Nang thanh quản hiện nay không hiếm gặp với biểu hiện đặc trưng là gây nên tình trạng khàn tiếng. Nhiều người khi bị nang thanh quản cảm thấy lo lắng không biết có gây hại gì tới sức khỏe hay không. Để tìm hiểu vấn đề này, hãy cũng tham khảo những kiến thức dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nang thanh quản là gì?
Nang thanh quản còn được biết đến với những tên gọi khác như nang nước dây thanh, u nang dây thanh quản. Đặc điểm của nang thanh quản là có hình dạng một bọc nhày hoặc bọc mủ vùng dây thanh, lớp màng của nang có màu trắng đục.
Nang dây thanh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất là độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Hiện nay, bệnh lý này có xu hướng xuất hiện cả ở những người trẻ tuổi, ngay từ 20 tuổi. Nguyên nhân hình thành nang thanh quản hiện nay vẫn chưa được khẳng định chính xác. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố dưới đây có thể làm gia tăng khả năng xuất hiện nang dây thanh, bao gồm:
– Bệnh lý tai mũi họng và đường hô hấp, điển hình là viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản,….
– Người thường xuyên hút thuốc, sử dụng rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
– Người thường xuyên phải nói nhiều, nói trong thời gian dài,.. khiến cho dây thanh rung động liên tục, không có khoảng nghỉ để đàn hồi dẫn đến hình thành dây thanh. Đây cũng là lý do chính khiến tình trạng nang thanh quản có xu hướng nhiều hơn ở một số nghề nghiệp đặc thù như MC, giáo viên, ca sĩ,….
Mặc dù cũng là một dạng u nhú thanh quản, tuy nhiên, nang thanh quản là một dạng u lành tính và về cơ bản sẽ không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, hoàn toàn khác với u thanh quản ác tính như ung thư. Song, bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, giao tiếp của người bệnh. Người bị nang thường bị khàn tiếng, đau vùng thanh quản và mất tiếng nếu nang quá lớn và hai dây thanh không thể khép mở bình thường. Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan mà cần điều trị sớm khi phát hiện bệnh.
2. Các triệu chứng của nang thanh quản
Các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng và khó nhận biết. Tuy nhiên, sau cả một quá trình diễn biến bệnh, người bệnh có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng trong giọng nói của mình. Một số biểu hiện của nang thanh quản ở từng giai đoạn có thể thấy như sau:
Giai đoạn đầu, khi các nang nhỏ: Gần như không có triệu chứng so với người bình thường. Tuy nhiên, người bệnh sẽ nhanh bị khàn giọng và đau rát cổ họng hơn bình thường.
Giai đoạn nang phát triền: Khi u nang phát triển lớn, các triệu chứng dần xuất hiện, thường gặp nhất là các tình trạng sau đây:
– Giọng nói khàn hay khàn tiếng, tình trạng này gia tăng dần mức độ khi các nang phát triển. Thường người bị u nang sẽ cần dùng một lực lớn hơn để nói đủ to so với người bình thường. Cũng chính bởi vậy mà khi bị nang dây thanh, phản ứng gây ho rất dễ kích thích.
– Mất giọng hoặc giọng đôi xảy ra khi nang quá lớn. Người bệnh có thể đột ngột mất giọng hoặc nghe thấy hai giọng nói ở hai cao độ khác nhau.
– Cảm giác đau, vướng cổ. Triệu chứng này cảm giác rõ ràng nhất khi phải nói to, hét, hoặc khi nuốt thức ăn.
– Cơ thể nhanh mệt hơn, thở hụt hơi và đuối sức.
Khi thực hiện nội soi thanh quản, hình ảnh nội soi sẽ cho thấy vị trí của nang dây thanh. Dây thanh có thể là một u u sáng màu ở dây thanh, nếp gấp hoặc thậm chí chỉ là một vệt đỏ.
3. Điều trị nang dây thanh
Khi có những triệu chứng bất thường nêu trên, bạn nên tới cơ sở uy tín để thăm khám để biết mình có bị nang dây thanh hay không. Trong trường hợp phát hiện các nang vùng dây thanh, quá trình điêu trị sẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh.
3.1. Điều trị đối với các nang nhỏ
Khi các nang có kích thước nhỏ, bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc. Việc điều trị này sẽ giúp tiêu viêm, kìm hãm sự phát triển của các nang và khiến các nang này teo nhỏ dần đi. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh những thói quen gây ảnh hưởng xấu tới thanh quản như nói quá nhiều, hét lớn,….
Việc dùng thuốc cần theo chỉ dẫn của bác sĩ, không lạm dụng hoặc không dùng quá liều vì đều sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.
3.2. Điều trị đối với nang lớn
Khi nang dây thanh quá lớn, không thể đáp ứng với điều trị nội khoa thì việc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ u nang là cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và tại bệnh viện đầy đủ trang thiết bị y tế. Lý do bởi một sơ xuất nhỏ trong phẫu thuật đều có thể để lại sẹo thanh quản. Khi để lại sẹo, có thể khiến giọng nói người bệnh bị biến đổi hoàn toàn, hoặc thậm trí không để điều trị triệt để sự xuất hiện nang dây thanh tiếp theo.
Bên cạnh đó, đối với người bệnh phẫu thuật cắt nang dây thanh, cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi về nhà theo dõi sức khỏe và phục hồi, bao gồm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt hằng ngày. Để có giọng nói trở lại như ban đầu, một số người bệnh cần kiên trì với các bài tập trị liệu giọng nói.
4. Phòng ngừa nang thanh quản
Như đã trình bày trước đó, nang dây thanh thường là hậu quả của một loạt các yếu tố tác động như lạm dụng giọng nói, mắc bệnh tai mũi họng,… Vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý này chính là chủ động phòng ngừa từ các yếu tố tác động trên. Cụ thể:
– Bảo vệ thanh quản, hạn chế tối đa việc lạm dụng giọng nói. Không nên nói quá lớn và quá lâu trong một thời gian dài và lặp lại liên tục. Trong trường hợp cần nói to, nói lâu, hãy sử dụng công cụ hỗ trợ khuếch đại âm thanh như mic, loa, … và chăm sóc thanh quản bằng cách uống nước ấm, giữ khoảng nghỉ cho thanh quản,….
– Bảo vệ cơ thể, tránh cách bệnh lý tai mũi họng và đường hô hấp. Nếu không may mắc phải, hãy điều trị dứt điểm, không để bệnh chuyển mạn tính, kéo dài và tái phát,…
– Khi gặp các bất thường về giọng nói, hãy đi khám để phát hiện bệnh nếu có.
Trên đây là một số vấn đề về nang vùng thanh quản. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này để nhận biết sớm, điều trị sớm cũng như phòng ngừa một cách hiệu quả.