Viêm phổi ở người lớn: Nhận diện, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm phổi ở người lớn là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Do đó, việc hiểu rõ về viêm phổi là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Menu xem nhanh:

1. Khái niệm và dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở người lớn

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm ở phổi, thường do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Khi mắc bệnh, các phế nang (túi khí trong phổi) bị viêm và chứa đầy dịch hoặc mủ, gây ra hiện tượng khó thở và giảm khả năng cung cấp oxy cho cơ thể. Triệu chứng viêm phổi thường khá rõ ràng nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác, như cảm lạnh hay cảm cúm.

1.1 Cách nhận diện viêm phổi ở người lớn

Các dấu hiệu điển hình của viêm phổi ở người lớn bao gồm:

Khó thở: Người bệnh cảm thấy khó thở, thở khò khè, hoặc thở nông. Đây là một trong những triệu chứng nổi bật và dễ nhận biết nhất của viêm phổi.

Đau ngực: Đau tức ngực, đặc biệt là khi ho hoặc thở mạnh, là một dấu hiệu quan trọng. Cơn đau có thể nhói lên mỗi khi người bệnh hít thở sâu.

Ho: Ho dai dẳng, có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Đôi khi, ho kèm theo cảm giác ngạt thở.

Sốt cao, ớn lạnh: Người bệnh có thể sốt cao kéo dài, kèm theo cảm giác ớn lạnh, đổ mồ hôi nhiều, nhất là vào ban đêm.

Cơ thể suy nhược: Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, da dẻ tái xanh, tay chân lạnh, và có thể xuất hiện tình trạng mất nước.

Những triệu chứng trên thường kéo dài từ một đến hai tuần nếu là viêm phổi cấp tính. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi mạn tính, tái phát nhiều lần, làm suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Viêm phổi ở người lớn

Khó thở, thở khò khè là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phổi

1.2 Những biến chứng nguy hiểm của viêm phổi ở người lớn

Viêm phổi không chỉ là một bệnh lý nguy hiểm, mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách:

Suy hô hấp: Do phổi bị viêm, khả năng cung cấp oxy cho cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu không được can thiệp kịp thời, suy hô hấp có thể dẫn đến hôn mê, chết não, và thậm chí tử vong.

Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn từ phổi có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu, gây nhiễm trùng toàn thân, dẫn tới suy đa tạng và đe dọa tính mạng.

Tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi: Dịch viêm có thể tràn vào khoang màng phổi, gây ra tình trạng tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, khiến cho việc hô hấp trở nên khó khăn hơn.

Xơ hóa phổi: Viêm phổi kéo dài có thể dẫn đến tình trạng xơ hóa, làm giảm khả năng giãn nở của phổi và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng hô hấp.

2. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người lớn

Viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Vi khuẩn: Đây là nguyên nhân chính gây ra viêm phổi, đặc biệt là các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Virus: Một số loại virus gây cảm lạnh hoặc cúm cũng có thể dẫn đến viêm phổi. Triệu chứng của viêm phổi do virus thường bắt đầu nặng và giảm dần theo thời gian.

Nấm: Viêm phổi do nấm thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người mắc bệnh mãn tính hoặc làm việc trong môi trường ẩm mốc.

Các tác nhân khác: Hút thuốc lá, hít phải khói bụi, ô nhiễm không khí cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.

Ngoài ra, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi bao gồm:

Người có bệnh lý mạn tính: Những người mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm phế quản mãn tính hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nguy cơ cao bị viêm phổi.

Người cao tuổi: Hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác làm cho người cao tuổi dễ bị viêm phổi hơn.

Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khó thuốc: Thuốc lá gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus xâm nhập gây viêm phổi.

Nguy cơ bệnh viêm phổi ở người lớn

Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc trong thời gian dài cũng dễ bị viêm phổi

3. Phác đồ điều trị viêm phổi ở người lớn

Viêm phổi ở người lớn có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

3.1 Điều trị bằng thuốc

Thuốc kháng sinh: Đối với viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phù hợp. Việc tuân thủ liều lượng và thời gian dùng thuốc là rất quan trọng để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc hạ sốt và giảm đau: Giúp kiểm soát các triệu chứng sốt và đau ngực.

Thuốc long đờm và thuốc ho: Được sử dụng để làm loãng dịch nhầy trong phổi và giảm triệu chứng ho.

3.2 Chăm sóc cơ thể để tăng hiệu quả hồi phục

Bên cạnh việc dùng thuốc, chăm sóc sức khỏe và thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm phổi:

Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng và giảm nguy cơ biến chứng.

Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng dịch nhầy trong phổi, dễ dàng tống ra ngoài qua đường ho.

Vệ sinh môi trường sống: Loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trong không khí để tránh tình trạng tái nhiễm.

Chế độ ăn uống: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và chất xơ để tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe phổi.

Khám bệnh viêm phổi ở người lớn

Khi thấy những dấu hiệu hô hấp bất thường, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám

3.3 Lưu ý các triệu chứng nặng

Nếu nhận thấy các triệu chứng như khó thở nghiêm trọng, da dẻ xanh tái, sốt cao không giảm, hoặc tinh thần lú lẫn, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm phổi đã trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời, đúng cách.

4. Phòng ngừa viêm phổi ở người lớn

Phòng bệnh luôn là biện pháp tốt nhất. Để giảm nguy cơ mắc viêm phổi, mỗi người cần chú ý:

Tiêm phòng vắc-xin: Vắc-xin phòng cúm và viêm phổi có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

Không hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, trong đó có viêm phổi.

Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng khí.

Như vậy, bệnh viêm phổi ở người lớn là một bệnh lý nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe của mình, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital