Phổ biến, có thể khiến bệnh nhân mù lòa vĩnh viễn và ngay cả khi đã được điều trị tích cực, vẫn có thể tái phát, với 3 đặc điểm này, viêm màng bồ đào được đánh giá là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI chia sẻ với bạn 2 phương pháp điều trị viêm màng bồ đào để hạn chế bệnh lý này biến chứng.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về viêm màng bồ đào
1.1. Khái niệm
Là một bộ phận của mắt, màng bồ đào bao gồm 3 thành phần chính là: Mống mắt nằm phía trước, thể mi nằm ở giữa và màng mạch hay hắc mạc nằm phía sau. Theo đó, viêm màng bồ đào là thuật ngữ nhãn khoa được sử dụng để gọi tình trạng viêm nhiễm của một trong ba thành phần đó. Phân loại viêm màng bồ đào cũng được thực hiện dựa trên thành phần viêm nhiễm. Cụ thể:
– Viêm màng bồ đào trước: Tổn thương mống mắt và thể mi,
– Viêm màng bồ đào trung gian,
– Viêm màng bồ đào sau: Tổn thương hắc mạc hoặc có thể là tổn thương cả võng mạc,
Cả 3 dạng viêm màng bồ đào này đều sở hữu 3 đặc điểm đã được liệt kê phía trên. Ngoài ra, chúng còn 3 đặc điểm nữa là: Căn nguyên phức tạp, tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ (bệnh xuất hiện ở cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi) và không lây nhiễm.
1.2. Nguyên nhân
Viêm màng bồ đào có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này được phân loại thành 3 nhóm lớn như sau:
– Nguyên nhân tại mắt: Như chấn thương cơ học, sang chấn sau phẫu thuật, viêm giác mạc, viêm củng mạc, chất nhãn thủy tinh thể do khuếch tán hoặc rách bao, nhãn viêm giao cảm.
– Nguyên nhân tại các cơ quan lân cận: Như nhiễm khuẩn răng, lợi, xoang,…
– Nguyên nhân toàn thân: Như bệnh lao, bệnh giang mai, các bệnh lý phát sinh do virus, các bệnh lý phát sinh do ký sinh trùng, viêm cột sống dính khớp, hội chứng Reiter, rối loạn chuyển hóa do các bệnh Diabete, Goute, bệnh Sarcoid, bệnh Behcet. Trong trường hợp này, viêm màng bồ đào chỉ là một triệu chứng hay một hệ lụy của những bệnh lý toàn thân đó.
Tuy nhiên, chỉ 20% các ca viêm màng bồ đào là do các vấn đề trên. 80% còn lại không thể xác định được nguyên nhân.
1.3. Triệu chứng
1.3.1. Triệu chứng lâm sàng
Là những triệu chứng bệnh nhân có thể tự quan sát được, bao gồm: Mắt đau nhức dai dẳng, đau có xu hướng tăng về đêm; mắt nhạy cảm với ánh sáng; nước mắt chảy liên tục; thị lực suy giảm mức độ vừa, tầm nhìn như bị cản trở bởi một màn sương hoặc tầm nhìn xuất hiện nhiều điểm đen trôi lập lờ như ruồi muỗi bay; sốt; kém ăn; kém ngủ.
1.3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
Là những triệu chứng chỉ có thể được quan sát bởi chuyên gia qua thăm khám, bao gồm: Mống mắt sẫm màu, kém xốp với đồng tử co và phản xạ ánh sáng kém; vẩn đục dịch kính; xuất hiện những chấm sắc tố mống mắt ở mặt trước thủy tinh thể, những chấm này có thể sẽ tập trung thành vòng tròn tương ứng với bờ đồng tử; xuất hiện tủa – những lắng đọng protein từ dịch kính, ở mặt sau giác mạc.
Ở giai đoạn nặng, các dấu hiệu viêm màng bồ đào cận lâm sàng sẽ là: Mống mắt teo, bạc màu, xuất hiện hình ảnh núm cà chua do nghẽn đồng tử, mống mắt bị đẩy về phía giác mạc do dịch kính ứ đọng tại hậu phòng; đồng tử méo mó và có thể bị màng viêm che kín; dịch kính và thủy tinh thể vẩn đục nhiều mức độ tùy thuộc từng cá nhân.
1.4. Biến chứng
Biến chứng của viêm màng bồ đào là hết sức đa dạng, ví dụ như: Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, phù hoàng điểm, teo nhãn cầu, tổ chức hóa dịch kính và bong võng mạc. Nguy hiểm ở chỗ, tất cả những biến chứng này đều có thể khiến thị lực của bệnh nhân suy giảm từ nhẹ đến nặng không phục hồi. Thậm chí bệnh nhân cũng có thể mù vĩnh viễn vì chúng.
2. Điều trị viêm màng bồ đào
Ngay khi các dấu hiệu viêm màng bồ đào xuất hiện, bệnh nhân cần lập tức đến cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm. Kết thúc thăm khám, nếu được chẩn đoán xác định mắc viêm màng bồ đào, tùy thuộc mức độ bệnh, bệnh nhân sẽ được chuyên gia chỉ định một trong hai phương pháp điều trị sau:
2.1. Điều trị nội khoa
Bao gồm điều trị nguyên nhân, điều trị chống dính và điều trị chống viêm:
– Điều trị nguyên nhân: Cần sự phối hợp giữa chuyên gia nhãn khoa và các chuyên gia tương ứng để điều trị dứt điểm bệnh lý nguyên nhân, nếu có. Trong trường hợp nguyên nhân không thể xác định, ít nhất hai loại kháng sinh sẽ được chỉ định phối hợp cho bệnh nhân để điều trị bao vây toàn thân.
– Điều trị chống dính: Phải được thực hiện càng sớm càng tốt, để loại bỏ nguy cơ mống mắt dính vào thể thủy tinh, để lại di chứng nặng nề. Thông thường, thuốc được chỉ định là Atropin 1%. Trường hợp Atropin 1% không hiệu quả, chuyên gia sẽ sử dụng Atropin 4%. Nếu Atropin 4% vẫn không hiệu quả, hỗn hợp Atropin 1/4mg và Adrenalin 1mg sẽ được tiêm vào dưới kết mạc vùng rìa phía có dính mống mắt.
– Điều trị chống viêm: Bao gồm việc sử dụng tại mắt các thuốc Corticosteroids dạng tiêm, dạng nhỏ và dạng bôi; thuốc chống viêm không Steroid dạng nhỏ và sử dụng toàn thân Cortancyl 10mg/1kg thể trọng mỗi ngày.
2.2. Điều trị ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nhân cần phải được điều trị ngoại khoa hay phẫu thuật. Việc thực hiện những phẫu thuật này là cần thiết để kiểm soát và cải thiện các biến chứng viêm màng bồ đào, tránh suy giảm và mất thị lực. Theo đó, chúng có thể là: Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp, phẫu thuật thay thủy tinh thể, phẫu thuật cắt dịch kính, phẫu thuật điều trị bong võng mạc,…
Như vậy, về cơ bản điều trị viêm màng bồ đào có 2 phương pháp: Thứ nhất là nội khoa và thứ hai là ngoại khoa. Tùy mức độ viêm màng bồ đào, chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi cá nhân. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần thăm khám ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường.