Các bệnh lý về đường hô hấp thường gia tăng trong giai đoạn thời tiết giao mùa nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Điểm danh 6 bệnh lý thường gặp ở cả đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới cùng triệu chứng cụ thể để nhanh chóng nhận biết và có phương án xử lý đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh lý đường hô hấp trên thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh
1.1. Bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm gây ra bởi virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae. Virus cúm được chia thành 3 thể A, B và C tương ứng với cúm A, B và C. Bệnh cảm cúm có mức độ lây truyền rất nhanh, tùy từng loại có thể gây thành dịch hoặc đại dịch. Thông thường, cảm cúm thường diễn biến nhẹ và phục hồi trong vòng 2-7 ngày.
– Triệu chứng: Sốt, đau đầu, mỏi cơ, sổ mũi, đau họng, ho nhiều. Ở trẻ em có thể kèm theo triệu chứng đường tiêu hóa như nôn, tiêu chảy.
– Con đường lây nhiễm: Lây qua đường hô hấp (đường mũi họng) và qua môi trường không khí (khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi bắn ra các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Người không mắc bệnh tiếp xúc với giọt bắn mang virus sẽ bị lây bệnh).
– Thời gian ủ bệnh: Thường ủ bệnh từ 1-4 ngày rồi kéo dài tới 7 ngày hoặc dài hơn nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
1.2. Bệnh viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh
Xoang là những hốc rỗng có chứa đầy không khí, nằm ở phía sau xương gò má và trán bao gồm: xoang trán, xoang bướm, xoang sàng, xoang hàm.
Viêm xoang xảy ra khi gặp nhiễm trùng màng niêm mạc lót trong lòng các xoang, thường gây ra bởi nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc các phản ứng dị ứng. Khi đó, trong xoang sẽ có mủ và dịch viêm ứ đọng do không thoát được ra ngoài làm thu hẹp đường kính các lỗ xoang, lâu dần sẽ dẫn tới phù nề, viêm nhiễm lớp niêm mạc.
– Triệu chứng viêm xoang: Đau nhức tại vùng xoang viêm, chảy dịch liên tục, nghẹt mũi, điếc mũi. Ngoài ra, người bệnh viêm xoang còn có thể gặp triệu chứng đau đầu, sốt, đau xung quanh vùng mắt, cảm giác chóng mặt, choáng váng.
– Viêm xoang có 2 dạng chính: Viêm xoang thể cấp tính và viêm xoang thể mạn tính.
– Con đường lây nhiễm: Viêm xoang là bệnh lý hầu như không có tính chất lây nhiễm, nhưng nguyên nhân gây viêm xoang thì có thể lây truyền. Cụ thể, viêm xoang thể cấp tính do nhiễm virus cúm, rhinovirus, parainfluenza… Các loại virus này có thể lây truyền qua tiếp xúc với phần dịch tiết của người bệnh.
1.3. Viêm thanh quản ở người lớn
Viêm thanh quản gồm 2 thể cấp tính và mạn tính.
Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn gây ra bởi virus, là tình trạng viêm xuất tiết niêm mạc thanh quản. Bệnh thường gặp nhiều vào mùa lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết thất thường.
– Triệu chứng viêm thanh quản cấp tính: Mệt mỏi, cảm giác gai rét hoặc ớn lạnh, tiếng nói khàn hoặc bị mất tiếng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể sốt nhẹ, ho, nuốt vướng, đau họng.
Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản bị tái đi tái lại nhiều lần. Quá trình này dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc bị teo niêm mạc thanh quản.
– Triệu chứng viêm thanh quản mạn tính: Nuốt vướng nhẹ, khó nói, khó cắt cao giọng, khó hát, khàn tiếng và dần mất tiếng. Một số trường hợp có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng, cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ tại vùng thanh quản.
2. Các bệnh lý đường hô hấp dưới thường gặp khi trời chuyển lạnh
2.1. Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm ở niêm mạc ống phế quản. Viêm phế quản chia thành 2 thể là viêm cấp tính và viêm mạn tính:
– Viêm phế quản cấp tính: Tình trạng viêm ở giai đoạn cấp tính xảy ra ở lớp niêm mạc phế quản nhưng chưa có sự tổn thương. Nguyên nhân gây viêm phế quản thể cấp tính thường do nhiễm virus.
– Viêm phế quản mạn tính: Đây là giai đoạn tiến triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn mạn tính, ống phế quản liên tục bị kích thích đến tới các biến chứng bệnh nguy hiểm (đặc biệt là biến chứng phổi tắc nghẽn mạn tính)
– Triệu chứng viêm phế quản: Ho, sốt, thở khò khè.
2.2. Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là một loại bệnh phổi phổ biến thường do nhiễm virus gây ra. Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh gặp phải trong những tháng mùa đông khi thời tiết trở lạnh.
Trong một số trường hợp nếu người bệnh có vấn đề về sức khỏe cơ bản hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh đẻ non thì bệnh tình có thể trở nên nghiêm trọng và người bệnh phải nhập viện ngay.
– Triệu chứng: Ho có thể kèm theo đờm hoặc không đờm, sốt, viêm long đường hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi, thở khò khè, thở nhanh, trẻ biếng ăn.
2.3. Viêm phổi là bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh
Bệnh viêm phổi là tình trạng viêm các phế nang trong phổi do một nguyên nhân bất kỳ gây ra. Bệnh viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hoặc tại một vài vùng. Nguy hiểm hơn là viêm phổi xuất hiện ở toàn bộ phổi.
Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, do nấm, do môi trường ô nhiễm, khói bụi hay hít nhiều khói thuốc, hóa chất độc hại,…
– Triệu chứng bệnh viêm phổi: Tức ngực, khó thở, người bệnh mệt mỏi bị suy nhược, thân nhiệt luôn ở ngưỡng cao không giảm, có thể bị nôn mửa, tiêu chảy không không kiểm soát.
3. Phòng bệnh đường hô hấp khi trời chuyển lạnh
Bạn có thể lưu ý và thực hiện các biện pháp dưới đây sẽ giúp phòng tránh hiệu quả các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi trời trở lạnh.
– Giữ cơ thể đủ ấm khi trời lạnh nhất là vùng cổ, ngực, tay và gan bàn chân;
– Tắm, gội đầu bằng nước ấm trong phòng kín gió, không tắm muộn, tắm xong phải lau khô người ngay rồi mặc quần áo sạch;
– Tránh dùng quạt máy, điều hòa lạnh.
– Sinh hoạt điều độ: ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
– Vệ sinh vùng miệng, họng, mũi đều đặn. Rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9%; Đánh răng sau ăn, trước và sau khi đi ngủ; Rửa tay thật sạch bằng xà phòng.
– Không hút thuốc lá, tránh uống nhiều nước lạnh, có đá. Tăng cường ăn rau xanh và uống nhiều nước ấm hoặc nước trái cây tươi;
– Người bệnh không tự ý mua thuốc kháng sinh về uống. Khi có dấu hiệu bệnh cần tiến hành thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng phác đồ chất lượng.
– Tiêm phòng ngừa cúm theo hướng dẫn, tiêm ngừa phế cầu với những đối tượng có nguy cơ cao.
Lưu ý 6 bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh cũng như những triệu chứng nhận biết tương ứng. Trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh lý đường hô hấp cần theo dõi tình trạng sức khỏe và thăm khám kịp thời khi cần thiết.