Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh lý phổ biến, có tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn so với nam giới và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu chủ động khám ung thư tuyến giáp có thể phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét cần biết về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến giáp
Là bệnh lý xảy ra khi các tế bào tuyến giáp phát triển một cách bất thường và không theo sự kiểm soát của cơ thể. Ung thư tuyến giáp được đánh giá là bệnh lý có tiên lượng tốt. Chỉ cần điều trị khỏi bệnh dứt điểm thì tỷ lệ sống của người bệnh rất cao.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
– Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sản sinh ra kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn bị suy giảm. Từ đó tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có vùng tuyến giáp bị xâm hại.
– Nhiễm phóng xạ: Khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, đường hô hấp sẽ gây ảnh hưởng tới tuyến giáp.
– Yếu tố di truyền: Có khoảng 70% người mắc bệnh tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em) đã từng mắc bệnh.
– Tuổi tác và thay đổi hormone: Phụ nữ ở độ tuổi từ 30 – 50 có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 đến 4 lần so với nam giới.
– Mắc bệnh về tuyến giáp: Những người mắc bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc bị suy giảm hormone tuyến giáp.
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Uống i-ốt phóng xạ thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Một số yếu tố nguy cơ khác: Thiếu i-ốt, uống bia rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì…
2. Lý do nên thực hiện khám ung thư tuyến giáp
Việc tầm soát ung thư nói chung, khám ung thư tuyến giáp đang là mối quan tâm và được áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây bởi nhiều lợi ích mà việc này đem lại.
Khám ung thư giúp phát hiện ra những tế bào hoạt động bất thường, các dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm trước khi bệnh gây ra các triệu chứng rõ ràng giúp tăng cao tỷ lệ điều trị bệnh thành công.
Nếu phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn 1 thì có thể điều trị khỏi bệnh từ 80 – 90%. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn 2 giảm còn 75%; giảm còn 30 – 40 % ở giai đoạn 3 và 15% ở giai đoạn 4. Chính vì vậy, phát hiện bệnh sớm sẽ mang tới cơ hội điều trị khỏi bệnh cao.
Việc phát hiện bệnh sớm cũng giúp việc chữa trị bệnh được đơn giản hơn, hiệu quả điều trị cao và giảm tối đa chi phí điều trị. Không những vậy điều trị sớm giúp hạn chế những tác dụng phụ và các biến chứng nguy hiểm bệnh có thể gây ra.
3. Các phương pháp cần thực hiện trong khám ung thư tuyến giáp
3.1. Xét nghiệm máu – Phương pháp đánh giá chức năng tuyến giáp hiệu quả trong khám ung thư
Xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá tuyến giáp có hoạt động quá mức hay không. Các chỉ số xét nghiệm T3, T4, FT3, FT4, TSH và các kháng thể để đánh giá tuyến giáp (TSH, Anti TPo, Anti TG) thường được dùng để đánh giá tình trạng của tuyến giáp.
Đây cũng là một trong những phương pháp quan trọng giúp hỗ trợ trong việc khám ung thư nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm.
3.2. Siêu âm tuyến giáp là bước không thể thiếu khi khám ung thư
Là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng âm từ đó giúp phát hiện các nhân tuyến giáp, có thể xác định kích thước của khối u, đánh giá cấu trúc của tuyến giáp và cung cấp các chi tiết liên quan tới cấu trúc ở vùng lân cận cổ.
Phương pháp này hoàn toàn không xâm lấn, không gây đau đớn khi thực hiện cho người bệnh. Siêu âm cho ra hình ảnh rõ nét về mô mềm, an toàn và không có bức xạ ion hóa. Đây còn là công cụ tốt để hướng dẫn sinh thiết kim và chọc hút dịch.
3.3. Chụp xạ hình tuyến giáp
Phương pháp chụp xạ hình tuyến giáp này được thực hiện bằng cách cho người bệnh uống lượng dung dịch có lượng iot phóng xạ vừa đủ. Khi chất này đi vào trong cơ thể sẽ được tế bào tuyến giáp hấp thụ sau đó phản ánh hình ảnh để dễ dàng theo dõi.
3.4. Lấy mẫu sinh thiết
Đối với trường hợp xét nghiệm u tuyến giáp bằng các phương pháp trên cho thấy sự bất thường hoặc có kích thước khối u lớn hơn 1cm, người bệnh sẽ được yêu cầu chọc hút tế bào tuyến giáp.
4. Ung thư tuyến giáp có thể phòng ngừa bằng cách nào?
Khi ở bệnh ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp thường chỉ có các triệu chứng như khàn tiếng, đau cổ, sút cân, mệt mỏi… nên dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Khi bệnh ở giai đoạn phát triển mới có thể phát hiện dẫn tới việc điều trị trở lên khó khăn hơn. Để phòng ngừa bệnh lý này, mọi người cần thiết lập một số thói quen như:
– Chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo: Cần cắt giảm chất béo như đồ chiên rán, thức ăn nhanh và cần bổ xung nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm nhiều khoáng chất và vitamin.
– Hạn chế tiếp xúc thường xuyên với tia bức xạ.
– Duy trì trọng lượng cơ thể một cách hợp lý: Ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa, đúng giờ, tập luyện thể dục thể thao điều độ không chỉ phòng ngừa được ung thư tuyến giáp mà còn rất nhiều bệnh ung thư khác.
– Cân bằng lượng iot trong cơ thể: Dư hoặc thiếu iot cũng gây ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của tuyến giáp.
– Khám sức khỏe định kỳ: Mỗi người cần chủ động khám và duy trì hoạt động này định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường trong cơ thể và xử lý bệnh kịp thời.
Khi đăng ký tầm soát ung thư tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI không chỉ giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý tuyến giáp mà còn rất nhiều bệnh lý ung thư phổ biến khác. Bạn sẽ được thăm khám trực tiếp từ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại giúp đánh giá kết quả được chính xác nhất. Bài viết trên là một số thông tin cần biết khi khám ung thư tuyến giáp, nếu cần giải đáp thêm, liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để nhận hỗ trợ sớm nhất!