Xơ gan có thể gây nhiều biến chứng nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả. Trong đó tràn dịch màng phổi là một trong những biến chứng nguy hiểm cần được chú ý. Vậy xơ gan tràn dịch màng phổi có cơ chế và biểu hiện ra sao, nguy hiểm như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan tràn dịch màng phổi xảy ra như thế nào?
Xơ gan tình trạng xuất hiện các vết sẹo trên gan, khiến lá gan vốn mềm mại trở nên chai cứng và suy giảm khả năng thực hiện các chức năng của gan.
Xơ gan thường là hệ quả của những tổn thương ở gan trong một thời gian dài, do ảnh hưởng của các chất độc hại hoặc các bệnh lý như viêm gan cấp tính, mạn tính, gan nhiễm mỡ, viêm gan do thuốc, tình trạng ứ mật…
Bệnh nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong đó, tràn dịch màng phổi là một trong những biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân xơ gan, đặc biệt là người mắc bệnh xơ gan cổ trướng. Theo thống kê có khoảng 4 – 6% bệnh nhân xơ gan có biến chứng tràn dịch màng phổi nhưng không có tổn thương của nhu mô phổi, màng phổi hoặc bệnh tim. Trong đó 70% trường hợp bị tràn dịch màng phổi bên phải; 15% tràn dịch phổi trái; 15% tràn dịch cả hai bên phổi.
Tràn dịch màng phổi (phổi có nước) là bệnh lý phức tạp và ngày càng phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng có dịch ứ đọng và tích tụ trong phổi, màng phổi. Nếu lượng dịch trong khoang màng phổi quá nhiều sẽ cản trở quá trình hô hấp, khiến cho việc lưu thông khí trở nên khó khăn.
Nếu không được điều trị kịp thời, tràn dịch màng phổi có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng và dày dính màng phổi.
2. Cơ chế tràn dịch màng phổi ở người bị xơ gan
2.1 Cơ chế gây tràn dịch màng phổi
Cơ chế chủ yếu gây tràn dịch màng phổi thường bắt nguồn từ sự thay đổi tính thấm của màng phổi do viêm, thuyên tắc phổi, ung thư,… Khi dịch không thấm ngược vào trong được sẽ gây ứ tắc và dẫn đến tràn dịch. Tình trạng tăng xuất tiết hoặc cản trở hấp thu dịch trong khoang màng phổi cũng sẽ gây tràn dịch màng phổi.
2.2 Xơ gan tràn dịch màng phổi có đặc điểm gì?
Tràn dịch màng phổi do gan là sự tích tụ dịch thấm ở khoang màng phổi (thường > 500ml) ở những bệnh nhân xơ gan mất bù. Các nguyên nhân tim phổi khác không được tìm thấy trong trường hợp này.
Tình trạng tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân xơ gan có thể do các cơ chế sau:
– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, từ đó dẫn đến tăng áp lực trong tĩnh mạch Azygous, liên quan đến hệ thống tuần hoàn bàng hệ
– Dịch chuyển dịch từ ổ bụng vào màng phổi qua hệ bạch huyết xuyên thành hay qua khiếm khuyết cơ hoành
– Giảm áp lực keo, liên quan đến tình trạng giảm albumin
– Rò rỉ bạch huyết từ ống ngực
– Dịch cổ trướng tràn vào khoang màng phổi qua lỗ cơ hoành. Các khiếm khuyết của cơ hoành (cơ hoành mỏng và các sợi collagen ở phần gân cơ hoành thưa) có thể làm quá trình thấm dịch này diễn ra nhanh hơn.
Các nguyên nhân khác gây khiếm khuyết cơ hoành có thể gặp là do chấn thương, do áp lực cao trong ổ bụng, do nằm trong thời gian dài…
3. Triệu chứng của tràn dịch màng phổi do gan
Nếu lượng dịch ít thì hầu như người bệnh sẽ không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi lượng dịch nhiều hơn, người bệnh sẽ gặp phải các phản ứng như:
– Khó thở, suy hô hấp
– Đau âm ỉ
– Ho
– Nôn, đau bụng, chướng bụng nếu dịch tụ dưới phổi
– Đau ngực âm ỉ, đau nhiều hơn về bên bị tràn dịch hoặc khi nằm nghiêng về bên đó
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các triệu chứng liên quan như: sốt cao, mệt mỏi, thở nhanh, biếng ăn, khó thở, đau ngực; đổ mồ hôi về đêm, sụt cân, sốt về chiều, ho ra máu.
4. Phương pháp chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tràn dịch màng phổi
4.1 Chẩn đoán tràn dịch màng phổi do gan
– X quang ngực thẳng
Là phương pháp được chỉ định khi lượng dịch màng phổi > 150ml tùy thuộc vào mức độ.
Biểu hiện bệnh trên phim chụp X-quang gồm: hình mờ đậm một hoặc cả hai bên phổi, dịch ở dưới thấp hơn, tim có thể bị đẩy sang bên đối diện. Nếu dịch ít sẽ làm mờ góc sườn hoành. Lượng dịch trung bình sẽ tạo đường cong damoiseau. Dịch nhiều làm mờ toàn bộ trường phổi.
– Siêu âm màng phổi
Giúp đánh giá tình trạng lượng dịch ít hay nhiều, tính chất và tổn thương nhu mô đi kèm, xác định vị trí cho chọc dò màng phổi.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực
Phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn X-quang trong phát hiện bệnh, đặc biệt trong trường hợp lượng dịch ít và khu trú. Mặt khác phương pháp này cũng giúp tìm thấy các tổn thương khó phát hiện trên X-quang.
Ngoài ra, một số phương pháp giúp chẩn đoán căn nguyên gồm:
– Chọc thăm dò dịch màng phổi: Nhằm đánh giá màu sắc, mủ đục, mùi của dịch màng phổi.
– Xét nghiệm dịch màng phổi: Bao gồm protein, rivalta, tế bào dịch chạy như công thức máu, nuôi cấy, tìm trực khuẩn lao, tế bào học dịch màng phổi, nồng độ cholesterol, triglyceride, amylase, ký sinh trùng…
– Sinh thiết màng phổi: Xác định tràn dịch tiết hoặc dịch máu.
– Các xét nghiệm kháng thể kháng nhân, định lượng hormone tuyến giáp, siêu âm ổ bụng…
4.2 Điều trị xơ gan tràn dịch màng phổi
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà việc điều trị tràn dịch màng phổi sẽ được thực hiện theo phác đồ cụ thể.
Các loại thuốc có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng đau, ho, buồn nôn. Ngoài ra trong trường hợp cần thiết bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp bằng như chọc tháo dịch màng phổi, dẫn lưu màng phổi…
Trên đây là những thông tin về bệnh xơ gan và tình trạng xơ gan gây tràn dịch màng phổi cũng như cách chẩn đoán, điều trị. Để ngăn chặn tràn dịch màng phổi do xơ gan, cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh lý xơ gan với sự đồng hành của chuyên gia gan mật tại cơ sở y tế uy tín. Nếu có thắc mắc về các bệnh lý gan mật và nhu cầu thăm khám gan, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn chi tiết.