Ung thư phổi là bệnh lý vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao nếu phát hiện muộn. Theo Globocan, số ca ung thư phổi mắc mới trên thế giới là 2,094 triệu trong đó có 1,8 triệu ca tử vong (năm 2018). Tại Việt Nam, số ca mới mắc là 23.667 ca với 20.710 ca tử vong. Đáng nói, có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn và thời gian sống không cao. Do đó khám tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm chi phí điều trị, và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây ung thư phổi
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính bắt nguồn từ các mô phổi, trong đó các mô phổi tăng sinh không thể kiểm soát tạo thành khối u ác tính. Sự tăng trưởng tế bào này có thể lan rộng ra ngoài phổi. Sau đó đi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn. Hầu hết các loại ung thư bắt nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là dạng ung thư biểu mô. Ung thư phổi thường được chia làm hai loại chính là loại ung thư phổi tế bào nhỏ và loại ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Nguyên nhân gây ung thư phổi có thể kế đến như:
– Hút thuốc:được xem là tác nhân chính gây ra căn bệnh ung thư phổi. Bởi trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư như benzo-pyren, NNK, Buta-1,…Tại các nước phát triển, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới được cho là do hút thuốc lá, còn tỉ lệ mắc bệnh này đối với phụ nữ là 70%.
– Hút thuốc lá thụ động: Những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá một cách thụ động cũng đối diện với nguy cơ lớn mắc bệnh ung thư phổi.
– Người bệnh tiếp xúc với chất amiang, khí radon (trong đất, hầm mỏ). Ngoài ra, chất amiang còn có thể gây nên bệnh ung thư màng phổi.
– Ô nhiễm không khí ngoài trời cũng có tác động đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi của con người. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và sol khí sunfat (có trong khí thải của xe cộ) được xem là có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân chiếm 1–2% số trường hợp mắc bệnh ung thư phổi.
2. Vai trò của tầm soát ung thư phổi và một số lưu ý cần biết
2.1. Khám tầm soát ung thư phổi quan trọng như thế nào?
Ung thư phổi là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm và đe dọa tới tính mạng của con người. Căn bệnh này rất ít gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu và đa số các trường hợp chẩn đoán, phát hiện muộn đều dẫn tới tình trạng tử vong. Vì thế nếu phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh chiếm khoảng 50 – 70%. Còn nếu phát hiện bệnh khi đã quá muộn thì khả năng điều trị sẽ rất thấp và tỷ lệ sống chỉ còn 4%.
Do đó, để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bệnh thì việc tiến hành tầm soát ung thư là phương pháp hiện đại được nhiều người lựa chọn. Tầm soát ung thư phổi là việc sử dụng phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu, ngay khi bệnh chưa có triệu chứng hoặc chẩn đoán trước đây. Khi thực hiện tầm soát ung thư phổi, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp ở bệnh nhân nhằm phát hiện những mô bát đầy phát triển bất thường hoặc để xem tế bào ung thư có lan rộng hay không.
2.2. Một số lưu ý khi khám tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao thứ 2 tại nước ta, chỉ đứng sau ung thư vú. Mặc dù y học phát triển, tuy nhiên nếu phát hiện bệnh quá muộn thì tỷ lệ sống sót của người bệnh ở mức rất thấp. Vì thế việc tầm soát ung thư phổi sẽ giúp tăng khả năng điều trị bệnh, kéo dài thời gian sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Trước khi thực hiện tầm soát ung thư phổi, chúng ta nên lưu ý một số thông tin như sau:
– Hãy nên nhịn ăn trước khi đi tầm soát để thực hiện một số xét nghiệm liên quan.
– Trong trường hợp cần thiết có thể bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (chụp CT).
– Bạn nên tìm hiểu về quy trình tầm soát ung thư phổi trước để hiểu thêm về phương pháp này, tránh những bỡ ngỡ ban đầu khi đi khám.
– Hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín và đảm bảo chất lượng, có nhiều kinh nghiệm để việc tầm soát được diễn ra an toàn – nhanh chóng – chính xác.
3. 3 nhóm đối tượng chính cần tiến hành khám tầm soát ung thư phổi
Hãy bắt đầu tầm soát ung thư phổi ngay bây giờ nếu bạn nhận thấy mình nằm trong 3 nhóm nguy cơ sau:
Nhóm 1:
– Tuổi ≥ 55
– Người hút thuốc lá ≥ 30 gói năm (Trừ khi đối tượng đó đã ngừng hút > 15 năm)
Nhóm 2:
– Tuổi ≥ 50
– Hút thuốc lá ≥ 20 gói năm
– Có một yếu tố nguy cơ khác ngoại trừ hút thuốc lá thụ động
Nhóm 3:
Ngoài ra, nếu bạn có các dâu hiệu sau đây thì cũng nên đi tầm soát ung thư phổi ngay:
– Ho thời gian dài, ho có ra máu.
– Thấy đau tại một vùng của ngực.
– Có sự thay đổi giọng nói.
– Thở khò khè.
– Thường xuyên mệt mỏi.
– Thấy đau khi nuốt.
Ung thư phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với nhiều dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn, do đó hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tiến hành tầm soát ung thư phổi định kỳ.