Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, nhồi máu cơ tim là tình trạng vùng mô cơ tim bị hoại tử do bị mất nguồn cung cấp máu. Đây là một trong những biến chứng của bệnh mạch vành. Ở Việt Nam, cứ 10 bệnh nhân nhập viện lại có 1 trường hợp do nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không đến nay vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh nhồi máu cơ tim nguy hiểm như thế nào?
Có thể khẳng định nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời bằng những biện pháp phù hợp trong “thời gian vàng”.
Các thống kê cho thấy, tỉ lệ tử vong vì bệnh nhồi máu cơ tim chiếm 30% số trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch. Tỉ lệ tử vong sớm ở phụ nữ cao hơn 45% so với nam giới.
Nếu được cứu sống kịp thời thì 80% người bệnh sống được trên 1 năm, 61,6% sống được trên 5 năm và 46,2% có thể sống được trên 10 năm. Khoảng 13% nam giới và 40% nữ giới tái phát bệnh trong vòng 5 năm.
Nếu không có các biện pháp dự phòng hiệu quả sau cấp cứu, người bệnh có nguy cơ rất cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
2. Các biến chứng do nhồi máu cơ tim cơ tim gây ra
2.1 Rối loạn nhịp tim – Biến chứng nhồi máu cơ tim phổ biến nhất
Biến chứng này xuất hiện trên 90% người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Biến chứng thường xuất hiện trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh. Nếu sau 48 giờ mà tình trạng này vẫn còn thì dễ dẫn đến đột tử bất cứ lúc nào.
Các dạng rối loạn nhịp tim thường gặp do nhồi máu cơ tim là:
– Rối loạn nhịp trên thất bao gồm nhịp chậm xoang, nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh kịch phát, rung nhĩ…
– Rối loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất, rung thất…
2.2 Các block nhĩ thất
Biến chứng này thường xảy ra rất đột ngột và có khả năng gây tử vong cao. Phổ biến nhất là block tim hoàn toàn, nhịp tim rất chậm kiểu nhịp thoát thất.
2.3 Tim suy cấp – Biến chứng nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Người bệnh dễ gặp phải di chứng này khoảng 2 tuần kể từ khi phát bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp nhồi máu cơ tim tái phát. Khi bị suy tim cấp, bệnh nhân có nguy cơ trụy mạch rất cao, cùng các biểu hiện như huyết áp tụt, mạch yếu đập nhanh, vã mồ hôi.
Nếu bị suy tim trái, bệnh nhân sẽ có triệu chứng thở khó kịch phát, mạch đập nhanh, phổi phù cấp…
2.4 Vỡ tim
Là hiện tượng máu ở thất trái tràn ra khỏi màng tim gây trụy tim dẫn tới tử vong. Khoảng 10% số ca vỡ tim xảy ra sau tuần 2 kể từ khi phát bệnh.
2.5 Thuyên tắc do huyết khối
Các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim có thể di chuyển đến các cơ quan lân cận như phổi, các động mạch ngoại biên gây tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng các cơ quan này. Nếu huyết khối di chuyển xa hơn đến não, bệnh nhân có thể bị đột quỵ, Tình trạng sẽ tồi tệ hơn nếu người bệnh nằm quá lâu hoặc lạm dụng thuốc lợi tiểu.
2.6 Suy bơm
Là tình trạng giảm đáng kể khả năng bơm máu của tim. Mức nặng nhất của suy bơm là “sốc do tim”. Người bệnh có thể tụt huyết áp kèm theo thiểu niệu, vô niệu, rối loạn ý thức, đầu chi nhợt, lạnh ẩm, toan huyết, thở từng đợt ngắt quãng.
2.7 Đột tử do nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Trong các biến chứng sớm, đột tử là biến chứng nặng nề nhất. Có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử. Biến chứng này có thể xảy ra do các biến chứng khác nhau sau nhồi máu cơ tim như vỡ tim, rối loạn nhịp tim, sốc do tim, thuyên tắc phổi khối lớn, thuyên tắc mạch vành ngay ở đoạn thân chung động mạch vành trái.
2.8 Phình thành thất/giả phình thành thất
Biến chứng này thường xảy ra với biểu hiện suy tim hay tắc mạch chủ. Vách ngăn phình to có thể bị thủng nếu áp lực máu quá lớn.
2.9 Hở van hai lá
Thường xảy ra trong tuần lễ đầu sau khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim.
2.10 Hội chứng bả vai – bàn tay
Biến chứng này thường xuất hiện tuần từ 6 – 8 sau phát bệnh. Nguyên nhân là do viêm thoái hoá và xơ hóa vùng khớp. Biểu hiện là vai lẫn cổ tay, bàn tay đau nhức.
2.11 Hội chứng Dressler
Còn được gọi là hội chứng sau nhồi máu cơ tim, thường xảy ra tuần thứ 3 – 10 sau tổn thương tim hay phẫu thuật màng ngoài tim.
2.12 Hội chứng viêm màng tim
Khoảng 3 – 4 % số trường hợp nhồi máu cơ tim gặp phải tình trạng viêm màng tim với những biểu hiện đau sau vùng xương ức; đau nhiều khi thở, vận động, ho, giảm khi ngồi hay cúi về phía trước.
3. Cần làm gì để hạn chế sự nguy hiểm của nhồi máu cơ tim?
3.1 Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là biến chứng nặng nhất của bệnh mạch vành. Vì thế, nếu mắc bệnh mạch vành, bạn cần điều trị sớm và tích cực để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành nhồi máu cơ tim. Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa, can thiệp phẫu thuật và thay đổi lối sống.
3.2 Khi xảy ra nhồi máu cơ tim
Các bằng chứng cho thấy càng được cấp cứu sớm thì người bệnh càng có cơ hội được cứu sống và ít phải đối mặt với những biến chứng của bệnh.
Vì thế, ngay khi thấy bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu của suy tim, bạn cần gọi cấp cứu ngay để được cứu chữa kịp thời. Các triệu chứng đó là:
– Đau thắt ngực dữ dội, kiểu bị bóp nghẹt sau vùng xương ức rồi lan rộng tới vai trái, tay trái; đau buốt tận cùng đến ngón áp út lẫn ngón út. Những cơn đau đột ngột, thường kéo dài quá 20 phút, không thấy thuyên giảm khi dùng giảm đau. Cảm giác đau nhiều có những lúc lan tới cổ, tới cằm, rồi vai, tay, và cả sau lưng.
– Vã nhiều mồ hôi
– Thở khó
– Buồn nôn hoặc nôn
– Giảm trí nhớ
– Da tái nhợt
– Tay chân lạnh bất thường
Đối với những người mắc đái tháo đường, huyết áp cao, người bệnh sau mổ, cần theo dõi sát sao vì đây là những đối tượng có khả năng cao bị nhồi máu cơ tim nhưng lại không biểu hiện triệu chứng.
3.3 Điều trị dự phòng sau nhồi máu cơ tim
Sau cấp cứu, các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần được điều trị bảo tồn và phục hồi một cách tích cực để ngăn ngừa tái phát và giảm các biến chứng gần cũng như biến chứng xa. Các phương pháp điều trị dự phòng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân sau nhồi máu. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn này để giảm thiểu những nguy hiểm do nhồi máu cơ tim gây ra.
Đến đây, hi vọng bạn đã biết được nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không và làm thế nào để giảm được mức độ nguy hiểm của biến cố này.