Mắt bị đỏ một bên nhưng không đau không phải là hiện tượng hiếm gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên hiện tượng này đa số không gây nguy hiểm nhiều tới mắt. Nguyên nhân của đỏ mắt có thể do tác động từ bên ngoài môi trường hoặc do mắc bệnh lý về mắt. Vậy mắt bị đỏ nhưng không đau là dấu hiệu bạn mắc bệnh gì? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu 6 nguyên nhân mắt bị đỏ một bên nhưng không đau qua bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Top 6 nguyên nhân gây đỏ mắt một bên mà không gây đau
Hiện tượng mắt bị đỏ một bên thường xảy ra khi các mạch máu bên trong mắt bị giãn nở, dẫn đến việc xuất hiện mạch máu màu đỏ rõ rệt. Điều này thường xảy ra khi mắt tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài có thể gây kích ứng. Tùy thuộc vào mức độ kích ứng, mắt có thể trở nên sưng hơn và đỏ hơn theo thời gian. Thậm chí, mắt đỏ không đau có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe liên quan đến mắt. Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến gây mắt bị đỏ một bên:
1.1 Mắt đỏ một bên do dị ứng
Mắt đỏ bị một bên có thể xuất phát từ việc mắt tiếp xúc ngẫu nhiên với các dị nguyên từ môi trường bên ngoài. Ví dụ như bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa, lông động vật (như chó, mèo), hoặc phấn trang điểm. Dù chúng thường được xem là không gây hại, nhưng chúng có thể khiến mắt bị kích ứng. Từ đó, gây ra tình trạng dị ứng mắt với triệu chứng ngứa mắt ở một bên. Khi xảy ra điều này, kết mạc mắt bị tác động, dẫn đến mắt đỏ.
Người bị dị ứng mắt có thể cảm thấy ngứa, bỏng, và thị lực giảm sút. Khả năng cọ xát mắt để giảm ngứa có thể làm tăng tình trạng sưng và đau. Do đó, khi bạn phát hiện mắt đỏ một bên, nên tiến hành vệ sinh mắt và tránh việc cọ xát quá mức để giảm đi cảm giác khó chịu.
1.2 Nguyên nhân gây mắt đỏ: Xước giác mạc
Xước giác mạc là một tình trạng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường không may bị các hạt bụi nhỏ, hạt cát bay vào mắt. Khi bay vào mắt chúng gắn chặt và bám vào bề mặt giác mạc mắt. Ban đầu, cảm giác ngứa ngáy sẽ xuất hiện, thúc đẩy chúng ta cọ mắt nhiều hơn. Khi cọ mắt nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mắt đỏ. Nếu việc cọ xát mắt quá mức, giác mạc có thể bị xước.
Tình trạng này thường đi kèm với cảm giác mắt nóng, kích ứng, chảy nước mắt không kiểm soát. Thậm chí thị lực giảm đột ngột. Khi xước giác mạc kéo dài, nó có thể gây sưng và đau mắt, và tiềm ẩn các vấn đề khác liên quan đến mắt. Vì vậy, nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mắt, nên thăm bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc.
1.3 Mắt đỏ do viêm kết mạc
Mắt đỏ do viêm kết mạc, trong lĩnh vực y học còn được gọi là đau mắt đỏ. Đây là một tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất ở mắt gây đỏ mắt. Nó xuất phát từ việc vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây ra sự viêm nhiễm của kết mạc. Mặc dù hầu hết các trường hợp đều là nhẹ, nhưng khả năng lây lan nhanh.
Tình trạng đau mắt đỏ một bên là một trong những dấu hiệu thường gặp khi bệnh mới bắt đầu phát triển. Lúc này, bạn có thể thấy mắt bị đỏ một bên và không gây đau. Nếu người bệnh không thực hiện biện pháp vệ sinh và bảo vệ mắt đúng cách, sau 24-48 giờ, bệnh có thể lây sang mắt còn lại. Mắt đỏ do viêm kết mạc thường không gây đau lúc mới chớm bị. Tuy nhiên, hay đi kèm với cảm giác ngứa, bốc hỏa, sưng, tiết mắt tăng, và nước mắt chảy không kiểm soát.
