Viêm tai giữa cấp ở trẻ em và những kiến thức bố mẹ cần phải biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là căn bệnh thường gặp ở các bé. Nếu không được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Do đó, bố mẹ cần phải nắm rõ triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục tốt nhất khi bé bị viêm tai giữa cấp.

1. Những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị viêm tai giữa cấp tính

– Cấu trúc và sinh lý tai của trẻ em khác so với người lớn: Vòi nhĩ nối giữa mũi họng và tai của trẻ ngắn, ít dốc hơn so với người lớn nên viêm nhiễm ở vùng mũi họng dễ lây lan lên tai.

– Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ mắc bệnh viêm mũi họng, đặc biệt là viêm VA. Không chỉ vậy, bé còn hay bị nôn trớ, khiến thức ăn và dịch dạ dày dễ trào vào vòi nhĩ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm tai giữa hình thành và phát triển.

– Niêm mạc đường hô hấp trên của bé gồm niêm mạc tai giữa vô cùng nhạy cảm và dễ kích ứng. Do đó, bộ phận này thường tăng tiết dịch và dễ phù nề, góp phần sinh ra bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa cấp tính

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa cấp tính

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Khi trẻ nhỏ bị viêm tai giữa cấp tính, con thường sốt, bỏ bú, quấy khóc, nôn trớ, kém ăn hoặc bị rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như đi ngoài phân lỏng, ăn không tiêu. Với những trẻ lớn hơn, con có thể kêu đau tai, cảm thấy khó chịu và nghễnh ngãng. Dịch và mủ tai sẽ chảy ra sau cùng khi những dấu hiệu trên thuyên giảm.

3. Các mức độ viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em

– Viêm tai giữa xuất tiết có dấu hiệu kín đáo, nhiều khi chỉ phát hiện ra khi tình cờ đi khám tai mũi họng.

– Viêm tai giữa sung huyết có biểu hiện khá điển hình là sốt và đau tai.

– Viêm tai giữa mủ là giai đoạn tai trẻ bắt đầu chảy mủ. Khi thăm khám có thể thấy bị thủng màng nhĩ.

4. Những trẻ nào có nguy cơ cao bị bệnh viêm tai giữa cấp tính

Bệnh viêm tai giữa cấp xuất hiện ở cả trẻ em lẫn người lớn, nhưng thường gặp ở trẻ em hơn, nhất là những bé từ 6 – 36 tháng tuổi. Nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính cao hơn khi trẻ sử dụng những vật dụng, đồ chơi không được vệ sinh sạch sẽ, tiếp xúc với không khí lạnh, không khí ô nhiễm, ăn uống khi nằm hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Bố mẹ cần phải đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng thăm khám ngay khi xuất hiện triệu chứng viêm tai giữa cấp tính. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị tích cực, tránh không để bệnh diễn tiến nặng và khó phục hồi.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là căn bệnh thường gặp ở các bé

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là căn bệnh thường gặp ở các bé

5. Biến chứng của bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em

– Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới một số di chứng và biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng thăm khám khi xuất hiện những triệu chứng kể trên. Đặc biệt là khi bé bị chảy dịch tai, đau tai,… Lúc này, trẻ sẽ được thăm khám với đèn soi tai hoặc nội soi để bác sĩ có thể quan sát màng nhĩ và đánh giá mức độ viêm tai giữa.

– Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em gây ứ mủ, ứ dịch trong hòm nhĩ, gây thủng nhĩ và hủy những xương con. Điều này dẫn tới tình trạng giảm sức nghe, kéo theo chậm nói và rối loạn ngôn ngữ.

– Hiện tượng nhiễm trùng nặng cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm màng não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, liệt dây thần kinh mặt.

6. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em

Khi trẻ đến khám chuyên khoa Tai mũi họng, các bác sĩ sẽ kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và hỏi tình trạng cụ thể của bé để xác định bệnh chính xác nhất. Sau đó, các bác sĩ sẽ chỉ định trẻ thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như:

– Soi tai để kiểm tra xem tai giữa của trẻ có xuất hiện dịch, mủ, sung huyết hoặc bị thủng màng nhĩ hay không.

– Đo màng nhĩ và kiểm tra thính lực để xem trẻ có bị mất thính lực hay không.

Bố mẹ phải đưa con đi khám ngay khi phát hiện trẻ bị viêm tai giữa cấp

Bố mẹ phải đưa con đi khám ngay khi phát hiện trẻ bị viêm tai giữa cấp

7. Một số phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ

Việc phát hiện và điều trị bệnh viêm tai giữa cấp tính kịp thời, theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng. Bố mẹ tuyệt đối không được để tình trạng viêm tai giữa cấp tính của trẻ kéo dài vì nếu bệnh chuyển biến xấu sẽ khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

Một số biện pháp điều trị bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em thường gặp nhất là:

– Sử dụng thuốc chuyên khoa theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc kháng sinh khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ vì sẽ gây ra những tác dụng phụ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này. Việc sử dụng thuốc phải căn cứ vào nguyên nhân gây ra bệnh và những căn bệnh liên quan như viêm xoang, viêm họng cúm, viêm mũi.

– Chích rạch màng nhĩ nếu trẻ bị viêm tai giữa ứ mủ.

– Đặt ống thông nhĩ nếu trẻ bị viêm tai giữa ứ dịch.

– Nạo VA trong trường hợp VA lớn và bị viêm thường xuyên để phòng ngừa bệnh viêm tai giữa tái phát.

– Cần phải vệ sinh sạch sẽ những vật dụng xung quanh trẻ, giữ ấm cho con khi trời trở lạnh để phòng bệnh.

Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng bố mẹ đã có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Từ đó biết cách xử trí kịp thời khi con bị viêm tai giữa tai giữa cấp tính để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital