Xét nghiệm đường huyết là chỉ định cần thiết trong thăm khám sức khỏe, giúp kiểm tra định lượng đường trong máu, từ đó chẩn đoán, phát hiện sớm và đối phó kịp thời với bệnh lý đái tháo đường, nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về các chỉ số xét nghiệm đường máu và ý nghĩa của chúng trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ý nghĩa của xét nghiệm đường huyết trong chẩn đoán bệnh tiểu đường
Xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm quen thuộc được thực hiện để đo lượng glucose trong máu của cơ thể giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm này có thể nằm trong các danh mục khám thường quy hoặc được chỉ định khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ hay những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường như:
– Đói, khát liên tục, ngay cả sau khi vừa ăn hoặc uống xong
– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
– Thị lực giảm, mắt nhìn mờ
– Xuất hiện vết thương, vết loét cả khi có hoặc không va đập gì, vết thương khó lành
– Tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
Thực tế, chỉ số đường huyết của một người không phải luôn cố định mà dao động trong một khoảng nhất định tùy theo các thời điểm trong ngày. Vì thế, để đánh giá được chính xác mức độ đường trong máu, đưa ra những chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân đo đường huyết tại nhiều thời điểm khác nhau.
2. Các chỉ số xét nghiệm lượng đường trong huyết
2.1 Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Xét nghiệm này giúp chẩn đoán, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Kết quả phản ánh nồng độ glucose trong máu vào lúc đói, là một trong những chỉ tiêu đánh giá tình trạng bệnh hiện tại và đánh giá kết quả điều trị, hoặc dựa vào để có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bệnh nhân cần nhịn đói trước khi lấy máu xét nghiệm ít nhất là 8 giờ. Thời điểm lấy máu thường là vào buổi sáng.
Nhận định kết quả:
+ Giá trị đường huyết bình thường (lúc đói) là từ 3,9 – 5,6 mmol/L.
+ Nếu glucose máu lúc đói từ 5,6mmol/L đến 6,9mmol/L; và glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp glucose máu dưới 7,8 mmol/L thì được chẩn đoán là tiền tiểu đường.
+ Nếu glucose huyết tương lúc đói >=7,0mmol/L thì được chẩn đoán là tiểu đường.
2.2 Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Đây là xét nghiệm được thực hiện sau khi người bệnh lấy máu lúc đói. Cụ thể, sau khi lấy máu lúc đói, bệnh nhân sẽ được uống một lượng đường theo quy định (75g). Mẫu máu sẽ được lấy sau 2h (với người không mang thai) và 1h – 2h (đối với thai phụ) kể từ thời điểm uống đường. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán cả tiền đái tháo đường, đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ.
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA, nồng độ đường huyết ở thai phụ khi làm xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống được coi là bình thường nếu các chỉ số có giá trị như sau:
– Nồng độ đường ở mẫu máu đầu tiên (lúc đói và thai phụ chưa uống đường) < 5,1 mmol/L (hay 92 mg/dL)
– Nồng đồ đường máu sau 1h: < 10,0 mmol/L (hay 180 mg/dL)
– Nồng đồ đường máu sau 2h: < 8,5 mmol/L (hay 153 mg/dL)
Ở người bình thường (không trong giai đoạn thai nghén):
– Nếu huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống từ 7,8mmol/L đến 11mmol/L thì được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
– Nếu glucose huyết tương >=11,1mmol/L ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống thì được chẩn đoán là đái tháo đường.
2.3 Xét nghiệm HbA1c máu
Xét nghiệm này giúp xác định lượng đường trong máu dựa trên sự kết hợp đường với hồng cầu trong máu. Chỉ số này có thể được dùng để chẩn đoán tiểu đường hoặc theo dõi, đánh giá khả năng kiểm soát bệnh đối với người đang điều trị tiểu đường.
Tiêu chẩn chuẩn đoán như sau:
– Tiền đái tháo đường khi mức HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.
– Đái tháo đường khi mức HbA1c >= 6,5%
Trên đây là những thông tin về xét nghiệm đường máu, hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về các chỉ số trong xét nghiệm tiểu đường. Nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc các dấu hiệu nghi ngờ tiểu đường, hãy đi khám chuyên khoa Nội tiết để được chẩn đoán và điều trị sớm.