Ngày nay, nhiều người đã có ý thức hơn trong việc quan tâm đến sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Những lợi ích từ việc khám sức khỏe luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những lợi ích khi đi tầm soát sức khỏe định kỳ.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về khám sức khỏe định kỳ
1.1. Tại sao nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm?
Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, bất kể là nam hay nữ, người già hay trẻ nhỏ lại thường hay mắc một số nhóm bệnh khác nhau. Do đó, việc khám định kỳ, là tiền đề tránh lãng phí về tiền bạc và thời gian cho sau này. Thông qua việc khám định kỳ, mỗi người sẽ: Phát hiện được sớm những bệnh lý tiềm ẩn – Giúp tiết kiệm tiền bạc – Tiết kiệm được thời gian chữa trị và khả năng cao chữa lành bệnh…
Khám định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện trách nhiệm của mỗi người đối với sức khỏe bản thân. Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả, nhẹ nhàng hơn chữa bệnh. Nhiều người nhìn thì tưởng chừng khỏe mạnh nhưng lại có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Có những bệnh lý nghiêm trọng đôi khi phát hiện tình cờ trong khi siêu âm, chụp phim X-quang,… khi khám mặc dù người bệnh không hề có triệu chứng gì. Nếu những căn bệnh nguy hiểm không được phát hiện sớm, lúc phát hiện thì đã ở mức độ nặng thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống về sau.
1.2. Tần suất khám sức khỏe định kỳ
Chuyên gia đưa ra khuyến cáo, mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/ năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe hoặc tầm soát phát hiện sớm ung thư đối với những người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, tấn suất khám định kỳ còn tùy thuộc vào độ tuổi, môi trường làm việc, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử sức khỏe bản thân và gia đình.
Tùy vào mỗi khách hàng khi đến khám, ngoài các nội dung khám tổng quát, bác sĩ chuyên môn sẽ chỉ định thực hiện các danh mục khám chuyên sâu hơn liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tương ứng với mỗi đối tượng khác nhau.
Ví dụ: Ở độ tuổi 18-30 khám tập trung vào các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao. Hay ở độ tuổi 30-40, tập trung tầm soát các bệnh lý có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi này như bệnh tim mạch, tiểu đường, gout,…

Khám định kỳ sẽ giúp mọi người nắm rõ được tình hình sức khỏe hàng năm của mình
2. Lợi ích khi đi tầm soát sức khỏe định kỳ
Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh lý đều mang lại cho mọi người những lợi ích cụ thể như:
2.1. Phát hiện bệnh tật sớm – Chìa khóa bảo vệ sức khỏe
Nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, huyết áp cao,… không có triệu chứng ban đầu khi bệnh khởi phát. Việc khám định kỳ sẽ giúp khách hàng phát hiện sớm các bệnh lý, tăng cơ hội điều trị thành công. Từ đó, không để xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi bệnh đã có những biểu hiện rõ rệt và tăng nguy cơ biến chứng.
2.2. Tiết kiệm chi phí điều trị dài hạn
Hầu hết các bệnh lý nếu được điều trị ở giai đoạn đầu thì thường ít tốn kém hơn. Khi căn bệnh đã trở nặng thì chi phí khám và chữa trị sẽ rất khó ước tính được vì biến chứng của bệnh lý giờ đây đã không còn nằm trong tầm kiểm soát ban đầu. Bên cạnh đó, tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ không chỉ giảm bớt được chi phí mà còn giúp mỗi người được chủ động trong thời gian đi khám.
2.3. Theo dõi và cải thiện sức khỏe tổng quát
Khi đi tầm soát sức khỏe định kỳ, mỗi người sẽ được đánh giá các chỉ số quan trọng như: huyết áp, đường huyết, mỡ máu, chức năng gan/ thận… Không chỉ vậy, kiểm tra sức khỏe giúp điều chỉnh lối sống lành mạnh để có thể ngăn ngừa bệnh tật, nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn giúp cải thiện chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.
2.4. Tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống
Đối với những người thường xuyên kiểm tra sức khỏe có xu hướng sống thọ hơn so với những người khác. Bởi lẽ việc này đã giúp nhiều người duy trì thể trạng tốt, làm việc hiệu quả. Khác với đó, những người chủ quan với sức khỏe của bản thân sẽ ít nhiều gây suy giảm tuổi thọ khi các bệnh lý tiềm ẩn không được phát hiện và điều trị kịp thời. Lối sống không lành mạnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống về sau.
2.5. An tâm hơn về tinh thần
Việc tầm soát sức khỏe định kỳ sẽ giúp nhiều người giảm bớt đi những nỗi lo toan, căng thẳng về bệnh tật. Khi nắm bắt được rõ tình trạng sức khỏe của mình, mọi người sẽ tăng cảm giác tự tin và tích cực hơn trong cuộc sống.

Chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm
3. Các bước thường có khi khám tổng quát định kỳ
Bước 1: Chuẩn bị trước khi đến khám sức khỏe
– Nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước khi đi khám. Với một số xét nghiệm như xét nghiệm đường huyết, cần nhịn ăn khoảng là 8-10 tiếng.
– Không hút thuốc lá và uống rượu bia từ buổi tối trước ngày đi khám.
– Nếu đang sử dụng thuốc huyết áp và tim mạch, bạn có thể tiếp tục sử dụng. Với trường hợp đang sử dụng thuốc cho bệnh đái tháo đường, ngày đi khám tổng quát cần ngưng sử dụng thuốc.
– Phụ nữ nếu có khám phụ khoa thì chỉ nên đi khám sau 3-5 sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt. Lưu ý trước 2 ngày không sử dụng thuốc đặt âm đạo, thụt rửa âm đạo hay quan hệ tình dục.
Bước 2: Thực hiện khám tổng quát
– Khám lâm sàng: Khám nội, khám mắt, khám TMH thường, khám RHM, khám phụ khoa, khám chuyên khoa dinh dưỡng.
– Cận lâm sàng: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, định lượng Glucose, định lượng Ure, định lượng Creatinin, định lượng Acid Uric,…
– Chẩn đoán hình ảnh: Chụp Xquang ngực thẳng (tim phổi thẳng), siêu âm ổ bụng (tổng quát – thường – Nam), siêu âm ổ bụng (tổng quát – thường – Nữ), điện tim thường…
Tùy vào danh mục gói khám, khách hàng sẽ có thể thực hiện thêm những danh mục bổ sung khác.

Khám mắt là một trong những bước thường gặp khi khám tổng quát
Bước 3: Trả kết quả và tư vấn
Sau khi có kết quả khám tổng quát, bác sĩ sẽ là người đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu phát hiện ra những bệnh lý, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.
Như vậy, quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe định kỳ là một trong những ưu tiên hàng đầu giúp mỗi cá nhân bảo vệ sức khỏe không chỉ của bản thân mà cả của gia đình. Hi vọng với nội dung được chia sẻ trên, quý khách hàng đã biết được những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ và hiểu rõ quy trình khám. Qua đó, mỗi người sẽ không còn bỏ lỡ những thời điểm vàng đối với sức khỏe của mình.