Viêm thanh quản mạn tính là hệ lụy của tình trạng viêm thanh quản trong một thời gian dài do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng như khàn tiếng, mất tiếng và có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh viêm thanh quản
1.1 Viêm thanh quản là bệnh gì?
Viêm thanh quản là tình trạng tổn thương ở thanh quản, dây thanh âm trong cổ họng bị kích thích, sưng đỏ do sử dụng quá mức hoặc vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng.
Viêm thanh quản có thể tồn tại hai thể: cấp tính và mạn tính.
1.2 Viêm thanh quản mạn tính khác viêm thanh quản cấp tính như thế nào?
Viêm thanh quản cấp tính là thể viêm diễn ra trong thời gian ngắn, thông thường từ 1-2 tuần bệnh sẽ có chuyển biến thuyên giảm đáng kể và khỏ hẳn nếu được điều trị tốt.
Viêm thanh quản mạn tính là hiện tượng niêm mạc thanh quản bị viêm nhiễm hơn 20 ngày, quá trình viêm này sẽ dẫn tới loạn sản, quá sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. Đây là loại thể viêm thanh quản thường do tiếp xúc với chất kích thích theo thời gian. Viêm thanh quản thể mãn tính sẽ tốn nhiều thời gian để bình phục, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nhau như nguyên nhân gây bệnh, quá trình điều trị, sức khỏe người bệnh, đặc biệt là người tuổi đã cao.
2. Biểu hiện thường gặp của người bị viêm thanh quản thể mạn tính
Các triệu chứng viêm thanh quản thể mãn tính điển hình bao gồm:
– Đau họng, cổ họng luôn cảm giác ngứa, khô rất khó chịu.
– Người bệnh bị khàn giọng, nói không rõ, thậm chí mất tiếng.
– Ho nhiều và thường là ho khan.
– Ở trẻ em có thể xuất hiện triệu chứng thở rít, khó thở, khó nuốt.
Ngoài những triệu chứng thông thường trên, bệnh nhân cần đến bệnh viện điều trị ngay lập tức nếu có các triệu chứng: ho nhiều, cường độ mạnh, ho ra máu, sốt cao và không có dấu hiệu hạ khi đã uống thuốc, khó thở.
3. Những người có nguy cơ cao bị bệnh
Theo thống kê, viêm thanh quản thể mạn tính thường xảy ra ở các nhóm đối tượng sau:
– Người thường phải sử dụng nhiều đến giọng nói như dẫn chương trình, giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ,…
– Người hút thuốc lá nhiều hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, có hóa chất độc hại ảnh hưởng đến hệ hô hấp, dây thanh quản.
– Người có tiền sử nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,…
Tuy nhiên có thể không có các yếu tố trên vẫn có khả năng bị viêm thanh quản.
4. Phương pháp điều trị cho bệnh nhân viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản đặc biệt là mạn tính có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u ở thanh quản, tiêu biểu là: u nang dây thanh, hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh; những trường hợp nặng hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản.
Do đó, khi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu viêm thanh quản nào, bệnh nhân cần đi nội soi để chẩn đoán chính xác, có thể kèm theo xét nghiệm máu để xác định chính xác bệnh. Cùng với đó là các phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân.
4.1 Nguyên tắc khi điều trị viêm thanh quản mạn tính
Bệnh nhân cần biết nguyên tắc sau trong quá trình điều trị viêm thanh quản:
– Hạn chế sử dụng đến giọng nói trong lúc điều trị.
– Thực hiện phẫu thuật khi đã điều trị nội khoa mà không đạt hiệu quả.
– Thực hiện điều trị tại chỗ và toàn thân bằng các thuốc giảm viêm, giảm phù nề.
– Kết hợp điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
4.2 Các phương pháp điều trị cụ thể
– Liệu pháp luyện giọng: tùy vào mức độ tổn thương của thanh quản các chuyên viên sẽ tìm ra phương thức luyện giọng thích hợp cho bệnh nhân, vừa có khả năng cải thiện giọng nói vừa bảo vệ thanh quản cho người bệnh.
– Điều trị nội khoa tại chỗ và toàn thân: tùy từng trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc chống viêm, tiêu viêm.
– Phương pháp phẫu thuật: bệnh nhân sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật trong trường hợp điều trị nội khoa không có biến chuyển. Những bệnh nhân có tình trạng hạt xơ dây thanh, viêm thanh quản mãn tính bị biến chứng các bệnh lý về khối u thanh quản thường phải phẫu thuật.
5. Một số lời khuyên để phòng viêm thanh quản
Dưới đây là danh sách lời khuyên của bác sĩ cho bệnh nhân bị viêm thanh quản:
– Chú ý không được để lạnh vùng cổ, họng, và gió đột ngột làm tổn thương thanh quản.
– Khi thời tiết chuyển lạnh, cần mặc ấm, và đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh bụi, vi khuẩn có thể tấn công vào cơ thể.
– Với những người có tiền sử các bệnh hô hấp không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu. Hệ hô hấp lúc này không có khả năng bảo vệ khi bị vi khuẩn tấn công, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh.
– Điều trị dứt điểm khi bị cảm cúm, viêm nhiễm ở họng, mũi, tránh tình trạng kéo dài làm tăng nguy cơ mạn tính.
Trên đây là những thông tin chi tiết khi bị viêm thanh quản thể mạn tính. Đây là hệ lụy viêm thanh quản cấp tính nên rất khó để điều trị, do đó khi có dấu hiệu của bệnh viêm thanh quản cần phải đi khám bệnh ngay để tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán chính xác bệnh và được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đạt kết quả cao nhất có thể.