Viêm quanh cuống răng là bệnh có tỷ lệ biến chứng cao nếu không có phương pháp điều trị kịp thời. Trường hợp viêm xung quanh cuống răng cấp tính sẽ gây ra các hệ luỵ nguy hiểm chẳng hạn như: viêm tủy, viêm hạch, làm tiêu xương hàm, áp xe răng hoặc thậm chí mất răng… Để điều trị hiệu quả bệnh này thì cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh là gì?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân chính gây viêm quanh cuống răng
1.1 Viêm quanh cuống răng do bị nhiễm khuẩn
Vi khuẩn xâm nhập từ lỗ sâu răng tạo điều kiện cho chất có độc tính tấn công các mô xung quanh cuống răng. Hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài gây ra viêm tủy, hoại tử tuỷ và viêm nhiễm quanh cuống răng.
Nhóm các độc tố gây ra cụ thể như sau:
– Nội độc tố và ngoại độc tố được sản sinh từ các loại vi khuẩn.
– Enzyme gây tiêu protein, tiêu biểu là phosphatase acid, ß – glucuronidase và arylsulfatase.
– Enzyme có khả năng tiêu hủy cấu trúc sợi chun và sợi tạo keo.
– Thành phần gây tiêu xương là prostaglandin và interleukin 6.
Bên cạnh đó, hiện tượng bị nhiễm khuẩn quanh răng là một trong những tác nhân gây viêm cuống răng do vi khuẩn từ mô quanh răng có thể dễ dàng xâm nhập vào vùng cuống răng.
1.2. Bệnh viêm quanh cuống răng vì bị sang chấn răng
Sang chấn răng được xem là một trong ba nguyên nhân chính gây viêm cuống răng, cụ thể:
– Sang chấn cấp tính: là những sang chấn có mức độ mạnh, có thể gây ra đứt các mạch máu ở cuống răng, từ đây tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh tấn công. Viêm cuống răng không thể tránh khỏi và trong trường hợp này gọi là viêm cuống răng cấp tính.
– Sang chấn mạn tính: các sang chấn có ảnh hưởng khá nhẹ chẳng hạn như sang chấn do thói quen nghiến răng, cắn chỉ, cắn đinh hoặc sang chấn khớp cắn, núm phụ, xảy ra một cách thường xuyên và viêm cuống răng mạn tính là hệ lụy.
1.3. Do sai sót trong điều trị nha khoa
Một số sai sót điều trị trong nha khoá có thể là nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu bắt nguồn từ việc sai sót trong quá trình điều trị tủy, khớp răng, chất hàn thừa. Cụ thể như sau:
– Bội nhiễm khi đẩy chất bẩn ra bên ngoài trong quá trình lấy tủy và làm sạch ống tủy.
– Do các tác nhân hữu cơ như tạo nút ngà mùn bên trong lòng ống tủy hoặc tác nhân cơ học như gãy dụng cụ làm tắc ống tuỷ, gây tình trạng viêm nhiễm càng trầm trọng hơn.
– Thủng ống tủy do lạc đường.
– Lỗ cuống răng bị di chuyển hoặc xé rộng.
– Trong quá trình điều trị tuỷ vi khuẩn bị đẩy xuống vào khu vực cuống răng hoặc bị các dị vật xâm nhập, tiêu biểu là sợi cellulose từ côn giấy, bột tan từ găng tay,…
– Các vi khuẩn bên trong khoang tủy kháng lại chất sát trùng ống tủy ở các răng được thực hiện điều trị tủy lại.
– Do sử dụng thuốc sát khuẩn có tính chất kích thích mạnh vùng cuống răng.
– Vi khuẩn lưu lại và phát triển ở vị trí các chất hàn quá cuống.
2. Viêm xung quanh cuống răng có dấu hiệu nhận biết nào?
Với bệnh viêm cuống răng bệnh nhân sẽ phải “đối mặt” với những triệu chứng đặc trưng như sau:
– Khi gõ dọc vào răng, bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội hơn nhiều khi gõ ngang. Niêm mạc tại ngách lợi mà tương ứng vùng cuống răng cũng có dấu hiệu sưng nề, đỏ, ấn đau. Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm cuống răng.
– Người bệnh có biểu hiện sốt khá cao, ≥ 38 ̊C kèm theo mệt mỏi và một số dấu hiệu nhiễm khuẩn như khô môi, lưỡi.
– Một số người có thể xuất hiện hạch ở vùng dưới hàm hoặc dưới cằm.
– Xuất hiện cơn đau nhức răng: có thể đau tự nhiên, liên tục, hoặc nghiêm trọng, lan lên vùng nửa đầu. Khi nhai, nuốt thức ăn, mức độ đau tăng dần lên và không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.
– Người bệnh thường bị đau cả vùng răng do vậy khó xác định chính xác vị trí đau.
– Quan sát kĩ thấy vùng da bị viêm nhiễm có dấu hiệu đỏ, sưng nề, không rõ ranh giới, ấn vào thấy đau, có hạch tương ứng.
– Răng có thể đổi màu hoặc một số người sẽ không đổi màu, lúc thăm khám thấy tổn thương do sâu răng chưa được hàn, hoặc có những tổn thương khác không do sâu.
3. Điều trị cuống răng bị viêm như thế nào?
Điều trị viêm quanh cuống răng được đánh giá khá phức tạp và không thể thực hiện tại nhà được. Người bệnh cần phải đến ngay cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện thăm khám và điều trị phù hợp, hạn chế biến chứng xảy ra.
Bước đầu tiên trong quá trình điều trị viêm cuống răng là người bệnh được lên phác đồ điều trị dựa trên mức độ viêm nhiễm được bác sĩ xác định thông qua hình ảnh chụp Xquang.
Với bệnh nhân bị viêm cuống răng ở thể nhẹ, mới bị thì được tiến hành hồi phục cuống răng bằng việc loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và phần hoại tử nếu có. Từ đó, người bệnh mất dần cảm giác đau và nhanh chóng lành bệnh.
Trong các phương pháp điều trị viêm cuống răng, không thể không nhắc đến hàn ống tuỷ. Đây là phương pháp được đánh giá tránh được xâm nhập vi khuẩn vào vùng cuống một cách hiệu quả. Với hàn ống tuỷ, chất hàn phải dễ bảo quản, dễ sử dụng, thao tác hàn phải thực hiện nhanh chóng, chính xác đến đường ranh giới xương ngà và đảm bảo vô trùng.
Đồng thời, cùng với đó là kỹ thuật mở thông buồng tủy, giảm áp lực khí nhằm giảm đau cho bệnh nhân. Bác sĩ nha khoa cũng có thể yêu cầu kết hợp dùng thêm kháng sinh, hoặc chỉ thép để cố định răng… cũng cần thiết đối để hạn chế trường hợp biến chứng của viêm cuống răng gây ra.
Trên đây là những điều cần biết về bệnh viêm cuống răng. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, do vậy việc tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh, nắm được những dấu hiệu bệnh sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện tình trạng bất thường ở cuống răng gây ra. Đồng thời, từ đây người bệnh có phương pháp điều trị kịp thời, chính xác để đảm bảo sức khoẻ cho hàm răng của mình.