Bệnh tiêu hóa trẻ em thường rất hay gặp. Mặc dù nguyên nhân của chúng khác nhau nhưng các triệu chứng lại khá giống nhau. Trong đó nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng là những triệu chứng điển hình. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tự giới hạn, giải quyết nhanh chóng mà không có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc các dấu hiệu nguy hiểm, bố mẹ cần quan tâm và đưa trẻ đến viện ngay.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh tiêu hóa trẻ em thường gặp
1.1. Trớ, nôn mửa – Biểu hiện của bệnh tiêu hóa trẻ em nguy hiểm
Nôn trớ xảy ra khá phổ biến trong những tháng đầu đời và thường sinh lý, trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên nhiều trường hợp, nôn trớ cũng có thể là biểu hiện các bệnh lý nguy hiểm:
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Sự di chuyển của dịch dạ dày vào thực quản là một tình trạng nôn trớ có hại cho trẻ sơ sinh. Vấn đề này thường được cải thiện theo thời gian, trong năm đầu tiên của cuộc đời. Cơ chế gây bệnh chủ yếu ở trẻ em là do cơ thắt dạ dày – thực quản chưa trưởng thành.
Kỹ thuật cho trẻ ăn và bú rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nôn trớ. Không nên cho trẻ bú quá nhiều sữa hoặc nuốt nhiều không khí khi bú. Hiện tượng nuốt không khí xảy ra nếu tư thế bú của trẻ không chính xác: trẻ nằm quá thẳng, để bình sữa nằm ngang làm cho cả sữa và không khí đều bị hút vào miệng khi bú.
Hẹp phì đại môn vị
Nôn xuất hiện vào lúc khoảng 2 tuần tuổi là dấu hiệu của bệnh hẹp phì đại môn vị. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được đánh giá thêm. Nếu chẩn đoán được xác định, trẻ có thể cần phải phẫu thuật. Trẻ có bố mẹ hay anh chị em ruột đã từng mắc bệnh này sẽ có nguy cơ cao hơn. Trong hẹp phì đại môn vị, chất nôn không bao giờ có mật. Khi có mật trong chất nôn gợi ý đến tắc ruột cơ học. Vì vậy, cần đánh giá nhanh chóng để phẫu thuật khẩn cấp.
Tắc ruột
Trẻ ở mọi lứa tuổi đã từng phẫu thuật bụng trước đó vì bất kỳ lý do gì (ví dụ: cắt ruột thừa) đều có nguy cơ cao bị tắc ruột do các quai ruột dính vào nhau sau mổ.
Nôn mửa do thần kinh
Đây là bệnh đi kèm với các rối loạn hành vi khác của trẻ sơ sinh. Cơ chế có thể là do sự lo lắng của cha mẹ truyền cho trẻ sơ sinh. Hậu quả là ảnh hưởng xấu đến nhu động đường tiêu hóa.
1.2. Táo bón
Táo bón là rối loạn tiêu hóa phổ biến của trẻ nhỏ. Khi bị táo bón, phân cứng tích tụ trong trực tràng gây căng trực tràng. Trong tình trạng táo bón lâu ngày, trực tràng có thể giãn to ra rất nhiều. Khi đó, nhu động của trực tràng bị giảm đi và phân sẽ tiếp tục bị giữ lại. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ có thể là do:
Bệnh Hirschsprung
Khi táo bón khởi phát ở trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu trẻ chậm đi phân su (sau 24 giờ tuổi), hoặc các bất thường về cấu trúc: dị dạng hậu môn trực tràng hoặc hẹp hậu môn thì không loại trừ khả năng do bất thường các hạch thần kinh ở ruột (bệnh Hirschsprung). Do đó, táo bón trong những ngày hoặc tuần đầu tiên của trẻ cần phải đưa đến bệnh viện để tìm kiếm nguyên nhân.
Chế độ ăn uống
Trẻ mới biết đi, uống quá nhiều sữa bò có thể là nguyên nhân gây táo bón. Nên cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng có trái cây và rau quả. Có thể dùng thuốc nhuận tràng để làm mềm phân. Thiết lập thói quen đi tiêu cho trẻ cũng rất cần thiết.
1.3. Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy được định nghĩa là thường xuyên đi ngoài phân tóe nước, hơn 3 lần trong 24 giờ. Trong các đợt tiêu chảy cấp, nguy cơ chính là mất nước và rối loạn điện giải kèm theo. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mất nước cao nhất.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường do lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Các sinh vật gây bệnh thường là virus (virus rota, adenovirus), vi khuẩn (salmonella, shigella, campylobacter, E.coli) hoặc kí sinh trùng (Giardia lamblia).
Ngoài ra, ở trẻ em, những nhiễm khuẩn ngoài ruột cũng có thể có triệu chứng tiêu chảy cấp. Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm màng não cũng có biểu hiện của “viêm dạ dày ruột”. Nếu bỏ sót các bệnh lý này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
1.4. Tiêu chảy kéo dài là bệnh tiêu hóa trẻ em thường gặp
Tiêu chảy kéo dài hơn hai tuần, đặc biệt nếu trẻ có sụt cân thì cần phải được kiểm tra tại bệnh viện. Nhiều chẩn đoán được đặt ra bao gồm: bệnh celiac (bệnh ruột nhạy cảm với gluten), bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…. Có tiền sử gia đình từng mắc các bệnh lý này giúp gia tăng giá trị chẩn đoán. Tiêu chảy kéo dài cũng có thể liên quan đến chế độ ăn và chất lượng thức ăn của trẻ.
1.5. Đau bụng
Các bệnh tiêu hóa trẻ em gây đau bụng bao gồm: trào ngược dạ dày-thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày, viêm tá tràng và kém hấp thu carbohydrate. Viêm dạ dày do H pylori cũng khá phổ biến ở những trẻ được nội soi.
Đau bụng chức năng chiếm tỉ lệ lớn, bao gồm các tình trạng đau bụng mạn tính mà không có bệnh lý nghiêm trọng về đường tiêu hóa hoặc trong ổ bụng. Mặc dù được thăm khám nhiều lần, nhiều trẻ bị đau bụng vẫn không tìm được nguyên nhân bất thường rõ ràng giải thích cho cơn đau. Đau bụng âm ỉ quanh rốn cũng có thể là do những căng thẳng ở trường học hoặc gia đình.
2. Khi nào bệnh tiêu hóa trẻ em gây nguy hiểm?
Đa số các rối loạn tiêu hóa của trẻ thường là những bệnh hay gặp, có thể tự giới hạn. Tuy nhiên nhiều trường hợp tiềm ẩn bệnh lý và biến chứng nghiêm trọng, thậm chí cần phải phẫu thuật. Những gợi ý đáng lo ngại bao gồm:
– Các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần.
– Giảm cân hoặc tăng trưởng kém.
– Ngủ kém/thức giấc về đêm.
– Gián đoạn các hoạt động bình thường (ví dụ: trẻ phải nghỉ học).
– Tiền sử gia đình mắc bệnh đường tiêu hóa với các triệu chứng tương tự (ví dụ: hẹp môn vị, bệnh celiac, bệnh viêm ruột, loét dạ dày tá tràng).
Ngày nay, với chế độ ăn uống không lành mạnh như đồ ăn vặt, thức ăn chế biến sẵn mà tần suất trẻ bị rối loạn tiêu hóa cũng tăng lên. Mặc dù các triệu chứng của bệnh tiêu hóa trẻ em phổ biến nhưng nếu tình trạng này tái diễn và xảy ra thường xuyên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Vì vậy tất cả các vấn đề về đường tiêu hóa ở trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị cẩn thận. Hệ thống y tế Thu Cúc là địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa hiệu quả cho trẻ em.