Các dấu hiệu thai lưu và những điều mẹ bầu cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Thai lưu là tình trạng thai nhi ngừng phát triển giữa chừng. Đây là điều mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng đều không mong muốn. Tuy tỷ lệ thai lưu là rất thấp song mẹ bầu cũng cần nắm được các dấu hiệu thai lưu, nguyên nhân gây ra tình trạng này và cách phòng tránh.

1. Thai lưu là gì?

Thai lưu là tình trạng thai nhi ngừng phát triển từ sau tuần 20

Thai lưu là tình trạng thai nhi ngừng phát triển từ sau tuần 20

Thuật ngữ “thai lưu” dùng để chỉ tình trạng em bé ngừng phát triển giữa chừng, giống với thuật ngữ “sảy thai”. Tuy nhiên hai trạng thái này khác nhau ở thời điểm kết thúc thai kỳ. Sảy thai diễn ra trước tuần 20 của thai kỳ. Thai lưu xảy ra từ sau tuần 20 của thai kỳ và vào trước thời điểm mẹ chuyển dạ sinh.

Trong y học, thai chết lưu được phân mức độ sớm muộn dựa theo thời điểm như sau:

– Thai lưu sớm xảy ra từ tuần 20 – 27.

– Thai lưu muộn xảy ra từ tuần 28 – 36.

– Thai lưu đủ tháng sau 37 tuần.

2. Nguyên nhân của thai lưu

Rất khó xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chết lưu. Dấu hiệu thai lưu và các yếu tố tiềm ẩn thường không rõ ràng là lý do khiến hơn 25% các ca thai lưu không được xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo thống kê, các nguyên nhân khiến thai lưu phổ biến nhất là:

2.1. Rối loạn nhiễm sắc thể và những dị tật bẩm sinh

Đây là nguyên nhân gây ra các ca thai lưu lên tới 14%. Các khiếm khuyết về nhiễm sắc thể gây ra tình trạng đột biến, các dị tật bẩm sinh ở thai nhi (vô sọ, não úng thủy, phù rau,…) khiến thai nhi không thể tự phát triển và dẫn tới lưu thai.

2.2. Tình trạng giới hạn tăng trưởng trong tử cung (IUGR)

Tình trạng này khiến thai nhi kém phát triển so với tuổi thai một cách đáng kể làm tăng nguy cơ chết lưu hoặc gây tử vong ngay từ khi chào đời do thai nhi không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất để phát triển.

2.3. Bong rau non

Tình trạng rau thai đột ngột tách khỏi tử cung khi thai nhi còn trong bụng mẹ là tình trạng bong nhau non. Đây được xem là tai biến sản khoa có thể khiến sảy thai, thai lưu hay sinh non.

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị bong rau non như mẹ bầu bị trấn thương ở bụng (va chạm, ngã,..), cấu trúc buồng tử cung bất thường, tình trạng vỡ ối non,…

2.4. Các vấn đề về dây rốn

Trong thai kỳ, nhiều trường hợp thai nhi bị dây rốn thắt nút hay dây rốn quấn cổ. Đây sẽ là vấn đề thực sự nghiêm trọng khi các chất dinh dưỡng bị chặn lại không thể nuôi thai. Theo thống kê, có đến 10% trẻ bị thai lưu do gặp các vấn đề liên quan dây rốn.

Vấn đề dây rốn là một trong những nguyên nhân thai lưu

Vấn đề dây rốn là một trong những nguyên nhân thai lưu

2.5. Nhiễm trùng thai kỳ

Thống kê cho thấy 13% thai nhi bị nhiễm trùng và chết lưu. Các bệnh nhiễm trùng này hầu hết do virus, vi khuẩn lây nhiễm từ đường sinh dục của mẹ trước đó chưa được điều trị triệt để các bệnh phụ khoa hoặc vô tình lây nhiễm trong thai kỳ.

Tình trạng nhiễm trùng này không chỉ đe dọa tính mạng thai nhi mà còn rất nguy hiểm tới tính mạng của mẹ.

2.6. Quá ngày dự sinh

Mẹ bầu mang thai quá ngày dự sinh có nguy cơ bị thai lưu cao. Thai quá ngày dự sinh thường có cận nặng khá lớn, rau thai mất khả năng nâng đỡ thai nhi dẫn khiến thai không được cung cấp đủ dinh dưỡng, oxy và dẫn đến tình trạng lưu thai.

2.7. Các biến chứng sản khoa khác

Ngoài các tình trạng trên thì các biến chứng sản khoa về cạn ối, dư ối,.. cũng là nguyên nhân khiến thai chết lưu. Bên cạnh đó, mẹ bầu mang đa thai cũng tiềm ẩn nguy cơ thai lưu. Thai nhi có thể thiếu chất, thành tử cung yếu bong rau non,…

2.8. Mẹ bầu mắc các bệnh lý nền

Mẹ bầu mắc các bệnh lý nên sau đây cũng có nguy cơ lưu thai cao:

– Tiểu đường thai kỳ

– Rối loạn đông máu

– Lupus ban đỏ

– Tim mạch

Tuyến giáp

– Thừa cân – béo phì

2.9. Do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của mẹ

Mẹ bầu có thói quen sinh hoạt không lành mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thai nhi:

– Sử dụng các chất kích thích, chất có cồn, caffein như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,..

– Sử dụng nhiều các chất giảm đau theo toa.

– Căng thẳng, stress kéo dài.

– Không nghỉ ngơi đầy đủ.

