Bệnh viêm dạ dày là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ mắc cao nhất. Triệu chứng bệnh thường không quá dữ dội nên tâm lý nhiều người bệnh còn chủ quan và bỏ qua việc điều trị sớm. Nhiều trường hợp bệnh trở nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí là đe dọa tới tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày
1.1. Bệnh viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày hay viêm loét dạ dày xảy ra khi thành niêm mạc dạ dày xuất hiện các tổn thương, lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng viêm sưng và hình thành nên các vết loét.
Viêm loét dạ dày sẽ phát triển qua 2 giai đoạn:
– Viêm loét dạ dày cấp tính
– Viêm loét dạ dày mạn tính
1.2. Nhận biết dấu hiệu nghi ngờ bệnh viêm dạ dày
Như đã nói trước đó, các triệu chứng do viêm loét dạ dày gây ra thường không quá dữ dội nên nhiều người bệnh thường mang tâm lý chủ quan hoặc nhầm lẫn với những khó chịu tiêu hóa thông thường. Trên thực tế, nhận biết sớm bệnh rất quan trọng và có lợi trong việc tiến hành điều trị. Vậy nên không thể bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh dưới đây:
– Cơn đau vùng thượng vị: Người bệnh thường đau tức vùng bụng trên với mức độ nặng nhẹ tùy theo tình trạng bệnh. Cơn đau thường xuất hiện sau ăn hoặc có khi ập tới lúc đang ngủ;
– Chán ăn, ăn không ngon miệng, sút cân đột ngột không rõ nguyên do: Chứng viêm loét dạ dày khiến người bệnh bị đắng miệng, vị giác suy giảm nên ăn mất ngon;
– Rối loạn tiêu hóa: Người bị viêm loét dạ dày có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở nhiều mức độ: ợ chua, ợ hơi, khó tiêu và nặng hơn là tiêu chảy hoặc táo bón;
– Buồn nôn hoặc nôn: Chức năng của dạ dày bị suy yếu do các ổ viêm loét gây tổn thương, việc này làm giảm chức năng tiêu hóa và dẫn tới tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa;
– Mất ngủ: Những cơn đau gây ra bởi vết loét dạ dày có thể xuất hiện về đêm muộn hoặc sáng sớm làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không ngon và khiến người bệnh dễ mất ngủ.
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm dạ dày gây ra
Chủ quan bệnh viêm loét dạ dày, trì hoãn việc điều trị, điều trị không đúng cách,.. là những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh tình thêm trở nặng và tăng nguy cơ biến chứng. 4 biến chứng ở người bệnh viêm loét dạ dày có thể gặp phải như sau:
2.1. Hẹp môn vị
Hẹp môn vị là loại biến chứng viêm dạ dày phổ biến nhất, gây ra tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày đi tới tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Biến chứng này nếu không được xử lý sớm, hậu quả sẽ là dạ dày bị giãn to cùng nhiều biểu hiện khó chịu mà người bệnh thường xuyên gặp phải như:
– Đau bụng dữ dội. Cơn đau dẫn đến dồn dập, liên tục và kéo dài
– Buồn nôn hoặc nôn, thức ăn nôn ra có mùi rất khó chịu do bị ứ đọng quá lâu tại dạ dày.
– Tiêu chảy
– Người mệt mỏi, không còn sức lực, da xanh xao, kém sắc.
2.2. Xuất huyết dạ dày tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng có máu trong ống tiêu hóa chảy từ dạ dày thực quản tới hậu môn. Cụ thể, khi các ổ viêm loét dạ dày xâm lấn vào các mạch máu sẽ dẫn tới chảy máu. Khi đó, người bệnh thường có những biểu hiện nôn ra máu, đi cầu ra máu. Máu ở chất thải có thể có màu đỏ hoặc màu thâm đen.
2.3. Thủng dạ dày
Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm, là một dạng cấp cứu khẩn cần được phẫu thuật nhanh chóng ngay khi các biểu hiện của thủng dạ dày xuất hiện:
– Cơn đau ở vùng thượng vị rất dữ dội. Cảm giác như có dao đâm ở bụng và không có cách nào làm dịu được nó.
– Bụng gồng cứng.
– Cơn đau bắt nguồn từ vùng thượng vị, sau đó sẽ lan ra khắp ổ bụng, lên cả ngực, tới vai và lưng.
– Cảm giác toàn thân mệt mỏi, không còn sức lực, mặt xanh tái, tay chân bủn rủn, người toát mồ hôi lạnh, có thể bị tụt huyết áp.
Người bệnh viêm loét dạ dày khi nhận thấy những dấu hiệu nêu trên có thể khẳng định cao về biến chứng thủng dạ dày. Lúc này, người bệnh cần được đưa ngay tới bệnh viện để kịp thời chữa trị nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
2.4. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm và khó lường nhất. Các triệu chứng cảnh báo về ung thư dạ dày thường khá mơ hồ và người bệnh dễ nhầm tưởng với các triệu chứng tiêu hóa thông thường. Điều này lý giải vì sao hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày khi được phát hiện đều đã diễn biến ở giai đoạn nặng.
Chính vì thế, người bệnh nhận thấy các dấu hiệu như đau bụng âm ỉ, chướng bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nôn và chán ăn, người mệt mỏi, sút cân nhanh,… thì cần chủ động thăm khám sớm để tầm soát bệnh một cách tốt nhất.
3. Phòng ngừa biến chứng bệnh viêm dạ dày gây ra
3.1. Chú ý chế độ ăn và thói quen sinh hoạt
Người bệnh bị viêm loét dạ dày hoặc đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần chú ý và thực hiện những yêu cầu sau sẽ tốt trong việc phòng bệnh, cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
– Xây dựng thực đơn khoa học, đủ dinh dưỡng, nắm rõ những thực phẩm nên ăn và nên kiêng;
– Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng và sử dụng rau xanh là nguồn cung cấp chất xơ chính trong các bữa ăn;
– Ăn chín uống sôi;
– Ăn chậm nhai kỹ;
– Không ăn quá no và cũng không được để bụng quá đói;
– Bổ sung men vi sinh từ các loại sữa chua;
– Tránh ăn nhiều đồ có tính chua, cay, nóng;
– Nên ăn đúng bữa;
– Chế độ sinh hoạt lành mạnh:
– Hạn chế căng thẳng lo âu;
– Tránh thức khuya dậy muộn;
– Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi luyện tập hợp lý.
-Vận động điều độ với mức cường độ phù hợp;
– Cẩn trọng khi sử dụng các thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh và các thuốc giảm đau,..
3.2. Thực hiện thăm khám định kỳ
Bên cạnh việc chủ động thăm khám khi phát hiện những triệu chứng tiêu hóa bất thường, người bệnh cũng nên thực hiện thăm khám định kỳ 6 tháng/lần. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt nhất tình trạng trạng bệnh, theo dõi quá trình điều trị và kịp thời ứng phó khi có những vấn đề phát sinh nhất là các trường hợp nguy cơ biến chứng cao.
Bệnh viêm dạ dày nguy hiểm hơn những gì bạn nghĩ. Điều trị bệnh nên được tiến hành càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng, tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh, vận động điều độ và thăm khám định kỳ đều đặn là điều cần thiết với mỗi người bệnh viêm loét dạ dày.