Các triệu chứng ung thư phổi rất đa dạng, có tính chất không đặc trưng nên người mắc bệnh khó nhận biết. Một phần bởi những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Một phần do tâm lý chủ quan của người bệnh nên không thực hiện khám định kỳ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về 8 triệu chứng phổ biến của căn bệnh này để có hướng giải quyết kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào trong phổi. Khi các tế bào này phát triển và nhân lên không kiểm soát dẫn tới hình thành khối u. Các khối u này có thể gây chèn ép các mô và cơ quan xung quanh.
Ung thư phổi cũng là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Một số nguyên nhân làm tăng yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh này bao gồm:
– Hút thuốc lá: Những người có thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 – 30 lần so với những người không hút thuốc. Nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao khi số lượng hút thuốc lá càng nhiều và thời gian hút càng lâu.
– Tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 2 – 3 lần so với người không tiếp xúc.
– Ô nhiễm không khí: Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm do khói bụi có thể làm tăng cao nguy cơ mắc ung thư phổi.
– Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người từng mắc ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
– Mắc một số bệnh lý nhất định: Với những người mắc một số bệnh lý như xơ nang, tim bẩm sinh, ung thư vú, viêm phế quản mạn tính… cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
2. Triệu chứng ung thư phổi cần được lưu tâm
2.1. Ho và ho kéo dài là triệu chứng ung thư phổi thường gặp
Ho là một triệu chứng ung thư phổi thường gặp, có khoảng 80% người bệnh mắc ung thư phổi đều có biểu hiện ho (ho khan hoặc ho có đờm). Nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu, tuy nhiên nếu ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng điều trị cần lưu ý kiểm tra sớm.
2.2. Đau vai, tay và các ngón tay
Khối u ở phổi phát triển sẽ xâm lấn các tổ chức xung quanh, gây chèn ép vào dây thần kinh ở vùng ngực, vai, bụng và tay dẫn tới tình trạng đau nhức. Các khối u ở vùng này có thể gây ra những triệu chứng khác như sụp mi mắt, nóng bừng và đỏ nửa bên mặt cùng bên với khối u.
2.3. Khó thở là triệu chứng ung thư phổi cần chú ý
Tình trạng khó thở cũng là một triệu chứng ung thư phổi. Cảm giác khó thở sẽ thường xuất hiện ở giai đoạn bệnh không còn sớm và sau khi leo cầu thang hay làm những công việc trước đây thực hiện dễ dàng. Đôi khi, người bệnh có thể xuất hiện thêm tình trạng thở khò khè, nặng nhọc.
2.4. Đau ngực
Khi ung thư phổi đã di căn tới thành ngực, gây sưng các hạch bạch huyết ở khu vực này thì người bệnh có thể bị đau nhức ở vùng ngực, lưng và vai. Đau ngực do ung thư phổi sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi ho, cười hoặc hít thở sâu.
Những cơn đau ngực này có thể mang tính chất liên tục, âm ỉ hoặc thi thoảng xảy ra. Bạn cần theo dõi cơn đau ngực này xảy ra tại một điểm hay là lan tỏa trên toàn bộ khoang ngực. Cơn đau ngực do ung thư phổi sẽ dẫn tới phản ứng khó chịu tại các hạch bạch huyết.
2.5. Khàn giọng
Khàn tiếng thường là dấu hiệu của cảm lạnh thông thường và sẽ khỏi dần sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài từ 2 tuần trở lên thì đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp bất thường.
2.6. Đau nhức đầu cũng là triệu chứng ung thư phổi
Khi khối u chèn ép lên tĩnh mạch chủ sẽ gây ra hiện tượng đau nhức đầu. Đây là loại tĩnh mạch lớn đóng vai trò vận chuyển máu từ phần trên cơ thể về tim. Với sức ép của khối u sẽ gây ra tình trạng đau đầu và đau nửa đầu thường xuyên cho người bệnh. Bên cạnh đó, triệu chứng này cũng là một dấu hiệu cảnh báo các tế bào ung thư phổi đã di căn tới não.
2.7. Thường xuyên bị nhiễm trùng
Căn bệnh ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản… Nếu đối tượng nào bị nhiễm trùng phổi mạn tính nên thực hiện kiểm tra sớm để xác định nguy cơ ung thư phổi sớm.
2.8. Sụt cân bất thường
Đối với những trường hợp sụt cân nhanh chóng một cách bất thường mà không có nguyên nhân cụ thể, không có sự liên quan tới việc cắt giảm khẩu phần ăn thì có thể là do ung thư gây ra.
3. Nhóm đối tượng cần tầm soát ung thư phổi sớm
Đa số những người mắc ung thư chỉ đi khám khi những triệu chứng bất thường này nặng, không thuyên giảm. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ thì hiệu quả điều trị bệnh thành công sẽ rất cao. Vì vậy, những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dưới đây cần chủ động tầm soát sớm:
– Người có tiền sử hút thuốc lá từ 20 năm trở lên.
– Người trên 50 tuổi và có thời gian hút thuốc lá trên 10 năm.
– Người vẫn đang hút thuốc hoặc mới bỏ thuốc trong vòng 15 năm.
– Người từng mắc ung thư phổi và đã được điều trị từ 5 năm trở lên.
– Gia đình có người mắc ung thư (ung thư phổi hoặc ung thư bất kỳ) khởi phát trước tuổi 60.
– Người làm việc thường xuyên trong môi trường chứa nhiều khói, bụi, phóng xạ.
– Người tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng là đối tượng cần chủ động sàng lọc sớm.
Có thể thấy, cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư phổi là chủ động tầm soát ung thư định kỳ. Qua đó, bạn sẽ được chẩn đoán, kịp thời nhận diện những bất thường trong cơ thể để điều trị sớm và bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang là địa chỉ tầm soát sức khỏe được rất đông người dân tin tưởng và lựa chọn. Việc đầu tư đồng bộ về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ hiện đại của TCI giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán và cho kết quả chính xác cao. Bên cạnh đó, bạn sẽ được thăm khám, điều trị bởi đội ngũ bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm và tận tụy vì người bệnh.