Kiêng khem đúng cách, khoa học giúp ích cho việc điều trị và phục hồi bệnh thoát vị đĩa đệm. Bị thoát vị đĩa đệm cần kiêng gì? Bài viết dưới đây giúp bạn đọc trả lời câu hỏi này.
Theo các bác sĩ, việc điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào tính chất tổn thương, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh lên khả năng vận động và sinh hoạt của bệnh nhân. Các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm: Điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và đông y. Ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần chú ý các vấn đề sau đây:
Menu xem nhanh:
1. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị và phục hồi đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Theo đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên có chế độ ăn uống đảm bảo đủ dưỡng chất, ăn thực phẩm nhiều canxi, magie, protein như thịt nạc, trứng, tôm, cua, sữa chua… Nên ăn nhiều các loại hoa quả tươi, uống nhiều nước chanh, nước cam, nước ép táo, nước ép bưởi. Ăn nhiều các loại rau xanh như rau cải, rau dền, rau muống, giá đỗ… Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, từ 1-1,5lít/ ngày.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm nên hạn chế ăn mặn, ăn đồ quá ngọt, tránh các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có ga, có cồn, cà phê, thuốc lá, ma túy…
Bỏ rượu, bỏ thuốc lá, giảm cân (nếu thừa cân), tránh căng thẳng quá mức về tâm lý… là những biện pháp dự phòng bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát.
2. Không tập luyện thể thao quá sức
Khi điều trị thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần phối hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ. Người bệnh thoát vị đĩa đệm không nên chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… đặc biệt là chạy bộ. Luyện tập thể thao quá sức có thể dẫn đến những tổn thương xấu, ảnh hưởng đến việc điều trị và phục hồi bệnh.
3. Kiêng cử động thắt lưng quá mạnh
Hầu hết các chấn thương đĩa đệm xảy ra do sự uốn cong, xoay và thậm chí là vừa uốn và xoay thắt lưng. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh các động tác và tư thế khiến thắt lưng phải cử động mạnh.
3.1. Không ngồi quá lâu
Ngồi quá lâu gây căng thẳng cho đĩa đệm. Ngồi khiến áp lực đặt trực tiếp lên đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm không nên ngồi trong thời gian quá lâu. Đứng, đi lại nhẹ nhàng hoặc nằm sẽ giúp giảm áp lực lên lưng dưới.
3.2. Kiêng các bài tập giãn cơ
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần kiêng những bài tập giãn cơ như đứng lên ngồi xuống hoặc các bài tập cùng lúc nâng cả hai chân lên.
Khi bị thoát vị đĩa đệm bất kỳ áp lực nào đặt lên đĩa đệm đều có thể gây đau ngay lập tức. Áp lực từ một cái hắt hơi, ho hay cười làm tăng áp lực lên cột sống và có thể làm cho các cơn đau thêm tồi tệ. Do đó, người bệnh phải thận trọng khi cười và tìm cách hạn chế hắt hơi và ho.