa từ tuần 11 – 13, thực hiện sớm hay muộn hơn đều có sai số lớn. Double Test không gây hại cho mẹ và bé, nên mẹ bầu hãy yên tâm khi làm xét nghiệm. Từ kết quả xét nghiệm, thai nhi được đánh giá nguy cơ mắc các bệnh bẩm sinh liên quan tới các hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể như Edward, Down hay Patau. Trong trường hợp ở mức nguy cơ cao, mẹ sẽ cần tiếp tục thực hiện kiểm tra khác để đánh giá chính xác nhất.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần làm xét nghiệm máu và nước tiểu trong mốc khám này.
Mốc khám thai thứ 3 từ tuần 16 đến 20
Từ tuần 16 đến tuần 20 là mốc quan trọng thứ 3 mẹ không thể bỏ qua. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá chi tiết hình thái của thai nhi. Những dị tật biểu hiện muộn có thể được phát hiện trong thời gian này. Ngoài ra, các trường hợp sau mẹ bầu nên thực hiện Triple Test:
- Kết quả đo độ mờ da gáy hoặc xét nghiệm Double Test có bất thường.
- Mẹ bỏ qua không làm Double test trước đó.
Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên đình chỉ thai kỳ vào thời điểm này khi bệnh lý quá nghiêm trọng.
Mốc khám thai thứ 4 từ tuần 22 đến 28
Trong mốc khám thai này, bác sĩ sẽ kiểm tra hình thái thai nhi qua siêu âm 4D, 5D:
- Phát hiện bất thường ở đầu não thông qua đo chiều dài lưỡng đỉnh.
- Quan sát các dị dạng hở hàm ếch, sứt môi, dị dạng sống mũi, tay qua quan sát gương mặt.
- Siêu âm Doppler màu kiểm tra tim, phổi,..
- Do chiều dài đùi, kiểm tra tay chân.
- Kiểm tra rau bám và lượng ối có đủ hay không.
Ngoài ra mẹ cần thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose. Xét nghiệm này giúp phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ, nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật.
Trong mốc khám thai này, mẹ bầu sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi 1. Nếu mẹ đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ trong vòng 5 năm qua thì không cần tiêm nhắc lại.
Mốc khám thai thứ 5 từ tuần 28 đến 32
Đây là mốc giúp tầm soát các dị tật xuất hiện muộn ở thai nhi. Các dị tật thường liên quan tới giãn não thất, tim thai, tắc ruột, nhiễm trùng bào thai,… Bên cạnh bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển của thai nhi thông qua:
- Kiểm tra chiều dài và cân nặng thai nhi.
- Kiểm tra tình trạng nước ối.
- Kiểm tra tình trạng bánh rau.
- Đánh giá nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường thai kỳ,..
Sau mốc khám thai này, mẹ sẽ được tư vấn chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn cuối của thai kỳ. Ngoài ra, trong lần thăm khám này, mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván thử 2.
Các mốc khám thai từ tuần thứ 36
Từ tuần thứ 36, mẹ bắt đầu bước sang những tuần cuối cùng của thai kỳ. Trong thời gian này, mẹ cần nên thăm khám mỗi tuần một lần. Các biểu hiện chuyển dạ cũng sẽ bắt đầu xuất hiện từ tuần thai 36 hoặc sớm hơn. Mẹ bầu có thể dự sinh sớm hoặc muộn hơn xung quanh ngày sinh dự kiến. Mẹ bầu cần được kiểm tra nước ối, đường huyết, huyết áp, tim thai, độ mở tử cung, ngôi thai… Đây là những yếu tố quan trọng để thai nhi chào đời an toàn. Đồng thời qua đó phát hiện sớm và ngăn ngừa tai biến sản khoa có thể xảy ra.
Các dấu hiệu chuyển dạ thường gặp: xuất hiện cơn gò, sa bụng, mở cổ tử cung, bung nút nhầy, chân sưng phù,…. Đây đều là những dấu hiệu tốt. Mẹ bầu cần sẵn sàng cho cuộc vượt cạn. Song, nếu mẹ bầu bị hoa mắt, chóng mặt, tăng huyết áp, rỉ ối,… cần cẩn trọng. Đây đều là những cảnh báo tai biến sản khoa nguy hiểm đe dọa tính mạng mẹ và bé.
Ngoài ra, từ tuần thai 36, mẹ cần được thăm khám với bác sĩ gây tê để thử phản ứng thuốc chuẩn bị trong trường hợp vượt cạn mẹ cần dùng thuốc gây tê.
Trên đây là những mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ. Khám thai đầy đủ giúp thai kỳ khỏe mạnh, bé chào đời an toàn. Hi vọng rằng với những chia sẻ trên đây phần nào giúp mẹ bầu hiểu được cần làm gì ở mỗi mốc khám thai và có những phương án chăm sóc tốt nhất cho con yêu.