“Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?” là thắc mắc của nhiều người trong lần đầu được chẩn đoán mắc chứng bệnh nội tiết này. Theo bác sĩ TCI, mức độ nguy hiểm của bệnh tuyến giáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh, sinh sản, tiêu hóa…
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh tuyến giáp phổ biến
Tuyến giáp có hình dạng giống như cánh bướm, nằm phía trước cổ là tuyến nội tiết đóng vai trò quan trọng sản xuất các hormone tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Hoạt động của tuyến giáp cũng chịu ảnh hưởng bởi vùng hạ đồi và tuyến yên, thông qua hormone kích thích tuyến giáp.
Mọi bất thường xảy ra tại tuyến giáp hoặc tuyến điều khiển hoạt động của tuyến giáp đều có thể dẫn đến các bệnh lý, phổ biến như:
– Bệnh suy giáp: tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone phục vụ nhu cầu của cơ thể.
– Bệnh cường giáp: tình trạng tăng tiết quá mức hormone dẫn đến cơ thể tăng trưởng bất thường.
– Viêm tuyến giáp: tình trạng vi khuẩn hoặc virus xâm nhập gây tổn thương viêm tại tuyến giáp.
– U tuyến giáp lành tính: tình trạng xuất hiện khối u vùng cổ trước, gây thay đổi nội tiết tố và/hoặc chèn ép các cơ quan lân cận.
– Ung thư tuyến giáp: là tình trạng nghiêm trọng của tuyến giáp, đặc trưng bởi khối ác tính có khả năng dẫn tới tử vong khi không được điều trị kịp thời.
2. Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?
Hầu hết mọi người cho rằng bệnh tuyến giáp không gây nguy hiểm trực tiếp, do đó thường có xu hướng trì hoãn thăm khám và điều trị. Tuy nhiên trên thực tế, các bệnh lý này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hầu hết các chức năng, bộ phận quan trọng của cơ thế, khiến sức khỏe người bệnh suy giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
2.1 Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không – biến chứng về tim mạch
Đây là biến chứng thường thấy ở các bệnh nhân mắc cường giáp hoặc suy giáp. Người bệnh bị cường giáp thường có các biểu hiện rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, rung nhĩ, về lâu dài có thể dẫn đến suy tim. Trong trường hợp bị suy giáp, nồng độ cholesterol trong máu tăng cao, người bệnh có thể gặp phải tình trạng xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí suy tim sung huyết.
2.2 Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không – ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Các hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng phát dục của cơ thể. Do đó, các rối loạn hormone tại tuyến này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản.
Ở nữ giới, bệnh biểu hiện bởi tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (tắc kinh hoặc vô kinh) và rối loạn chu kỳ rụng trứng (trứng rụng muộn hoặc không rụng). Trong khi đối với nam giới, lượng tinh trùng sản xuất có thể bị giảm số lượng và chất lượng. Điều này gây khó khăn cho quá trình thụ thai.
Ngoài ra, với phụ nữ mang thai, mắc bệnh tuyến giáp còn tiềm ẩn nguy cơ sinh non, sảy thai, thai nhi bị dị tật… Trẻ sinh ra bởi mẹ mắc bệnh tuyến giáp cũng có khả năng cao mắc suy giáp bẩm sinh. Một số trường hợp trẻ được sinh ra nhưng có thể bị đần độn, gặp các vấn đề liên quan đến thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển và cuộc sống sinh hoạt của trẻ sau này.
2.3 Các vấn đề về thần kinh
Hệ thống thần kinh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các bất thưởng tại tuyến giáp. Người bệnh bị tê ngứa, nóng rát tại các chi hoặc nhiều nơi trên cơ thể. Với trường hợp suy giáp, bệnh còn có thể khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái nặng nề, trầm cảm. Trong khi cường giáp gây ra các triệu chứng căng thẳng, lo âu.
Người bệnh có các vấn đề về tâm lý, tâm thần không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những hành vi tự làm hại chính mình.
2.4 Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Tuyến giáp hoạt động ổn định làm tăng nhu động ruột, nhờ đó thức ăn có thể di chuyển qua đường tiêu hóa và được hấp thụ. Người mắc tuyến giáp có thể găp có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón.
2.5 Biến chứng liên quan đến xương khớp
Hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể đạt được khối lượng xương tối đa vào tuổi trưởng thành. Người bệnh mắc suy giáp hay cường giáp đều có thể gặp các vấn đề về xương cấp như thiếu xương, loãng xương…
3. Các phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp
Tùy thuộc vào loại bệnh tuyến giáp người bệnh mắc phải, ảnh hưởng của bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị tối ưu.
4.1 Điều trị nội khoa bệnh lý tuyến giáp
Tùy theo vấn đề người bệnh gặp phải là tăng tiết hormone tuyến giáp hay giảm tiết hormone tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp như: thuốc thay thế hormone, thuốc kháng giáp, thuốc chẹn beta…
-Thuốc uống thay thế hormone thường được sử dụng cho bệnh nhân suy giáp. Đối với bệnh nhân suy giáp do phẫu thuật cắt tuyến giáp, liệu trình thuốc có thể kéo dài suốt đời.
-Thuốc kháng giáp được sử dụng để điều trị bệnh cường giáp nhờ khả năng ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tuy nhiên có những tác dụng phụ đáng lưu ý trong quá trình điều trị cường giáp nên người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc chẹn beta có thể phối hợp cùng thuốc kháng giáp trong điều trị cường giáp. Thuốc không có khả năng điều trị bệnh nhưng có thể kiểm soát ảnh hưởng của triệu chứng.
4.2 Đốt sóng cao tần RFA
Là phương pháp sử dụng máy đốt sóng cao tần để phá hủy mô bệnh. Bác sĩ thực hiện bằng cách đưa một đầu kim siêu nhỏ (3-5mm) qua da, tác động trực tiếp vào mô mục tiêu. Dòng điện xoay chiều từ máy đốt sóng tạo ra nhiệt lượng cao sẽ làm mất nước tế bào, khiến khối thu hẹp kích thước nhỏ dần rồi biến mất.
Đốt sóng cao tần thường được chỉ định trong các trường hợp: nhân giáp phát triển gây chèn ép các cơ quan lân cận, khiến người bệnh nuốt khó, khó thở; nhân nóng tuyến giáp gây cường giáp; ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm…
4.3 Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Phẫu thuật tuyến giáp là phương pháp điều trị đối với những bệnh nhân có tuyến giáp lớn, gặp các vấn đề nghiêm trọng do tăng tiết hormone hoặc không đạt được hiệu quả khi áp dụng các phương pháp điều trị khác.
4.4 Sử dụng iod phóng xạ trong điều trị bệnh tuyến giáp
Người bệnh sẽ được uống một lượng nhỏ iod phóng xạ (thường là I-131) theo chỉ định của bác sĩ. Phương pháp này thường được áp dụng để làm giảm các triệu chứng cường giáp hoặc giảm kích thước tuyến giáp quá to. Iod phóng xạ cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp sót lại sau phẫu thuật tuyến giáp nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh.
Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc “Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?” Do các bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, hoạt động của cơ thể nên người bệnh không nên chủ quan. Hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra tuyến giáp định kỳ cũng như phát hiện các bệnh lý tuyến giáp, giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.