Bệnh lupus ban đỏ rất khó để chẩn đoán vì có nhiều triệu chứng tương tự như một số bệnh khác. Để có kết luận chính xác nhất, ngoài quan sát triệu chứng bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán lupus ban đỏ. Dưới đây là một số xét nghiệm chẩn đoán lupus ban đỏ.
Menu xem nhanh:
Kiểm tra tốc độ máu lắng (ESR)
Xét nghiệm này được sử dụng để xác định xem có bất kỳ phản ứng viêm nào trong cơ thể của người bệnh hay không.
Xét nghiệm tốc độ máu lắng hay còn gọi là tốc độ hồng cầu lắng rất hữu ích trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ. Bởi vì bệnh có thể khiến nhiều vùng của cơ thể bị viêm (sưng), bao gồm các khớp và cơ quan nội tạng.
Xét nghiệm này đo tốc độ mà các tế bào máu tách ra khỏi huyết tương và lắng xuống đáy ống thí nghiệm. Tỷ lệ được đo bằng milimet mỗi giờ (ml/h). Nếu có một số protein bao quanh các tế bào hồng cầu, chúng sẽ dính vào nhau và làm cho các tế bào hồng cầu lắng xuống nhanh hơn. Vì vậy tốc độ lắng máu cao chỉ ra rằng có viêm nhiễm ở một nơi nào đó trong cơ thể.
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA)
Xét nghiệm kháng thể kháng nhân giúp tìm kiếm một kháng thể kháng nhân nhất định có trong máu của người bệnh. Khoảng 95% bệnh nhân lupus ban đỏ có kháng thể này.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp có kháng thể kháng nhân nhưng không mắc bệnh lupus ban đỏ. Do đó bác sĩ sẽ cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm khác để có thể khẳng định chẩn đoán.
Xét nghiệm kháng thể kháng DNA
DNA là thành phần quan trọng nhất của nhân tế bào, trên đó có chữa mã di truyền, truyền thông tin di truyền từ cha mẹ sang con. Người ta phát hiện trong huyết thanh những bệnh nhân lupus ban đỏ có khả năng phản ứng với sợi DNA. Khoảng 70% người bệnh lupus ban đỏ có kháng thể này.
Mức độ kháng thể kháng DNA tăng lên khi bệnh tiến triển, vì thế trong suốt giai đoạn “bùng phát” của bệnh, kết quả xét nghiệm này có thể cao hơn bình thường.
Các xét nghiệm khác
Với các trường hợp đã được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ, người bệnh cũng cần được theo dõi thường xuyên để đánh giá mức độ ảnh hưởng của lupus ban đỏ đến cơ thể.
Người bị lupus ban đỏ có nguy cơ phát triển thêm nhiều bệnh khác, chẳng hạn như bệnh về thận. Kiểm soát tình trạng của người bệnh giúp phát hiện sớm các biến chứng và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp X quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để kiểm tra xem bệnh lupus ban đỏ đang ảnh hưởng như thế nào đến cơ quan nội tạng.
Thông tin về xét nghiệm lupus ban đỏ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết chính xác Bệnh viện Thu Cúc áp dụng phương pháp nào vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 hoặc 0936 388 288 để được tư vấn cụ thể.