Mách mẹ cách nhận biết bệnh viêm ruột thừa ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm ruột thừa ở trẻ là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, tránh ảnh hưởng đến tính mạng. Để phát hiện sớm bệnh, phụ huynh cần trang bị những kiến thức cần thiết để xử trí kịp thời và đúng cách.

1. Hiểu biết về viêm ruột thừa ở trẻ em

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn vì một lý do nào đó. Điều này bao gồm tắc nghẽn do phân cứng, nhiễm trùng hoặc viêm ở các hạch bạch huyết nằm trong ruột.

Theo Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật nội soi và tiêu hóa Hoa Kỳ, có 70.000 trẻ em bị viêm ruột thừa ở Hoa Kỳ mỗi năm. Tình trạng này xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Viêm ruột thừa là nguyên nhân hàng đầu của phẫu thuật đường tiêu hóa ở trẻ em. Nếu không được xử trí kịp thời, viêm ruột thừa đe dọa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể khi ruột thừa bị vỡ, vi khuẩn sẽ được giải phóng vào khoang ổ bụng, gây nhiễm trùng nặng.

Theo một số nghiên cứu thống kê, khoảng 20% đến 30% trường hợp trẻ em bị vỡ ruột thừa.

viêm ruột thừa ở trẻ như thế nào?

Vị trí ruột thừa ở trẻ

2. Triệu chứng

Nhận biết bệnh viêm ruột thừa ở trẻ là một việc khó khăn. Bởi vì trẻ còn nhỏ, nhiều trường hợp chưa biết diễn đạt hoặc mô tả các triệu chứng đang gặp phải.

2.1 Các dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ thường gặp

Đau ruột thừa thường bắt đầu như đau quanh rốn. Các triệu chứng mà trẻ có thể gặp phải bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh, mạch nhanh.
  • Đi tiểu thường xuyên và trẻ kêu đau khi đi tiểu
  • Có thể có sốt nhẹ, khoảng 37,5 độ đến 38 độ C
  • Ăn kém, chán ăn, bỏ bú.
  • Đau vùng dạ dày hoặc ở vùng bụng dưới bên phải
  • Buồn nôn, nôn ói.
Cần xác định sớm viêm ruột thừa ở trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời

Cần xác định sớm viêm ruột thừa ở trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời

Theo Bệnh viện Nhi Cincinnati, hầu hết trẻ em bị viêm ruột thừa ở độ tuổi từ 8 đến 16. Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi cũng có thể mắc bệnh này. Đây là nhóm tuổi dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của viêm ruột thừa do trẻ chưa biết cách diễn đạt về triệu chứng để có thể phát hiện sớm bệnh. Trẻ có thể bị đau rõ rệt khi cử động, ho, hắt hơi hoặc sờ vào bụng. Biểu hiện bằng việc trẻ khóc thét khi sờ vào bụng hoặc nằm yên không muốn cử động.

2.2 Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ thường nhầm lẫn với bệnh nào?

Đôi khi, cha mẹ có thể nhầm lẫn viêm ruột thừa với một tình trạng khác nếu không làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. Một số tình trạng gây ra các triệu chứng tương tự viêm ruột thừa bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Sỏi thận.
  • Táo bón nặng.
  • Viêm phổi.

3. Cần đưa con bạn đi khám kịp thời

Nếu bạn nghĩ rằng trẻ có thể bị viêm ruột thừa, phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

Một đứa trẻ bị viêm ruột thừa và không được chẩn đoán trong 48 giờ khả năng ruột thừa bị vỡ sẽ tăng lên rất nhiều. Chính vì thế, đưa con đi khám ngay lập tức nếu trẻ gặp các triệu chứng có thể là viêm ruột thừa. Ví dụ: đau bụng tiến triển thành nôn ói, kém ăn, bỏ bú hoặc sốt.

Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi để tìm hiểu về các triệu chứng trẻ gặp phải. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh, như siêu âm hoặc chụp CT. Xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán viêm ruột thừa và loại trừ các bệnh lý khác.

Trẻ em bị viêm ruột thừa rất khó chẩn đoán

Trẻ em bị viêm ruột thừa rất khó chẩn đoán. 

4. Có những phương pháp điều trị nào cho bệnh viêm ruột thừa ở trẻ?

Phương pháp điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cho trẻ. Trường hợp ruột thừa chưa viêm, trẻ có thể được điều trị kháng sinh trước sau đó mới tiến hành mổ cắt ruột thừa.

Tuy nhiên, nếu ruột thừa đã bị vỡ, trẻ sẽ phải tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa và bơm rửa khoang phúc mạc càng sớm càng tốt. Mục đích là đảm bảo vi khuẩn có bên trong ruột thừa không di chuyển đến các phần khác của ổ bụng và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Trẻ em bị vỡ ruột thừa thường phải ở lại bệnh viện lâu hơn để được truyền kháng sinh đường tĩnh mạch vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

5. Cách để trấn an tinh thần và ổn định tâm lý cho trẻ

Khi trẻ cần phẫu thuật, cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc giải thích tình trạng bệnh. Mặt khác, đau ruột thừa thường phải mổ cấp cứu nên không phải lúc nào chúng ta cũng có nhiều thời gian chuẩn bị về tâm lý cho con.

Cách tiếp cận sau đây có thể giúp trẻ hiểu được tình trạng bệnh và ổn định tinh thần:

  • Giải thích cho trẻ rằng cần đến bệnh viện để xử lý một vấn đề về sức khỏe. Không nên dùng những từ có thể khiến trẻ sợ hãi không cần thiết như “mổ xẻ” hoặc “mở bụng.”
  • Giải thích phẫu thuật có thể giúp trẻ hết bệnh. Trấn an với trẻ rằng các bác sĩ sẽ giúp chúng không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật.
  • Động viên trẻ rằng bố mẹ luôn ở bên và sẽ có mặt bên cạnh ngay sau khi trẻ phẫu thuật xong. Trẻ sẽ sớm hết đau và cảm thấy khỏe hơn.
  • Nếu có thể, có thể áp dụng một số hoạt động thư giãn nhẹ nhàng giúp trẻ quên đi sợ hãi trước và sau khi phẫu thuật. Ví dụ bao gồm một cuốn sách, đồ chơi mới hoặc gặp gỡ với thành viên trong gia đình mà trẻ yêu quý như ông bà, anh chị…

Kết luận

Viêm ruột thừa hiếm khi gây tử vong cho trẻ em nhưng nguy cơ này có thể xảy ra nếu không được điều trị. Mặc dù khó nhận biết viêm ruột thừa, nhưng nếu thấy các triệu chứng bất thường ở trẻ và nghi ngờ viêm ruột thừa hãy tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức để đảm bảo trẻ được an toàn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital