Rất nhiều mẹ bầu tỏ ra lo lắng về quy trình khám thai, không biết khám như thế đã đủ chưa, còn thiếu sót bước nào không… Sau đây là quy trình 9 bước khám thai được Bộ Y tế quy định nhằm theo dõi đầy đủ tình trạng sức khỏe thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao phải khám thai định kỳ
Khi bắt đầu mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ phải trải qua rất nhiều thay đổi, từ nội tiết, tâm lý đến thể chất. Mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ, người mẹ lại có những thay đổi để thích nghi và đáp ứng sự phát triển của thai nhi.
Việc theo dõi và thăm khám định kỳ sẽ giúp mẹ hiểu được tình trạng sức khoẻ của mình và biết được con yêu có đang phát triển tốt hay không. Đặc biệt, khám thai đúng lịch, đúng hẹn sẽ giúp các bác sĩ theo dõi đầy đủ, có những chẩn đoán chính xác, sớm phát hiện và điều trị kịp thời những biến chứng (nếu có).
2. Các bước khám thai quan trọng mẹ bầu nhất định phải biết
Nắm rõ quy trình thăm khám sẽ giúp các mẹ bầu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về hồ sơ, thủ tục và tâm lý, giúp quá trình khám diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
2.1. Khai thác thông tin – Không thể thiếu trong 9 bước khám thai
Đây là bước đầu tiên trong 9 bước khám thai. Thai phụ chia sẻ càng chi tiết những thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh lý (nếu có) càng tốt. Việc khai thác thông tin đầy đủ từ thai phụ sẽ giúp bác sĩ và điều dưỡng nắm được những thông tin cơ bản, cần thiết từ bà bầu. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác, những tư vấn phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt là những quyết định tiến hành siêu âm, xét nghiệm hay thủ tục thăm khám thêm, đều rất phụ thuộc vào thông tin mà thai phụ cung cấp.
Những thông tin cần thiết mà các bà bầu cần chia sẻ:
– Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bác sĩ cần được biết:
+ Những thông tin cá nhân cơ bản: Tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, trình độ văn hoá…
+ Tình trạng sức khoẻ hiện tại: Dấu hiệu có thai, dấu hiệu bất thường ở thai nhi (nếu có), tiền sử bệnh, các loại thuốc đang dùng hoặc dùng gần nhất…
– Trong 3 tháng giữa của thai kỳ:
Giai đoạn này, bác sĩ sẽ hỏi thai phụ về biểu hiện đạp của em bé trong bụng, cân nặng của mẹ bầu và những thay đổi của cơ thể mà mẹ đang gặp phải. Đây cũng là thời điểm mà bác sĩ sẽ tiết lộ cho mẹ biết giới tính thai nhi và dự đoán nguy cơ mắc dị tật thai nhi.
– Trong 3 tháng cuối của thai kỳ:
Để biết chắc chắn tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi, bác sĩ vẫn sẽ hỏi thăm biểu hiện đạp của em bé, cân nặng và những thay đổi của mẹ bầu như các triệu chứng: phù chân, chuột rút…
2.2. Khám tổng quát toàn thân
Để theo dõi đầy đủ và chi tiết sự thay đổi của cả mẹ và bé qua mỗi giai đoạn thì việc đo chiều cao, cân nặng, nhịp tim, huyết áp, vú, tim phổi… là những thao tác không thể bỏ qua, đặc biệt là theo dõi huyết áp. Bởi lẽ, huyết áp là chỉ số cơ bản nhất, thể hiện tình trạng sức khỏe của mẹ bầu. Nếu mẹ bầu có dấu hiệu tăng huyết áp, huyết áp cao thì cần có phương án điều trị kịp thời, vì đây là tác nhân chính gây tiền sản giật.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn rằng sự tăng cân của bạn có đang hợp lý không, cần tăng bao nhiêu cân trong cả thai kỳ là hợp lý. Nếu mẹ bầu tăng quá số cân cho phép hoặc tăng quá ít, bác sĩ sẽ có chỉ định thay đổi chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp.
2.3. Siêu âm thai – Được mong chờ nhất trong quá trình khám thai
Có lẽ bất cứ bà bầu nào cũng mong chờ đến giây phút được gặp gỡ con yêu. Siêu âm thai không chỉ giúp bố mẹ ngắm nhìn con yêu mà còn giúp bác sĩ nắm được các thông tin, chỉ số về thai nhi. Từ đó, bác sĩ có thể theo dõi được sức khỏe và tình trạng phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn.
Ngày nay, với sự phát triển của y học, công nghệ siêu âm 5D ra đời, giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm những bất thường về hình thái thai nhi.. Cụ thể, từ tuần 12 của thai kỳ, bác sĩ có thể:
– Phát hiện sớm dị tật bẩm sinh và các bất thường về độ mờ da gáy;
– Phát hiện sớm các dị tật não bẩm sinh thông qua hình ảnh các mặt cắt của não thai nhi;
– Ước lượng chính xác cân nặng của bé;
– Công nghệ heart color cung cấp hình ảnh 9 mặt cắt của tim, giúp phát hiện sớm các bệnh tim bẩm sinh.
– Các bệnh về xương, nội tạng, tiêu hóa hay bộ phận sinh dục cũng được quan sát và phát hiện sớm.
2.4. Xét nghiệm máu
Có thể nói, đây chính là xét nghiệm mà mọi mẹ bầu cần phải thực hiện. Các xét nghiệm máu mà các bà bầu cần thực hiện:
– Xét nghiệp NIPT/ Double Test/ Triple Test… giúp kiểm tra rối loạn nhiễm sắc thể, sàng lọc sớm các dị tật trước sinh.
– Định lượng hematacrit, hemoglobin và tiểu cầu trong máu của thai phụ. Trong đó hematacrit là chỉ số thể hiện dung tích hồng cầu trong cơ thể; còn hemoglobin là chỉ số thể hiện một loại protein có trong máu, giúp cung cấp oxy đến các tế bào. Nếu một trong hai chỉ số này ở mức thấp, nghĩa là mẹ bầu đang có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt, gây cản trở đến sự phát triển của thai nhi.
– Xét nghiệm nhóm máu (ABO, RH);
– Sinh hóa máu (gan, thận…);
– Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, đông máu, sắt, calci…
– Xét nghiệm dung nạp đường huyết: Giúp bác sĩ phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường thai kỳ của mẹ bầu và tư vấn điều trị kịp thời, tránh những biến chứng sản khoa không mong muốn.
2.5. Xét nghiệm nước tiểu
Tương tự như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cũng là bước không thể thiếu trong quy trình khám thai. Xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ kiểm tra lượng glucose, protein, Albumin và Nitrite trong nước tiểu.
– Nếu lượng glucose trong nước tiểu cao sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể cải thiện tình hình bằng chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
– Nếu lượng protein trong nước tiểu cao, mẹ bầu có nguy có bị nhiễm trùng. Nếu xuất hiện triệu chứng cao huyết áp, mẹ bầu còn có nguy cơ bị tiền sản giật.
2.6. Khám sản khoa – Cần thiết nhất trong 9 bước khám thai
Khám sản khoa là một bước rất quan trọng, giúp bác sĩ kiểm tra được sức khỏe của mẹ bầu và em bé, từ đó có thêm thông tin để giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác. Khi khám sản khoa, các bác sĩ sẽ kiểm tra những vấn đề sau: Vết sẹo mổ cũ (nếu có), đáy tử cung, chiều cao tử cung, vòng bụng, các cực của thai, tim thai… Những thông tin này sẽ phần nào giúp bác sĩ xác định và chẩn đoán được sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa hoặc có dấu hiệu bị viêm nhiễm phụ khoa thì phải thông báo chi tiết cho bác sĩ triệu chứng, thời gian bị viêm, nguyên nhân… để bác sĩ có những chỉ định xét nghiệm cần thiết và kịp thời điều trị. Bởi nếu không được điều trị kịp thời, viêm nhiễm phụ khoa sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi, thậm chí là sảy thai, sinh non hoặc chết lưu.
Để hạn chế các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, bác sĩ sẽ tư vấn thai phụ một số các vệ sinh:
– Vệ sinh vùng kín như thế nào: Không thụt rửa quá mạnh, không dùng những dung dịch vệ sinh gây kích ứng…
– Vệ sinh tuyến vú như thế nào: Sử dụng khăn bông mềm, nước ấm, lau nhẹ nhàng để loại bỏ tế bào chết và dịch tuyến vú, hạn chế xà phòng…
– Ưu tiên những trang phục rộng rãi, thoải mái, có chất liệu mềm mại, thông thoáng
– Cách sử dụng thuốc an toàn, phù hợp và hiệu quả
2.7. Tư vấn và hướng dẫn tiêm phòng uốn ván
Các bác sĩ sản khoa khuyên rằng tất cả các mẹ bầu nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ chính bản thân mình và cả thai nhi trong bụng. Bởi đây là một bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani gây nhiễm trùng cấp tính và gây tử vong.
Phụ nữ đang ở độ tuổi sinh nở mà chưa từng có miễn dịch uốn ván thì bắt buộc tiêm phòng để bảo vệ cả hai mẹ con. Thông thường, mỗi người cần trung bình 5 mũi tiêm, sau đó sẽ phụ thuộc vào thời điểm thai nghén của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định có cần tiêm nhắc lại hay không.
Để biết chính xác lịch tiêm phòng, thời điểm và số lượng mũi tiêm cần thiết, các chị em vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn chính xác, cụ thể vì tiêm phòng là việc rất quan trọng mà các mẹ bầu không được bỏ qua.
2.8. Thông báo kết quả
Sau khi đã hoàn tất các bước khám thai nêu trên, mẹ bầu sẽ chờ kết quả. Tùy vào mục đích mỗi lần khám mà mẹ có phải ngồi đợi hay không. Thường siêu âm sẽ có kết quả sớm, còn xét nghiệm sẽ phải đợi một thời gian. Sau đó, bác sĩ sẽ phân tích kết quả. Nếu kết quả có gì bất thường thì các mẹ bầu cũng đừng lo lắng quá, các bác sĩ sẽ tư vấn và phương án xử lý kịp thời, phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ là rất quan trọng. Vì thế, dựa vào kết quả siêu âm, xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn liều lượng các khoáng chất mà mỗi bà bầu cần được cung cấp trong thai kỳ:
– Sắt: 30 – 60mg/ ngày
– Canxi: 1500 – 2000mg/ ngày (Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO 2013)
– Axit Folic: 40 – 600mcg/ ngày
Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và sự “đòi hỏi” của thai nhi, bác sĩ sẽ có thêm chỉ định về việc cần bổ sung thêm những loại thuốc bổ nào nữa.
2.9. Hẹn tái khám
Sau khi quá trình thăm khám kết thúc, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám. Như đã chia sẻ, qua mỗi giai đoạn, cả mẹ bầu và thai nhi đều có những thay đổi nhất định. Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt các mốc khám thai sẽ giúp bác sĩ theo dõi chính xác những thay đổi của cả mẹ bầu và thai nhi.
Do đó, các mẹ bầu đừng quên lịch hẹn tái khám sau mỗi buổi khám thai định kỳ nhé!
Trên đây là toàn bộ thông tin về 9 bước khám thai quan trọng. Hy vọng sau bài viết này, các mẹ bầu sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để quá trình khám thai diễn ra suôn sẻ.