Ung thư vú là bệnh ung thư top 1 phổ biến trong số bệnh ung thư mắc ở nữ giới. Cùng tìm hiểu cụ thể bệnh ung thư vú là gì qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư vú là gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh?
1.1. Bệnh ung thư vú là gì?
Ung thư vú là loại bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) được phát hiện trong các mô của vú. Những tế bào này thường phát sinh từ các ống dẫn hoặc tiểu thùy ở vú, sau đó có thể lây lan sang các mô, cơ quan và các bộ phận khác của cơ thể.
Theo Bộ Y tế, cứ 10 phụ nữ Việt thì một người có nguy cơ bị ung thư vú, tỷ lệ được xem là quá cao. Trong đó, chỉ có 39,6% người bệnh được phát hiện trong giai đoạn sớm, có tới 60,4% bệnh nhân đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
1.2. Nguyên nhân bệnh ung thư vú là gì?
– Cụ thể nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vú hiện nay chưa được kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, có thể điểm quan một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
– Phụ nữ từ 30 tuổi
– Từng tiếp xúc với bức xạ
– Người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú
– Béo phì
– Có kinh sớm và mãn kinh muộn
– Sinh con đầu lòng muộn hoặc không sinh con
– Sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
– Uống rượu, hút thuốc lá, béo phì
– Chế độ ăn uống thiếu khoa học
1.3. Triệu chứng điển hình của bệnh lý ung thư vú
– Đau tức ngực: Khối u có nhiều kích thước khác nhau, có thể là khối u đơn lẻ, hay các khối u nằm rải rác phía sau núm vú hoặc ở một trong các ống dẫn sữa. Tất cả đều làm đẩy mô vú, gây cảm giác đau, sưng và khó chịu ở ngực.
– Liên tục ngứa và phát ban xung quanh núm vú: Triệu chứng này, chủ yếu liên quan tới ung thư vú dạng viêm, và thường bị bỏ qua.
– Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường từ núm vú: bệnh nhân ung thư vú có thể bị tiết dịch như chảy mủ, dịch máu hoặc dịch vàng chanh.
– Núm vú thay đổi hình dạng, núm vú bị kéo vào hoặc thụt vào, da núm vú dày lên: Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú, bạn có thể cảm nhận được những thay đổi nhất định như núm vú có thể dẹt hơn, thụt vào trong, hay tiết dịch từ núm vú, có thể lẫn kèm máu. Da của núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm.
– Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách: hạch bạch huyết có thể là nguyên nhân của bệnh cảm cúm, nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng cánh tay kéo dài trong một tuần mà không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
2. Điều trị bệnh ung thư vú thế nào để đạt hiệu quả?
2.1. Nguyên tắc điều trị bệnh
Điều trị ung thư vú bằng phương pháp nào cần phụ thuộc vào các yếu tố đánh giá riêng đối với từng bệnh nhân đó là: Giai đoạn bệnh, vị trí, kích thước khối u, sức khỏe, mong muốn của bệnh nhân… Sau đó bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ đa mô thức, kết hợp các phương pháp vào từng thời điểm khác nhau sao cho điều trị bệnh đạt hiệu quả nhất.
2.2. Các phương pháp điều trị và những lưu ý cần thiết
Các phương pháp sử dụng trong điều trị bệnh ung thư vú hiện nay gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu, liệu pháp hormone, điều trị nhắm trúng đích. Mỗi phương pháp sẽ có những điểm mạnh và hạn chế khác nhau, vì thế tuân thủ phác đồ điều trị, đảm bảo thực hiện đúng liệu trình người bệnh sẽ có cơ hội loại bỏ được tế bào ung thư.
Và để cơ thể có thể theo được tiến trình điều trị mà không bị gián đoạn, người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng nên chú ý giúp người bệnh có tinh thần thoải mái nhất, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể theo lời khuyên của bác sĩ. Bởi khi mắc ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung bệnh nhân đều gặp những triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân nghiêm trọng… Vì thế đảm bảo cơ thể đủ sức khỏe để duy trì điều trị là một yếu tố rất quan trọng.
Và điều lưu ý cuối cùng cho bệnh nhân ung thư vú khi lựa chọn điều trị là nên đến các bệnh viện đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn cao, bệnh nhân được chăm sóc theo dõi sát sao, nghỉ ngơi trong không gian thoải mái, được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, từ đó đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả hơn.
3. Phòng ngừa ung thư vú – Căn bệnh nguy hiểm của chị em phụ nữ
– Khám sàng lọc ung thư vú, và kiểm tra sức khỏe định kỳ mang đến lợi ích cao trong việc phát hiện dấu ấn ung thư sớm và điều trị hiệu quả hơn cho. Bởi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 thì cơ hội sống sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú có thể lên đến hơn 92%. Tuy nhiên con số ngày sẽ giảm đi khi phát hiện mắc bệnh ở các giai đoạn cao hơn, chỉ khoảng 85% đối với giai đoạn 2 và 67% đối với bệnh giai đoạn 3.
– Tăng hiểu biết về bệnh ung thư vú bằng cách đọc nhiều thông tin, tự khám vú tại nhà nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu liên quan đến bệnh.
– Xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học, lành mạnh bằng cách: Sử dụng chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, đồ uống có gas, chất béo chuyển hóa… Cân nhắc việc điều trị hormone ở giai đoạn mãn kinh, và lưu ý sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Hiểu về bệnh ung thư vú là gì cùng các thông tin cần thiết liên quan giúp người bệnh chủ động trong việc phòng và đối phó đúng cách với bệnh. Theo khuyến cáo, phụ nữ từ 25 tuổi nên chủ động tự khám vú thường xuyên và chủ động thăm khám vú định kỳ.