Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến ở nữ giới và có thể đe dọa đến tính mạng của chị em nếu không được phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời. Vì vậy, việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ được ví như “chìa khóa vàng” giúp xác định và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung. Hiện nay, các kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung vô cùng đa dạng với nhiều ưu điểm khác nhau. Để hiểu rõ hơn về các kỹ thuật này, hãy cùng bài viết tìm hiểu 4 kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay nhé!
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về hoạt động tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính xảy ra ở cổ tử cung, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai chỉ sau ung thư vú. Thông thường, các tế bào ung thư sẽ xuất hiện và phát triển dần dần qua nhiều năm dưới tác động của các tác nhân gây bệnh. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác nên thường khó nhận biết.
Tuy nhiên, hầu hết các ung thư cổ tử cung xuất phát từ các tổn thương tiền ung thư trước đó nên hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp sàng lọc và chẩn đoán giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường ở cổ tử cung. Đây là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh trở nặng. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 – 90%.
2. Các kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay
2.1. Khám phụ khoa
Khám phụ khoa là kỹ thuật khám cơ bản giúp kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường bên trong tử cung. Trong trường hợp bác sĩ phát hiện những triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu khác như Pap smear, Thinprep Pap, soi hoặc sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra mức độ phát triển của các tế bào ung thư.
Chị em nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm/ lần và lặp lại trong vòng 2, 3 hoặc 5 năm sau đó. Đối với người trong độ tuổi quan hệ tình dục nên khám phụ khoa 6 tháng đến 1 năm/lần, vì ngoài ung thư cổ tử cung, chị em còn phải đối mặt với các vấn đề phụ khoa khác như viêm, nhiễm…
2.2. Kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV DNA
Theo nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu gây nên ung thư cổ tử cung đã được xác định rõ là do âm đạo và cổ tử cung bị nhiễm virus thuộc họ virus gây u nhú ở người (HPV), lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục. Vì vậy, xét nghiệm HPV DNA là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng để phân tích, xác định chính xác sự hiện diện virus HPV – nguyên nhân hàng đầu gây đến 99.7% căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Xét nghiệm HPV DNA không khẳng định 100% chị em có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nhưng dựa vào kết quả xét nghiệm thu được có thể phát hiện được virus gây bệnh đang tồn tại trong cơ thể. Nhờ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh trong tương lai và có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Thông thường, xét nghiệm HPV DNA sẽ được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm tế bào cổ tử cung Pap Smear hoặc Thinprep, nhằm phát hiện và đánh giá những tế bào bất thường có nguy cơ gây ung thư từ sớm.
2.3. Kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là loại kỹ thuật phổ biến nhất được sử dụng để xác định và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong tế bào có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung phổ biến hiện nay.
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung PAP Smear
Đây là xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những điểm bất thường trong cấu trúc và hoạt động ở tế bào cổ tử cung. Từ đó phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai trước khi các khối u này lan rộng.
Phương pháp được thực hiện vô cùng đơn giản và được các bác sĩ tiến hành lấy mẫu ngay trong khi khám phụ khoa với các dụng cụ chuyên biệt. Xét nghiệm PAP Smear được thực hiện bằng cách lấy một phần nhỏ tế bào ở cổ tử cung để đem đi xét nghiệm. Mẫu tế bào sau khi thu thập sẽ được bác sĩ phết lên tấm lam để tiến hành phân tích.
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung Thinprep
Xét nghiệm Thinprep cũng là phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung nhưng đã được cải tiến hơn so với xét nghiệm PAP Smear. Với phương pháp này, mẫu tế bào sau khi thu thập sẽ được nhúng toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ Thinprep và được chuyển đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Hình ảnh tế bào khi soi trên kính hiển vi sẽ rõ ràng, sắc nét hơn so với xét nghiệm PAP Smear giúp bác sĩ dễ dàng nhận diện tế bào bất thường và cho kết quả chính xác đến 80 đến 90%
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung Thinprep là phương pháp giúp giảm đáng kể tỷ lệ âm tính giả trong kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Ngoài ra, kỹ thuật còn giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư cổ tử cung biểu mô tuyến – một loại ung thư cổ tử cung rất khó phát hiện và có tỷ lệ tử vong cao. Hơn nữa xét nghiệm này còn góp phần chẩn đoán chính xác giai đoạn tổn thương tế bào ở cổ tử cung. Từ đó, giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
2.4. Soi cổ tử cung
Soi cổ tử cung là kỹ thuật được thực hiện khi kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung cho thấy những thay đổi bất thường trong tế bào. Đây là phương pháp quan sát cổ tử cung thông qua máy soi cổ tử cung – một thiết bị phóng đại đặc biệt chiếu ánh sáng qua âm đạo vào cổ tử cung và phóng to hình ảnh thật lên gấp 10 đến 30 lần.
Soi cổ tử cung là phương pháp rất hữu ích giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư vi xâm lấn khi chưa có triệu chứng lâm sàng mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi phát hiện các dấu hiệu tổn thương nghi ngờ tại cổ tử cung, bác sĩ sẽ bấm sinh thiết lại vị trí đó để nhuộm, soi trên kính hiển vi giúp tìm ra tế bào ác tính, phục vụ việc chẩn đoán bệnh chính xác.
Với mong muốn đem đến chất lượng tầm soát ung thư cổ tử cung chất lượng đến phụ nữ Việt, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI luôn đảm bảo cơ sở vật chất chất lượng cao phục vụ cho khám phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Hơn nữa quy trình thăm khám kín đáo, riêng tư, an toàn cho khách hàng khi đến thực hiện. Vì vậy, chị em hoàn toàn có thể an tâm khi thực hiện sàng lọc tại đây.
Trên đây là 4 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay. Mong rằng thông qua bài viết chị em đã có thể chọn cho mình phương pháp sàng lọc phù hợp.