3. Các dấu hiệu thai lưu

Tuy các dấu hiệu thai lưu thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu cảnh báo khác. Song, khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ dưới đây, chị em cần đi khám ngay:

3.1. Mất tín hiệu thai máy là dấu hiệu thai lưu điển hình

Thai máy là những cử động của thai nhi. Từ tuần thai 20, mẹ bầu cảm nhận rất rõ những tín hiệu thai máy của con yêu. Khi thai máy có dấu hiệu giảm dần, mẹ cần đi kiểm tra lập tức. Nếu một ngày mẹ bầu không cảm nhận được thai máy, rất có thể khi đó thai đã chết lưu trong tử cung.

3.2. Vòng một giảm kích cỡ – dấu hiệu thai lưu dễ nhận biết

Hiện tượng ngực căng là biểu hiện chung của tất cả các mẹ bầu. Nếu hiện tượng này đột ngột biến mất, mẹ bầu cần được kiểm tra thai ngay lập tức.

Các dấu hiệu thai lưu nêu trên không phải lúc nào cũng cảnh báo hoặc báo hiệu thai lưu. Nhưng khi gặp các tình huống trên, mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan. Bên cạnh đó, mẹ bầu có nguy cơ cao cần đặc biệt theo dõi thai kỳ của mình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

3.3. Giảm chiều cao tử cung

Chiều cao tử cung sẽ tăng lên theo thai kỳ. Trong mỗi lần khám thai, nếu chiều cao tử cung không thay đổi hoặc giảm đi thì mẹ bầu cần được kiểm tra ngay lập tức.

3.4. Chảy máu âm đạo

Khi có bất kỳ bất thường nào liên quan đến dịch âm đạo mẹ đều không được chủ quan, nhất là chảy  máu âm đạo. Âm đạo bị chảy máu có thể là biểu hiện của việc tử cung bị nhiễm trùng. Khi đó màng ối bao bọc em bé có thể bị yếu và có thể khiến mẹ vỡ ối bất kỳ lúc nào.

3.5. Mẹ bầu đau bụng

Đau bụng dù nặng hay nhẹ đều là tín hiệu xấu trong thai kỳ. Khi bị đau bụng, mẹ bầu cần tới cơ sở y tế kiểm tra ngay lập tức

Ngoài ra, các hiện tượng mẹ bầu chóng mặt, hoa mắt, suy giảm thị lực, sốt cao hay đau lưng dữ dội đều có thể là dấu hiệu lưu thai.

Đau bụng ở mẹ bầu có thể là dấu hiệu thai lưu

Mẹ bầu cần cẩn trọng khi bị đau bụng nhiều, vì đây cũng có thể là dấu hiệu thai lưu.

4. Mẹ bầu cần làm gì khi bị thai lưu

Khi biết thai lưu, mẹ bầu sẽ bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề. Song mẹ nên thực sự bình tĩnh lại và thực hiện các việc sau đây:

4.1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến thai lưu

Xác định nguyên nhân thai lưu là việc làm cần thiết và quan trọng. Điều này giúp mẹ biết được những nguy cơ tiềm ẩn trong lần mang thai kế tiếp để phòng tránh.

Các bác sĩ có thể chỉ định mẹ làm các kiểm tra liên quan tới các yếu tố di truyền và tình trạng nhiễm trùng nếu có. Ngoài ra, kiểm tra các bất thường xuất hiện ở thai nhi để xác định các yếu tố khiến thai lưu.

4.2. Dành thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe

Kết thúc cuộc phẫu thuật, cơ thể mẹ mệt mỏi và cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Sản phụ nên nghỉ ngơi ít nhất từ 6 – 8 tuần, ăn uống đầy đủ để sớm bình phục.

Lưu ý, sau khi mổ cơ thể mẹ có thể tiết sữa trong khoảng 10 ngày. Tuy nhiên đây là cơ chế bình thường của cơ thể. Sản phụ có thể nhờ bác sĩ kê thuốc để giảm tình trạng này.

4.3. Giữ tinh thần ổn định

Đau buồn là điều khó tránh khỏi khi xảy ra mất mát lớn. Chị em hãy chủ động chia sẻ với người thân để giải tỏa. Tránh lâm vào tình trạng đau buồn kéo dà, chán ăn, mất ngủ, dẫn đến trầm cảm và chấn thương tâm lý.

Sau khi bị thai lưu, mẹ cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe

Sau khi bị thai lưu, mẹ cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe

5. Phòng ngừa thai lưu và có một thai kỳ khỏe mạnh

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và tránh bị thai lưu, chị em cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước và trong khi mang thai

5.1. Trước khi mang thai

– Từ bỏ thói quen xấu: hút thuốc, rượu bia,…

– Giữ cân nặng ở mức bình thường

– Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết: axit folic, sắt,..

– Xây dựng thói quen sống khoa học

5.2. Trong quá trình mang thai

– Theo dõi định kỳ sức khỏe thai nhi

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động phù hợp

– Tránh những tác động tiêu cực về cảm xúc

– Khi có những bất thường cần thăm khám ngay.

Trên đây là một số chia sẻ về dấu hiệu thai lưu giúp mẹ bầu lưu tâm và đi thăm khám sớm nếu có bất thường. Mẹ bầu lưu ý rằng, các dấu hiệu trên chỉ mang tính chất tham khảo, mẹ bầu cần đi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên môn mới có kết luận chính xác. Hi vọng những thông tin này sẽ mang đến cho chị em những kiến thức giúp thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital