Bướu cổ là tên gọi phổ biến để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp mà thuật ngữ y học gọi là bướu tuyến giáp. Bướu cổ là gì và bướu cổ nằm ở đâu vẫn là thắc mắc của nhiều người.
Menu xem nhanh:
1. Bướu cổ nằm ở đâu?
Một trong những biểu hiện điển hình của hầu hết các bệnh xuất phát từ tuyến giáp là có sự xuất hiện của khối u lồi ra ở cổ, bướu cổ cũng không ngoại lệ. Rất nhiều người thắc mắc không biết bướu cổ nằm ở đâu. Như đã khẳng định, bướu cổ xuất phát từ tuyến giáp – tuyến nội tiết nằm ở khu vực đáy cổ, phía dưới thanh quản. Bướu giáp có nhiều loại khác nhau, bao gồm bướu giáp đơn thuần, bướu giáp đơn nhân và bướu giáp đa nhân, trong đó 80% trường hợp là bướu giáp đơn thuần.
Bướu cổ phổ biến ở nữ giới hơn nam giới và rất phổ biến ở những người trong độ tuổi dậy thì.
2. Nguyên nhân gây bướu cổ là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh bướu cổ, thường xuất phát từ một số nguyên nhân như:
- Thiếu hụt iod trong cơ thể làm tuyến giáp không nhận được đầy đủ lượng iod nên sẽ giảm sinh hoóc môn. Vì vậy, để bù đắp cho việc sản xuất hoóc môn, tuyến giáp phải tăng thêm kích thước làm cho tuyến giáp phình to và tạo bướu ở cổ.
- Yếu tố di truyền, rối loạn bẩm sinh
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc điều trị hen, thấp khớp, thuốc chống loạn nhịp tim… trong thời gian dài cũng có thể gây bướu giáp
Ngoài những nguyên nhân chính trên, một só yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ hình thành bướu giáp là:
- Nước uống có chứa một số kim loại nặng như magie, flor…
- Mắc một số bệnh mạn tính ảnh hưởng đến hấp thu và thải trừ iod như thận mạn tính, đại tràng mạn tính…
- Điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém…
3. Bướu cổ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Bướu cổ lành nếu có kích thước lớn sẽ gây nuốt vướng hay khó nuốt, khó thở và lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ, đặc biệt với nữ giới. Bướu là ác tính sẽ tác động đến nhiều cơ quan xung quanh gây đau khi nuốt, ngay cả với thức ăn mềm hay nước bọt, giọng nói khàn và tác động đến các cơ quan ở xa như gan, phổi, xương ở giai đoạn ung thư di căn…
Để phân biệt bướu lành hay bướu ác, chọc hút kim nhỏ (FNA) với độ chính xác cao giúp xác định chẩn đoán. Phương pháp này dùng kim nhỏ như kim chích thuốc, chích vào bướu, lấy tế bào và quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá hình dạng và cách sắp xếp của tế bào để xác định chính xác bệnh.