1.4 Mắt đỏ do kích ứng từ việc sử dụng kính áp tròng
Kính áp tròng được đặt trực tiếp trên mắt nên cần tuân thủ vấn đề vệ sinh. Nhiều người hay có thói quen đeo kính áp tròng qua đêm hoặc vệ sinh hàng ngày kém. Tuy nhiên, điều này có thể tạo điều kiện cho việc phát triển các vấn đề nghiêm trọng về mắt. Điển hình phải kể đến có tình trạng kích ứng mắt đỏ một bên.
Ngoài ra, vệ sinh không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và mắt đỏ. Vì vậy, bạn nên tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về vệ sinh và sử dụng kính áp tròng. Trước khi quyết định sử dụng kính áp tròng, bạn nên tìm hiểu kỹ rằng mình có đáp ứng yêu cầu không.
1.5 Mắt đỏ do hội chứng khô mắt
Bệnh khô mắt là tình trạng xảy ra khi sự cân bằng giữa sản xuất dịch mắt và thoát dịch mắt bị mất. Hiện tượng này phổ biến trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong số những người làm công việc văn phòng. Bởi họ thường xuyên tiếp xúc với máy tính, mắt căng thẳng do phải làm việc liên tục mà không được nghỉ ngơi đều đặn.
Khô mắt có thể dẫn đến mắt đỏ một bên mà không gây ra cảm giác đau. Nó thường đi kèm với nóng, khô, rát, ngứa như có cát, hoặc cảm giác như có bụi vương trong mắt, gây khó chịu. Tình trạng khô mắt kéo dài có thể ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe chung của mắt, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt.
1.6 Mắt đỏ do xuất huyết dưới kết mạc
Mắt đỏ một bên có thể xuất phát từ việc xuất huyết dưới kết mạc mà không gây đau. Khi xuất hiện tình trạng này, mắt có vẻ đỏ như có một vết bầm màu đỏ. Thường xảy ra nhiều nhất ở:
– Những người mới trải qua chấn thương ở mắt hoặc xung quanh khu vực mắt.
– Những người thường xuyên hoạt động bơi lội, người làm việc quá sức.
– Hoặc người có tiền sử về rối loạn đông máu, cũng như người đang sử dụng thuốc chống đông máu.
Thường thì xuất huyết dưới kết mạc sẽ tự giảm đi và hết sau khoảng 2 tuần. Bạn không cần phải áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị cụ thể nào, chỉ cần duy trì vệ sinh mắt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc cảm thấy không thoải mái, bạn nên thăm khám và tư vấn từ bác sĩ.
2. Có khả năng mắt đỏ một bên lây sang mắt thứ 2 không?
Khi bạn xác định nguyên nhân gây mắt đỏ một bên, bạn sẽ biết liệu tình trạng này có thể lây sang mắt còn lại hay không. Phần lớn các nguyên nhân thông thường đã được nêu trên không có khả năng lây sang mắt thứ 2. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc và bảo vệ mắt, có thể dẫn đến mắt đỏ cả hai bên.
Mắt đỏ một bên mà không đau có khả năng lây sang mắt thứ 2 thường là đau mắt đỏ. Bệnh này thường do virus hoặc vi khuẩn tấn công và có khả năng lây truyền cao. Hầu hết người đau mắt đỏ ban đầu thấy triệu chứng ở một bên mắt duy nhất. Tuy nhiên đau mắt đỏ sau đó lan ra mắt thứ 2 chỉ sau một hoặc hai ngày.
Khi bạn phát hiện mắt bị đỏ một bên mà không biết nguyên nhân, việc chăm sóc kỹ càng cho mắt đó và đồng thời quan tâm và theo dõi mắt còn lại là rất quan trọng. Vệ sinh cho cả hai mắt đỏ cần được thực hiện cẩn thận và tách biệt nhau. Cụ thể bằng cách sử dụng riêng nước, nước muối sinh lý cũng như khăn mặt. Sau khi vệ sinh mắt bị đỏ, bạn cần rửa sạch tay trước khi chuyển sang vệ sinh mắt khác.
Hy vọng những thông tin về 6 nguyên nhân mắt bị đỏ một bên nhưng không đau hữu ích cho bạn đọc. Trước mọi dấu hiệu nghi ngờ đến đau mắt đỏ, bạn cần đi khám và điều trị sớm tại bệnh viện mắt.